Tìm kiếm tin tức
DANH MỤC
.
 
           
            
           
         
         
    
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

THỦY THANH - MẢNH ĐẤT, CON NGƯỜI VÀ TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH YÊU NƯỚC
Ngày cập nhật 04/04/2024

I. Mảnh đất và con người

1. Đặc điểm tự nhiên

Là một trong 10 phường, xã của thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, xã Thủy Thanh hiện nay nằm ở phía Đông Bắc của thị xã Hương Thủy và cách trung tâm thành phố Huế khoảng 6km theo hướng Tây.

Phía Bắc giáp xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang;

Phía Nam giáp phường Thủy Phương, phường Thủy Dương;

Phía Đông giáp phường Thủy Châu và xã Phú Hồ (huyện Phú Vang);

Phía Tây giáp Phường Thủy Vân và phường An Đông (thành phố Huế).

Diện tích đất tự nhiên toàn xã: 849,16ha (chiếm 1,87% diện tích đất tự nhiên của thị xã Hương Thủy); trong đó: Đất nông nghiệp: 613,14ha (chiếm 71,97%); đất phi nông nghiệp: 216,24ha (chiếm 20,23%); đất khu dân cư nông thôn 50,59ha (chiếm 5,94%); đất chưa sử dụng: 3ha (chiếm 0,35%).

Nhìn chung, đất đai của xã Thủy Thanh thuộc hệ đất phù sa, chiếm toàn bộ đồng bằng do bồi tụ; gồm 2 loại đất, đó là phù sa được bồi tụ hàng năm (Pb) và phù sa không được bồi tụ hàng năm (Pk), thành phần cơ giới của loại đất này chủ yếu là thịt nhẹ, thịt trung bình. Đây là loại đất thích hợp cho sản suất nông nghiệp, đặc biệt là trồng lúa nước và các loại cây hoa màu.

Xã có 3 làng, 5 thôn: Vân Thê Làng và Vân Thê Đập (thuộc làng Vân Thê), Thanh Thủy Chánh, Lang Xá Bàu và Lang Xá Cồn (thuộc làng Lang Xá); hiện nay xã chia tách thành 9 thôn: Vân Thê Thượng, Vân Thê Trung, Vân Thê Nam, Vân Thê Đập (thuộc Làng Vân Thê), Thanh Toàn, Thanh Thủy, Thanh Tuyền (thuộc Làng Thanh Thủy Chánh), Lang Xá Bàu, Lang Xá Cồn (thuộc Làng Lang Xá).

Mạng lưới giao thông trên địa bàn xã khá thuận lợi; gồm có tuyến Tỉnh lộ 1, Tỉnh lộ 3, đường Trung tâm xã, đường Hoàng Quốc Việt nối dài và Tự Đức – Thuận An đi qua với chiều dài gần 10km. Ngoài ra, hệ thống đường liên thôn, liên xã, liên xóm cũng rất phát triển, thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân trong xã với các địa bàn phụ cận.

Thủy Thanh có chế độ khí hậu nhiệt đới gió mùa và chịu ảnh hưởng của gió Phơn Tây Nam, chia làm hai mùa rõ rệt: Mùa khô, nóng; bắt đầu từ tháng 3 kéo dài đến tháng 8, nhiệt độ trung bình từ 240 C đến 270 C, có khi lên đến 390 C - 400 C. Mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau, có rét lạnh, nhiệt độ bình quân 180 C - 220 C, có lúc xuống còn 100 C - 120 C. Lượng mưa trung bình 2.500mm, thường tập trung vào tháng 10, 11, 12.

Hệ thống sông ngòi trên địa bàn xã chằng chịt, trong đó đáng chú ý là sông Như Ý và sông An Cựu bắt nguồn từ sông Hương chảy qua khoảng 8km, rồi đổ nước ra đầm Sam và sông Đại Giang, đây là nguồn nước chính phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Hàng năm vào mùa mưa thường gây ra lũ lớn làm ách tắc các tuyến đường giao thông nội xã và các tuyến tỉnh lộ đi qua địa bàn của xã.

Đồng ruộng Thủy Thanh rộng, chiếm 71,97% diện tích đất tự nhiên, địa hình tương đối bằng phẳng. Hàng năm, được bồi đắp một lượng phù sa phong phú đã làm cho năng suất lúa và sản lượng của các loại cây trồng ở địa phương đạt hiệu quả cao.

Thủy Thanh có chợ Cầu Ngói Thanh Toàn là trung tâm buôn bán, trao đổi hàng hóa của nhân dân địa phương với các vùng phụ cận. Do thuận lợi về mặt giao thông đường thủy, đường bộ, nối với các vùng trong khu vực; chợ Cầu Ngói Thanh Toàn một thời nổi tiếng với các sản phẩm của địa phương và các nơi đem đến, nơi tụ họp đông đúc của cư dân về mua bán, đồng thời là đầu mối giao lưu hàng hóa giữa nhân dân các xã của hai huyện Hương Thủy, Phú Vang.

Kể từ lễ hội Festival Huế năm 2002 đến nay, chợ Cầu Ngói Thanh Toàn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa của “Chợ quê 9 ngày hội”, trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, quảng bá hình ảnh văn hóa đặc sắc của một vùng quê, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Chợ quê Cầu Ngói Thanh Toàn được tái hiện qua cảnh buôn bán tấp nập của phiên chợ vùng nông thôn ở vùng ven thành phố Huế trong những thế kỷ trước, mang đậm vẻ quê xưa bình dị, mộc mạc, với những thiếu nữ duyên dáng; với các món chè Huế, những đứa trẻ say sưa với những con tò he đầy màu sắc, tiếng bệ rèn phì phò thổi lửa, tiếng hát bài chòi giọng Huế văng vẳng bên bờ sông Như Ý.

Đến với chợ quê Cầu Ngói Thanh Toàn, du khách không những được hòa mình trong cuộc sống thôn quê dân dã bên dòng sông nhỏ thơ mộng, mà còn được xem những nông, ngư cụ gắn liền với người dân lao động; được tham gia các trò chơi dân gian hấp dẫn, độc đáo; tham dự những sinh hoạt thôn dã ngày mùa như đập lúa, xay thóc, đạp nước, nghe hò giã gạo, xem thi làm bánh, thưởng thức các món ăn đặc trưng của miền quê do người dân bản địa chế biến... Chợ quê còn là nơi quy tụ của các sản vật vùng quê Hương Thủy như: Gạo Thủy Dương, nếp Phù Bài, bánh tráng Thủy Lương, rượu Thủy Dương, dưa gang Thủy Châu. Tiếp đến là các loại chè, bánh truyền thống như: Bánh ú, bánh tày, chè bắp, chè hạt sen, kẹo cau, các loại nông sản luộc như khoai, sắn chấm với muối mè, đường đen... cùng những món ngon dân dã của riêng Huế như: Xôi thịt hon, muối mè, muối sả, cơm mo, cá trê nướng, bánh bèo, nậm, lọc, cơm hến, bún hến Vĩ Dạ, bánh canh cá lóc...

Ngoài khu buôn bán, khu ẩm thực, khu vui chơi dân gian; du khách có thể học làm bánh Huế, hay chèo đò dạo chơi trên sông Như Ý. Những trò chơi truyền thống như bài chòi, bịt mắt đập om, chọi gà, bắt vịt trên sông... rất nhộn nhịp, sinh động. Nhiều du khách đến chợ quê Cầu Ngói Thanh Toàn tìm lại được nét xưa trong không gian thoáng mát, ngập hương lúa vụ mùa. Điều đặc biệt nhất của chợ quê Cầu Ngói Thanh Toàn là cây Cầu Ngói sát chợ được xây dựng từ trước năm 1776, kiểu dáng kiến 10 trúc đậm nét Á Đông, với nhiều loại gỗ quý hiếm như lim, kiềng kiềng... mái ngói (kiểu Thượng gia - Hạ kiều). Hai bên lối đi có hai hàng ghế để du khách nghỉ chân vừa trò chuyện vừa ngắm dòng sông điểm xuyết vài bông hoa súng, hoa sen dập dềnh trên mặt nước mà hồi tưởng lại một thời xa xưa - thời chăn trâu, cắt cỏ, thả diều, cất rớ... trên những cánh đồng làng quê thanh bình, yên ả.

2. Đặc điểm lịch sử:

   

Trong buổi bình minh của thời đại đồ đá mới, cách ngày nay 6.000 đến 8.000 năm, người Việt nguyên thủy đã có mặt trên dải đất phía Nam Hoành Sơn qua những dấu tích còn lại của nền văn hóa Bắc Sơn. Bước sang nền văn hóa Bàu Tró, những bộ lạc sống trên đất Thừa Thiên Huế ngày nay đã trở thành cư dân nông nghiệp. Đến thời đại văn hóa Đông Sơn, những người nông dân nguyên thủy ấy đã bước sang kỷ nguyên Hùng Vương. Từ đó cư dân ở Thừa Thiên Huế, trong đó có cư dân Thủy Thanh đã tồn tại với tư cách là một bộ phận cư dân có nguồn gốc từ bộ Việt Thường, một trong 15 bộ của nước Văn Lang ngày xưa.

Dưới thời nhà Hán, vùng đất Thủy Thanh thuộc quận Nhật Nam. Năm 192, Khu Liên cùng dân Chămpa nổi dậy đánh đuổi quân Hán khỏi quận Nhật Nam; từ đó Nhật Nam trở thành nước Lâm Ấp với 5 châu: Địa Lý, Mê Linh, Bố Chính, Ô và Lý; lúc này Thủy Thanh thuộc châu Lý.

Năm 1306, với cuộc hôn nhân giữa công chúa nhà Trần - Huyền Trân với vua Chăm là Chế Mân đã đem lại 2 châu Ô và Lý (Rí) về cho Đại Việt, năm sau (1307) vua Trần Anh Tông cho đổi tên thành Châu Thuận, Châu Hóa. Từ đó, trải qua các thời Trần, Hồ, Lê, phần đất Thủy Thanh hiện nay thuộc ba huyện Lợi Bồng, Tư Dung và Thế Vinh (Thế Vang) của Châu Hóa. Tuy nhiên, suốt thời gian gần hai thế kỷ (từ đầu thế kỷ XIV cho đến nửa cuối thế kỷ XV), do các cuộc chiến tranh liên miên để giành giật đất đai của hai nước Chămpa và Đại Việt nên vùng đất này chưa có được mấy làng xóm của người Việt đến sinh sống.

Đầu thời Lê, đổi phủ Thuận Hóa làm lộ Thuận Hóa thuộc đạo Hải Tây, đến năm Quang Thuận thứ 10 (1469), vua Lê Thánh Tông cho định lại bản đồ của các phủ, châu, huyện, xã thuộc 12 thừa tuyên trong cả nước, cải lộ Thuận Hóa làm thừa tuyên Thuận Hóa, lúc này vùng đất của Thủy Thanh thuộc huyện Tư Vang, phủ Triệu Phong.

Năm 1553, khi nhuận sắc sách “Ô châu cận lục”, Dương Văn An cho biết phần đất Thủy Thanh lúc này gồm các làng Vân Thê, Ôn Tuyền (Thanh Thủy Chánh, Thanh Thủy Thượng), Lang Xá đều thuộc huyện Tư Vinh, phủ Triệu Phong; với lời bình “Vân Thê chân bước tới thang mây”; “Ôn Tuyền ngọc đẹp tựa như phong thái quý phi”; “Lang Xá Phạm lang lơ thơ điếm cỏ trăng dọi đầy sân”.

Đến thời các chúa Nguyễn và vua Nguyễn, làng xã được tổ chức sắp xếp lại, theo “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn viết vào năm 1776 thì vùng đất Thủy Thanh lúc này có 3 xã là Vân Thê thuộc tổng Đường Pha; Lang Xá thuộc tổng Dã Lê; Thanh Tuyền Thượng (hạ) thuộc tổng Sư Lỗ, huyện Phú Vang, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa.

Mô tả địa giới (làng) xã ở Thủy Thanh, Địa bạ triều Nguyễn dưới thời Gia Long (1810 - 1818) chép như sau:

Làng Thanh Tuyền, thuộc tổng Sư Lỗ, huyện Phú Vang.

- Đông giáp xã Lang Xá, xã Dã Lê thượng (thuộc tổng Dã Lê), xã An Cựu (tổng Vi Dã);

- Tây giáp xã Vân Thê (tổng Đường Hoa), xã Dương Phẩm, xã Nguyệt Biều (thuộc tổng Kim Long, huyện Hương Trà);

- Nam giáp xã Vân Thê (tổng Đường Hoa), xã Vi Dã Thượng (tổng Kim Long, huyện Hương Trà).

- Bắc giáp xã Dương Phẩm (tổng Kim Long, huyện Hương Trà).

Toàn bộ diện tích: 3692.5.3.3.7 (3692 mẫu, 5 sào, 3 thước, 3 tấc, 7 phân); trong đó:

- Công điền: 1277.8.4.2.3

- Công điền cho nơi khác: 2.5.11.3 - Quan điền: 4.8.11.0 - Tư điền của người nơi khác: 0.2.11.7

- Công thổ: 11.0.0.0 - Quan thổ: 1.2.0.0

- Thổ trạch dân cư: 81.7.2.0

- Mộ địa, rừng: 381.1.0.0 - Hoang nhàn, thổ phụ, rừng: 1910.8.0.0 Làng Lang Xá, thuộc tổng Dã Lê, huyện Phú Vang.

- Đông giáp xã Dương Xuân (tổng Vi Dã, huyện Hương Trà), xã Dã Lê Thượng, xã Thanh Tuyền (tổng Sư Lỗ);

- Tây giáp xã An Cựu (tổng Vi Dã, huyện Hương Trà);

- Nam giáp xã Thanh Tuyền (tổng Sư Lỗ);

- Bắc giáp xã Dương Xuân (tổng Vi Dã, huyện Hương Trà).

Toàn bộ diện tích: 1024.6.4.4.2 (1024 mẫu, 6 sào, 4 thước, 4 tấc, 2 phân);

trong đó: - Công điền: 246.0.6.4.2

- Công thổ: 0.4.0.0

- Quan thổ Tam Bảo: 0.4.0.0

- Viên cư thổ: 22.2.2.0

- Thần từ Phật tự thổ: 0.8.9.0

- Mộ địa: 350.9.2.0

- Rừng rậm, cát trắng: 403.8.0.0.

Làng Vân Thê (xã), thuộc tổng Đường Hoa, huyện Phú Vang.

- Đông giáp xã Thanh Tuyền (tổng Sư Lỗ);

- Tây giáp xã Dã Lê (tổng Dã Lê), xã Vân Dương, xã An Cựu (tổng Vi Dã, huyện Hương Trà);

- Nam giáp xã Thanh Tuyền (tổng Sư Lỗ);

- Bắc giáp xã Dã Lê.

Toàn bộ diện tích: 648.2.12.0 (648 mẫu, 2 sào, 12 thước, 0 tấc); trong đó:

- Công điền: 645.6.0.0

- Quan thổ: 2.6.12.0.

Năm 1834, vua Minh Mạng đặt thêm 3 huyện mới là: Hương Thủy, Phong Điền và Phú Lộc, lúc này phần đất của Thủy Thanh được tách ra từ huyện Phú Vang, nhập vào huyện Hương Thủy.

 Dưới thời Pháp thuộc, làng Vân Thê thuộc tổng An Cựu; làng Thanh Thủy Chánh thuộc tổng Dã Lê và làng Lang Xá thuộc tổng Lương Văn.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, chính quyền cách mạng xóa bỏ cấp tổng, thành lập cấp xã. Xã Thủy Thanh lúc này gọi là Thanh Thủy.

Từ năm 1949 đến cuối năm 1957, do phong trào cách mạng đã lớn mạnh, yêu cầu địa giới các xã cần mở rộng, nên chính quyền cách mạng lập các xã có phạm vi rộng để huy động nhân tài, vật lực cho cuộc kháng chiến; lúc này một phần đất của xã Thủy Thanh (gồm các làng Thanh Thủy Chánh, Lang Xá Bàu, Lang Xá Cồn) cùng với các thôn của phường Thủy Dương (Thanh Thủy Thượng, Dương Phẩm, Thanh Đa, Xuân Sơn, Phương Chánh) sáp nhập lại thành xã Hồng Thủy. Phần còn lại (Vân Thê Làng và Vân Thê Đập) cùng với làng Dạ Lê Chánh (xã Thủy Vân) nhập thành xã Thiên Thủy thuộc huyện Hương Thủy.

Tháng 5 năm 1967, để chuẩn bị địa bàn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, theo sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Khu ủy Trị Thiên - Huế đã sáp nhập 3 huyện Hương Thủy, Hương Trà và Phú Vang vào Huế, đặt dưới sự chỉ đạo của Thành ủy Huế (Đoàn 5), vì vậy Thủy Thanh trở thành địa bàn hành chính trực thuộc thành phố Huế.

Về phía địch, ngày 17/5/1958, chính quyền Sài Gòn ban hành Nghị định số 214-HV/P6/NĐ ấn định phân chia lãnh thổ Việt Nam; theo đó các xã trên địa bàn huyện Hương Thủy gồm Thủy Bằng, vùng Lương Miêu, Dương Hòa được cắt ra cùng với một phần đất của huyện Hương Trà lập nên quận Nam Hòa, các xã còn lại của huyện được lập thành quận Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đặc biệt kể từ khi chia tách huyện Hương Phú thành 2 huyện Hương Thủy và Phú Vang (tháng 10 năm 1990) đến nay, tên gọi và địa giới hành chính của xã không có gì biến động lớn. Ngày nay, xã Thủy Thanh thuộc thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, với các thôn: Vân Thê Làng, Vân Thê Đập, Thanh Thủy Chánh, Lang Xá Bàu và Lang Xá Cồn.

Về mặt chiến lược, Thủy Thanh có vị trí rất quan trọng trong hai cuộc kháng chiến của thị xã Hương Thủy và của tỉnh Thừa Thiên Huế. Là xã vùng ven nằm về phía Đông Bắc của huyện Hương Thủy và thành phố Huế, Thủy Thanh có vị trí đặc biệt quan trọng. Đây là nơi trung chuyển hàng hóa, cung cấp nhân tài vật lực cho cuộc kháng chiến, là địa bàn hành lang chỉ đạo của Huyện ủy Hương Thủy và Thành ủy Huế, vì vậy cả địch và ta tranh chấp vô cùng ác liệt, nhất là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Địch không từ bỏ một âm mưu, thủ đoạn nào quyết chiếm lĩnh cho được Thủy Thanh và các xã lân cận để làm lá chắn bảo vệ cho sự an toàn của Quận lỵ Hương Thủy và trung tâm thành phố Huế. Ta cũng quyết tâm xây dựng Thủy Thanh thành một địa bàn kháng chiến để bảo vệ tuyến hành lang vùng đệm nối liền với các xã ven biển của huyện Phú Vang và vùng giải phóng. Chính vị trí địa bàn có tầm quan trọng như vậy nên luôn có sự đấu tranh khốc liệt, dai dẳng giữa ta và địch...

II. Đặc điểm xã hội

 Dân số xã Thủy Thanh tính đến năm 2023 có 10.160 người với 2.800 hộ gia đình. Nhìn chung mật độ phân bố khá đều nhau, dân cư chủ yếu sống tập trung trên các tuyến tỉnh lộ và dọc các trục hương lộ đi qua xã.

Thủy Thanh là một vùng nông nghiệp, đời sống nhân dân chủ yếu bằng nghề nông, trên 80% chuyên làm ruộng, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ngoài ra, còn có một bộ phận cư dân tham gia các hoạt động dịch vụ, buôn bán, lao động theo các ngành nghề thủ công truyền thống, như: Thợ nề, thợ mộc, thợ may, chằm nón...

Căn cứ vào một số thư tịch, tài liệu cổ thì những lớp người Việt đầu tiên đến định cư sinh sống ở vùng đất Thủy Thanh sớm nhất là vào cuối thời Trần đầu thời Hậu Lê, tuy thời kỳ này là những nhóm người ít ỏi chưa ổn định vì Thuận Hóa lúc ấy là miền biên cương phía Nam của Quốc gia Đại Việt, nơi thường diễn ra nhiều cuộc tranh chấp với quân Chiêm Thành. Mặc dù vậy, ở thời kỳ này các làng, xã ở Thủy Thanh đã được định hình.

Năm 1558, khi Nguyễn Hoàng vào trấn giữ vùng đất Thuận Quảng, trong ý đồ xây dựng Đàng Trong để cát cứ, đối đầu với họ Trịnh ở Đàng Ngoài, vì vậy khi được lệnh vào Nam, những người đồng hương nghĩa dũng ở Tống Sơn (Thanh Hóa) đã đi theo ông rất đông, đây chính là lực lượng hùng hậu bổ sung cho việc khai hoang lập làng, xây dựng và mở mang vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân sau này.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, do những cuộc đánh phá ác liệt, dồn dân lập ấp chiến lược 16 vào các khu trù mật nên dân số của xã luôn bị biến động. Sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng (26/3/1975), ngoài dân số tại chỗ và số cán bộ chiến sĩ thoát ly tham gia kháng chiến, thương binh, hưu trí trở về quê hương làm ăn sinh sống đã đưa dân số của xã lên khoảng trên 2.000 người.

Trải qua các thời kỳ lịch sử, nhân dân Thủy Thanh luôn phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, cần cù lao động, hiếu học. Đặc biệt, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhiều thế hệ con em của xã nhà đã không tiếc máu xương, hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình để tham gia kháng chiến chống giặc, cứu nước (toàn xã có 656 liệt sỹ), tên tuổi của nhiều anh hùng liệt sỹ mãi mãi được vinh danh; như: Lê Đình Phổ, Đỗ Nam, Nguyễn Quang Yên, Phạm Thị Liên, Phạm Thanh, Nguyễn Bưởi, Đặng Tràm, Nguyễn Xuân Ngà, Phan Sung… Những tấm gương cao cả đó mãi mãi là biểu tượng và niềm tự hào cho các thế hệ người dân Thủy Thanh hôm nay và mai sau.

Không chỉ gan dạ, dũng cảm, kiên cường, bất khuất trong đấu tranh cách mạng, con người trên mảnh đất Thủy Thanh còn mang đậm dấu ấn của những người có tầm vóc và trí tuệ văn hóa lớn; đây là nơi sản sinh ra cho quê hương, đất nước nhiều nhà chính trị, quân sự, khoa học, nghệ sĩ, nhạc sĩ tài hoa của thời đại Hồ Chí Minh; như Trần Quốc Dương, Lê Nam Thắng, Phan Suy, Hoàng Lanh, Đặng Tràm, Nguyễn Xuân Ngà, Lê Quý Cầu, Nguyễn Viết Hùng, Hoàng Phán, Nguyễn Thanh Toàn, Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương tác giả của những ca khúc bất hủ: Đêm đông, Trên sông Hương, Bình Trị Thiên khói lửa…

Ở Thủy Thanh trước đây đã có nhiều lễ hội tổ chức vui chơi ca hát, hoạt động đua thuyền, kéo co... vào các ngày lễ tế của làng, phong trào văn hóa văn nghệ, các trò chơi mang đậm chất dân gian có thời kỳ phát triển mạnh.

Trên bình diện văn hóa dân gian, Thủy Thanh có chung một số làn điệu dân ca với các địa phương trong thị xã Hương Thủy. Các làn điệu dân ca ấy bao gồm hò, hát, lý. Hò có hò trên cạn, hò trên sông nước; ví như các làn điệu hò mái nhì, mái đẩy, hò giã gạo, hò ô, hò nện, hò ống... hát có hát ru, hát chầu văn, đồng giao; lý có lý tử vi, lý hoài nam, lý mười thương...

 Âm nhạc và thơ ca dân gian ở Thủy Thanh thường đi liền với nhau. Trong nhiều thể loại, phần âm nhạc và lời ca gắn bó rất mật thiết. Chúng quy định và chi phối lẫn nhau. Ở Thủy Thanh nói riêng và Hương Thủy nói chung, trước đây và hiện nay, có những đội (ban) nhạc dân gian. Các nghệ sĩ của những đội nhạc này phục vụ cho những kỳ lễ hội, rước sách của làng xóm hoặc tang lễ ở các gia đình. Nhạc cụ thường sử dụng là kèn, sáo, nhị, nguyệt, chuông, trống...

Ở các buổi sinh hoạt văn nghệ làng xóm, phổ biến nhất là các cuộc hò đối đáp (mà ta quen gọi là hát giao duyên), người ta sử dụng các làn điệu khác nhau tùy từng hoàn cảnh, từng địa bàn và tài năng của các nghệ sĩ dân gian. Nội dung chủ yếu của hò đối đáp là trao đổi, gửi gắm tâm tình trai gái đang trong thời điểm làm quen, tìm hiểu để yêu nhau, se duyên hạnh phúc, nên vợ, nên chồng...

Hò nện vốn là một điệu hò lao động, ra đời từ hoạt động đắp nền nhà thuở xưa. Sau này nhiều đội “âm công” ở các thôn đã vận dụng nó vào tang lễ chôn người chết. Khi quan tài được hạ huyệt, người “cai giang” hoặc một nghệ nhân giỏi về hò nện được mời làm hò cái (xướng). Làn điệu hò nện tiễn biệt người chết là sự kết hợp của hai làn điệu hò khoan và hò hụi khi diễn xướng. Nội dung các lời hò hướng vào việc bày tỏ lòng thương mến, nuối tiếc của những người đang sống với người đã khuất; đồng thời cũng là lời chia sẻ nỗi buồn thương xót của xóm làng đối với tang gia.

Tuy là một điệu hò dùng trong tang lễ nhưng hò nện lại không mang đến một cảm giác tái tê, sầu não, bởi nhịp điệu mạnh mẽ, khỏe khoắn hòa cùng với tiếng sên, tiếng nện nhịp nhàng của nó. Mặc dù phải chịu ảnh hưởng không nhỏ của những biến cố và văn hóa thực dân, phong kiến đô hộ, nhưng nhân dân Thủy Thanh vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, trong lao động rất cần cù siêng năng sáng tạo, sống chân thật, thanh lịch và hiếu học, trọng nhân nghĩa, đạo lý, có thủy có chung, lòng nhân ái khoan dung, đó là phong cách sống ứng xử từ ngàn xưa cho đến tận ngày nay của nhân dân Thủy Thanh.

Thủy Thanh cũng là vùng đất hiếu học, từ thời Hán học cực thịnh với nền học vấn khoa bảng đã có nhiều người đỗ đạt cao dưới thời phong kiến như: Ngô Vĩnh Tuy (đỗ Cử nhân năm Bính Ngọ - 1846); Ngô Quý Đồng (đỗ Cử nhân năm Đinh Mão - 1867); Lê Trọng Giám (đỗ Cử nhân năm Canh Ngọ - 1870); Nguyễn Xuân Tuyên (đỗ Cử nhân năm Bính Tý - 1876); Trần Văn Nẫm (đỗ Cử nhân năm Canh Tý - 1900)… Nối tiếp truyền thống cha ông trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cũng như trong thời kỳ xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN đã có hàng chục kỹ sư, bác sĩ, hàng trăm cán bộ trung, cao cấp đã và đang góp phần trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Thủy Thanh là một vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa. Trải qua nhiều thời kỳ, con người trên mảnh đất này không chỉ tạo nên truyền thống đoàn kết, cần cù, chịu khó, truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường mà còn sản sinh ra những di tích lịch sử văn hóa quý giá trong quá trình hội nhập, giao lưu với cư dân bản địa; cũng như quá trình khai hoang lập ấp, xây dựng làng xã của người Việt sau này. Đây là địa phương có nhiều di tích lịch sử văn hóa được công nhận cấp Quốc gia và cấp Tỉnh, như: Đình làng Vân Thê, Cầu Ngói Thanh Toàn, Phủ thờ Tôn Thất Thuyết và đình Thanh Thủy Chánh, Đền Văn Thánh.

Văn Hiệp
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Lịch công tác UBND xã
Thứ hai ngày 06/05/2024
Chủ tịch UBND: Dương Anh Tuấn
14:00: Xử lý hiện trường công trình xây dựng
Phó Chủ tịch UBND: Nguyễn Đắc Mùi
14:00: Xử lý hiện trường công trình xây dựng
Thứ ba ngày 07/05/2024
Chủ tịch UBND: Dương Anh Tuấn
08:00: Dự họp giao ban công tác quản lý nhà nước về đất đai
14:00: Dự bàn giao mặt bằng triển khai thi công công trình đường từ HTX Vân Thê đến vườn Lạc Dương nối dài đến khu dân cư xã Thủy Thanh
Phó Chủ tịch UBND: Nguyễn Đắc Mùi
08:30: Họp giải quyết đơn kiến nghị của ông Ngô Tá Nguyên (thôn Lang Xá Cồn)
14:30: Dự phiên làm việc tại nhà ông Ngô Tá Nguyên- thôn Lang Xá Cồn
Phó Chủ tịch UBND: Đặng Văn Hiệp
14:00: Nghiệm thu cơ sở dự án KHCN cấp tỉnh "Chợ quê cầu Ngói Thanh Toàn"
Thứ tư ngày 08/05/2024
Chủ tịch UBND: Dương Anh Tuấn
08:30: Kiểm tra, đánh giá khối lượng bèo trên sông Như Ý năm 2024
Phó Chủ tịch UBND: Nguyễn Đắc Mùi
08:30: Họp giải quyết một số nội dụng liên quan đến công tác quản lý và sử dụng đất nông nghiệp đấu giá thuê đất quỹ đất công ích xã
09:00: Họp giải quyết, xác nhận khối lượng bóc, đổ tầng đất mặt Dự án Trạm biến áp 110kV Huế và đấu nối
Phó Chủ tịch UBND: Đặng Văn Hiệp
08:00: làm việc với Đoàn kiểm tra của Sở GD&ĐT về kết ủa PCGD-XMC trên địa bàn thị xã
14:30: Dự nghe thông báo kết luận
Thứ năm ngày 09/05/2024
Phó Chủ tịch UBND: Nguyễn Đắc Mùi
08:30: Dự tập huấn kỹ thuật nuôi cua đồng thương phẩm trong ao, hồ tại xã
Phó Chủ tịch UBND: Đặng Văn Hiệp
08:00: Dự tập huấn nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ về vai trò, vị trí của công tác chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng thuộc ngành LĐ-TB&XH quản lý
14:00: Họp triển khai Kế hoạch tổ chức "Ngày hội việc làm - Tuyển sinh học nghề gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững" năm 2024
Thứ sáu ngày 10/05/2024
Chủ tịch UBND: Dương Anh Tuấn
08:00 -17:30Tiếp công dân định kỳ UBND xã
09:00: Nghiệm thu công trình Trồng cây xanh đường Tỉnh lộ 1 đoạn từ Cầu Chùa đến nga ba Bàu Súng
10:00: Nghiệm thu công trình Sửa chữa, nâng cấp các hạng mục tại Nhà VHCĐ thôn Vân Thê Đập
14:30: Đến thăm và làm việc tại Trạm y tế
Phó Chủ tịch UBND: Nguyễn Đắc Mùi
09:00: Nghiệm thu giai đoạn công trình Trồng cây xanh đường Tỉnh lộ 1 đoạn từ Cầu Chùa đến nga ba Bàu Súng
10:00: Nghiệm thu công trình Sửa chữa, nâng cấp các hạng mục tại Nhà VHCĐ thôn Vân Thê Đập
15:00: Họp triển khai Tiểu dự án Cải thiện dinh dưỡng - Giảm nghèo bền vững năm 2024
Phó Chủ tịch UBND: Đặng Văn Hiệp
08:00: Dự tập huấn công tác Thi đua - Khen thưởng năm 2024
14:00: Dự Hội nghị Sơ kết công tác Cải cách hành chính quý I năm 2024
Thứ bảy ngày 11/05/2024
Chủ tịch UBND: Dương Anh Tuấn
07:00: Ra quân thực hiện phong trào Ngày Chủ nhật xanh
Phó Chủ tịch UBND: Nguyễn Đắc Mùi
07:00: Ra quân thực hiện phong trào Ngày Chủ nhật xanh
Phó Chủ tịch UBND: Đặng Văn Hiệp
07:00: Ra quân thực hiện phong trào Ngày Chủ nhật xanh
Chủ nhật ngày 12/05/2024
Truyền hình TRT
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 1.405.201
Đang truy cập 26