Tìm kiếm tin tức
DANH MỤC
.
 
           
            
           
         
         
    
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia Đình làng Vân Thê, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 02/04/2024

Di tích lịch sử Đình làng Vân Thê đã được công nhận là di tích cấp Quốc gia theo quyết định số 985/QĐ-VH ngày 7/5/1997. Sau ngày được công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia, nhà nước đã đầu tư trùng tu sửa chữa phục hồi một số hạng mục, để di tích ngày càng hoàn thiện.

 

BẢN LƯỢC KÊ LÝ LỊCH DI TÍCH

I. TÊN GỌI: Di tích lịch sử Đình Vân Thê.

II. ĐỊA ĐIỂM PHÂN BỐ, ĐƯỜNG ĐI ĐẾN DI TÍCH :

Đình Vân Thê thuộc xã Thuỷ Thanh, huyện Hương Thuỷ, tỉnh T.T.Huế.

Di tích ở vào toạ độ khoảng:   - Kinh độ: 107040'

                                                - Vĩ độ:     16030'40"

Từ trung tâm thành phố Huế có hai đường chính đến di tích :

1/ Theo đường Lê Quý Đôn nối dài trên con đường liên xã (Thuỷ Vân, Thuỷ Thanh) dọc theo sông Đào Như Ý qua di tích phủ thờ ông Tướng khoảng 1.000m là tới đình Vân Thê (đường này dài khoảng 12km).

2/ Từ phía Bắc chân cầu An Cựu rẽ trái theo đường liên xã Thuỷ An, Thuỷ Thanh qua di tích cầu ngói Thanh Toàn khoảng 2km là đến di tích, đường này dài khoảng 9km.

III. LỊCH SỬ, NHÂN VẬT, SỰ KIỆN LIÊN QUAN ĐẾN DI TÍCH :

1. Vài nét về sự hình thành làng Vân Thê:

Qua nghiên cứu một số tài liệu cổ sử như: Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An, Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn, Việt Sử Xứ Đàng Trong... và gia phả của một số dòng họ đầu tiên đến làng Vân Thê đã cho chúng ta những dữ liệu đáng tin cậy có cơ sở khẳng định một cách chính xác về thời điểm hình thành làng Vân Thê.

- Năm 1471 sau khi vua Lê Thánh Tông hoàn thành việc dẹp loạn quân ở vùng Thuận Hoá, cũng như Châu Bố chính và vùng Nam Trung Bộ, trong số hàng chục làng được thành lập ở thời điểm này, có làng Hoằng Phước, huyện Kim Thoa (1) (nay là làng Thanh Phước, xã Hương Phong, huyện Hương Trà) và như thế rất có thể làng Vân Thê cũng được thành lập ở thời điểm này.

--------------------------------------------------------------------------------------

(1) Theo tác giả Trần Đại Vinh trong cuốn Tín ngưỡng dân gian Huế, NXB Thuận Hoá, năm 1995, trang 26.

- Năm 1491 (Hồng Đức thứ 21) Vua sai các quan định lại bản đồ Thiên Hạ... và làng Vân Thê trong số 52 xã thuộc Tổng Đường Pha, huyện Tư Vang, phủ Triệu Phong (2). Nay thuộc xã Thuỷ Thanh, huyện Hương Thuỷ, tỉnh T.T.Huế.

- Gia phả họ Nguyễn có tu chỉnh lại dưới thời Thành Thái năm 1906 trong phần mở đầu có ghi: "Lại xem đinh tịnh hương trù năm trăm năm lẽ hạnh cù họ ta, chúc mừng địa lợi nhân hoà, ngàn năm hưởng đặng vinh ba thọ tường", gia phả họ Chế cũng ghi rõ: "Ngài Thỉ tổ của họ là Chế Bà Na Đại Long, thuộc con cháu của vị vua Chiêm cuối cùng dưới triều Lê Thánh Tông Đại Hoà tứ niên" khoảng giữa thế kỷ 15.

Căn cứ vào ba dữ kiện trên chúng tôi đi đến kết luận, làng Vân Thê là một trong số ít làng được thành lập sớm ở xứ Thuân Hoá lúc bấy giờ cách ngày nay 505 năm (1491 - 1996).

Làng Vân Thê nằm ở vị trí đất khá trũng được bao bọc các làng xung quanh, phía Đông là sông Như Ý, phía Tây giáp làng An Cựu, Vân Dương, phía Bắc giáp làng Dạ Lê, phía Nam giáp làng Thanh Thuỷ, Sư Lỗ, theo cách phân chia hành chính dưới thời phong kiến thì làng Vân Thê được chia làm ba phường và Vân Dương xứ (xóm đập), hiện nay Vân Thê được chia làm 4 cụm sản xuất, với số dân 4.200 người (465 hộ) gồm 455 ha diện tích đất tự nhiên trong đó đất canh tác là 356 ha với nghề chính là nông nghiệp và chăn nuôi.

Để có làng Vân Thê tồn tại và phát triển đến ngày hôm nay, đó là kết quả của một quá trình đấu tranh bền bỉ chống giặc ngoại xâm, chống thiên nhiên và tinh thần lao động sáng tạo của bao thế hệ con dân các dòng họ cần cù trong làng tạo dựng nên. Đó là kết quả của tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái giữa các dòng họ ngay từ những ngày đầu tiên đặt chân lên vùng đất này, đó là sự hoà hợp giữa hai cộng đồng người Việt và người Chăm cùng chung lưng đấu cật, xây dựng và bảo vệ cuộc sống. Truyền thống đó ngày càng được vun đắp và phát huy, là động lực quyết định cho sự tồn tại và phát triển của làng Vân Thê qua hàng trăm năm lịch sử.

Căn cứ vào gia phả của các dòng họ, căn cứ vị trí thờ tự tại Đình làng và ý kiến hội đồng Tộc trưởng của làng, thì việc khai hoang mở đất lập nên làng Vân Thê là do công sức của 8 dòng họ đầu tiên đến làng gồm:

- Họ nhất: Thỉ tổ đệ nhất khai canh Chế đại lang - Bổn thổ Thần hoàng Chế Văn Kiệt.

(2) Theo Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An, NXB Văn Hoá Á Châu, Sài Gòn 1961.

- Họ nhì: Thỉ tổ đệ nhị khai canh Nguyễn Đại Lang.

- Họ ba: Thỉ tổ đệ tam khai canh Phan Đại Lang.

- Họ tư: Thỉ tổ đệ tứ khai canh Đỗ Đại Lang.

- Họ năm: Thỉ tổ đệ ngũ khai canh Trần Đại Lang.

- Họ sáu: Thỉ tổ đệ lục khai canh Hoàng Đại Lang.

- Họ bảy: Thỉ tổ đệ thất khai canh Văn Đại Lang.

- Họ tám: Thỉ tổ đệ bát khai canh Lê Đại Lang.

Trong số 8 dòng họ có công đầu lập nên làng Vân Thê thi vị Chế Văn Kiệt, được các dòng họ khác tôn vinh và được thờ ở vị trí trang trọng nhất của đình làng, truyền thống đó vẫn được bảo lưu đến ngày nay,dòng họ chế là dòng họ có công đầu tiên lập nên làng Vân thê, trưởng họ luuôn luôn gữi vai trò đứng đầu hội đồng dồng tộc và kiêm trưởng làng. Điều này đã được khẳng định qua nhiều sắc phong. " bổn tộc khai căn thì tổ hộ quốc tý dân mãn trí linh ưng nguyên tạng Dực bảo trung hưng vinh phù chi thần " (Duy Tân thứ tám). " Đệ nhất Chế tộc thỉ tổ khai căn nguyên tặng dực bảo trung hưng linh phú gia tặng Đoan túc tôn " (Khải Định)... Sau khi làng Vân Thê định hình còn một số dòng họ khác tiếp tục đến định cư ở làng Vân Thê như họ Tôn Thất Thuyết (1672) mà tiên tổ của họ là Quốc Oai Công Nguyễn Phúc Hiệp con trai thứ 4 của chúa Nguyễn Phúc Tần, là người có công khai quốc nên được phong tặng Minh nghĩa Công thần, phụ quốc tướng công và được Nguyên Triều xếp vào hàng khai quốc công thần thượng Đảng và đặc biệt những năm cuối thế kỷ 19 đất nước ta đứng trước nguy cơ xâm lược của thực dân Pháp, trước một triều đình nhu nhược, hoảng loạn và đầu hàng hèn hạ, thì Tôn Thất Thuyết một quan cháp chính Đại thần đã dũng cảm kiên quyết chống Pháp đến cùng. (Hiện nay phủ thờ của ông tại làng Vân Thê đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hoá)... Ngoài ra còn có họ Nguyễn Cửu (1720), họ Trương Văn (1775), họ Nguyễn Hữu...

Chính từ truyền thống đoàn kết, yêu nước, tinh thần lao động cần cù trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập và xây dựng cuộc sống, vùng đất Vân Thê ở thời ky lịch sử nào cũng sản sinh ra những con người nhiệt tình, dũng cảm, làm thơm danh quê hương đất nước, góp phần xứng đáng trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.

2. Vài nét về sự hình thành đình Vân Thê và những sự kiện lịch sử diễn ra tại đình làng:

a. Về sự hình thành đình Vân Thê:

Cũng như bao ngôi đình làng khác ở Việt Nam, sau khi làng xóm được định hình thì đình làng cũng được xây dựng, bởi đình làng được coi là ngôi nhà chung, là nơi thiêng liêng nhất của mọi người dân trong làng.

Cho đến nay chúng tôi vẫn chưa tìm được những tư liệu nào nói một cách chính xác về thời gian khởi dựng và quy mô của đình Vân Thê, gia phả của các dòng họ cũng không ghi, chỉ biết rằng: đình Vân Thê được dựng trên một khu đất khá rộng thoáng mát với hàng trụ biểu cao lớn, một ngôi nhà rường một gian hai chái, mà ở đó những đường nét trang trí, chạm trỗ các hoạ tiết, hoa văn rất nghệ thuật, tinh vi. Những dấu ấn đó đến nay vẫn còn tồn tại khá đậm nét trên một số chi tiết của đình làng. Nhưng vì một lý do mà đình Vân Thê sau đó một thời gian phải dời chuyển đến một vị trí khác (vị trí hiện nay).

Chuyện kể rằng: Mùa Hạ 1806 khi vua Gia Long trong một lần đi kinh lý phía Nam Kinh thành Phú Xuân khi qua vùng đất Vân Thê thấy những người nông dân đang mãi miết tát nước từ con lạch khô cho những thửa ruộng mới cấy, nhà vua dừng lại và hỏi những người nông dân có muốn đào con sông ở đây không? Như bắt được vàng bà con đều đồng thanh hô có, sau đó nhà vua giao cho quan phụ trách Thuỷ lợi khảo sát triển khai đào con sông này nhưng phải đảm bảo hai mục đích: một lấy nước phục vụ nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân trong vùng, hai là tăng cường củng cố tuyến phòng thủ phía Nam kinh thành Huế. Một vấn đề lớn đặt ra nếu con sông được đào thì sẽ đi qua trước mặt đình làng Vân Thê và như vậy đình làng phải dời chuyển đến một vị trí khác phù hợp hơn. Đứng trước vấn đề quan trọng đó hội đồng tộc trưởng cùng các cụ cao niên trong làng đã họp bàn và cuối cùng đi đến thống nhất vì lợi ích của con dân các dòng họ trong làng, trong vùng, vì lợi ích của quốc gia, các cụ nhất trí chuyển đình làng đến một vị trí mới và con sông Như Ý, con sông của lòng dân có tên từ đó. Sông Như Ý như dãi lụa ôm trọn làng Vân Thê nối liền sông Vân Dương, sông Lợi Nông, lên Huế, từ đó trở đi dân làng Vân Thê và các làng xung quanh không còn lo thiếu nước mỗi mùa hè đến, phục vụ sản xuất, sinh hoạt, sông Như Ý còn mở ra khả năng giao lưu thông thương giữa Huế và các vùng xung quanh với Huế. Giờ đây mỗi khi hỏi về lịch sử sông Như Ý mọi người dân trong làng đều giành cho con sông những tình cảm trân trọng, biết ơn.

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, thì phải sau một thời gian khá dài khi sông Như Ý hoàn thành, đình Vân Thê mới tìm được địa điểm mới phù hợp, vì theo các cụ việc chuyển dời đình làng là một việc làm hết sức trọng đại và thiêng liêng, do đó việc chọn địa điểm mới cho đình làng phải tiến hành hết sức thận trọng, chu đáo, chú ý đến từng chi tiết nhỏ. Cuối cùng hội đồng Tộc trưởng của làng quyết định chọn mảnh đất 7 sào nằm ở trung tâm làng, mặt hướng về dãy núi Trường Sơn, lưng tựa vào dòng sông Như Ý. Có một câu chuyện mà đến tận bây giờ mọi người dân trong làng đều biết, đó là việc đào giếng làng, nói là giếng nhưng rất lớn (22,5m x 22,5m) khi đào đến độ sâu khoảng 5m thì tự nhiên có mạch nước lớn chảy không ngừng làm cho việc đào giếng không thể tiếp tục được nữa. Các cụ gọi đó là long mạch và cũng từ đó giếng làng là nguồn nước vô tận phục vụ sinh hoạt cho không chỉ nhân dân của làng Vân Thê mà cho cả nhân dân làng Thanh Thuỷ, Sư Lỗ xung quanh, nhất là vào mùa hè khi các nguồn nước khác cạn kiệt thì giếng làng vẫn đầy ắp nước.

Đình làng được di chuyển nguyên vẹn về địa điểm mới, song do thời gian, khí hậu đã làm cho một số chi tiết của hệ thống kiến trúc gỗ của đình làng bị hư hỏng, do vậy đã được bổ sung điều chỉnh. Vì vậy, cho đến nay khi quan sát đình Vân Thê trong các hoạ tiết hoa văn mang dấu ấn của phong cách kiến trúc cuối Lê đầu Nguyễn. Điều đó được thể hiện trong bố cục, trang trí tại đình làng, thể hiện bàn tay tài hoa, khối óc sáng tạo của các nghệ nhân trong quá trình xây dựng đình, vừa bảo lưu những giá trị truyền thống, vừa mạnh dạn bổ sung những yếu tố mới trong nghệ thuật trang trí mà không hề làm mất đi nét cổ kính, trái lại nó hoà quyện vào nhau tạo ra vẻ đẹp hài hoà, hấp dẫn. Cho đến ngày hôm nay, kể từ khi đình làng Vân Thê chuyển về vị trí mới đã trên 140 năm. Sự khắc nghiệt của khí hậu, sự lão hoá của công trình và sự tàn phá của hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ đã làm cho đình Vân Thê hư hỏng ít nhiều, song những cố gắng bằng sức người, sức của con dân các dòng họ trong làng đã góp phần làm cho đình làng Vân Thê luôn giữ nét cổ kính vốn có của nó, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của các thế hệ con dân làng Vân Thê trước tổ tiên đã có công khai sáng ra làng... Tính đến nay đình làng Vân Thê đã qua ba làn tu sửa: năm 1947, 1971, 1991. Mặc dù vậy, giờ đây nếu có dịp về thăm đình Vân Thê chúng ta vẫn có thể chiêm ngưỡng một tổng thể kiến trúc đình làng từ giếng làng, từ hàng trụ biểu, đến mái ngói cong vút, với rồng bay phượng múa. Đặc biệt tại đình làng Vân Thê còn lưu giữ những báu vật quý giá như: án thờ chạm lọng, chuông đồng đúc từ thời vua Thiệu Trị, độc bình cổ, cột đá khắc chữ Chăm mà cho đến nay chưa có nhà nghiên cứu nào dịch được nội dung trên cột đá này. Có thể nói những gì còn lại ở đình làng Vân Thê khẳng định lòng tự hào dân tộc, truyền thống đoàn kết giữa các dòng họ trong làng, trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, xây dựng cuộc sống, bảo vệ những thuần phong mỹ tục của dân tộc đó là sự ngưỡng mộ, lòng biết ơn sâu sắc đối với các bậc tiền bối, đã để lại cho muôn đời con cháu mai sau những giá trị truyền thống văn hoá mà không gì có thể đổi được.

b. Một số hoạt động văn hoá diễn ra tại đình Vân Thê:

Đình Vân Thê cũng có chức năng của đình làng Việt Nam, đó là chức năng Tôn giáo, chức năng hành chính, chức năng văn hoá. Chức năng Tôn giáo ở đình làng thể hiện một cách rõ nét, đó là nơi thờ vị Thành Hoàng và các vị khai canh sáng lập ra làng. Chức năng hành chính là nơi làm việc, hội họp của hội đồng Hương Lý, Kỹ Lão... Các vị Chánh tổng, Lý trưởng làm việc khi có phu phen, tô thức, bắt lính, xét xử... và cũng là nơi khao vọng... chức năng văn hoá của đình làng là nơi tổ chức các hoạt động văn hoá quan trọng nhất của làng đó là những lễ hội trong năm, nơi tổ chức là tụ điểm các hoạt động vui chơi giải trí cho dân làng... và phần lớn các hoạt động lễ hội văn hoá của đình thường diễn ra vào mùa Xuân và mùa Thu (Xuân Thu nhị kỳ) lễ hội ở đình làng là sự giải toả tinh thần, là niềm khát vọng, nổi hoan hỉ của mỗi người dân đến với lễ hội, giúp họ quên đi bao nổi nhọc nhằn, phiền muộn, những lo toan đời thường, đến với lễ hội ở đình làng còn là sự ngưỡng mộ, lòng biết ơn thành kính với tổ tiên ông cha. Vì vậy những hoạt động diễn ra tại đình làng là những giá trị văn hoá cao nhất có sức hấp dẫn đó chính là điều cốt lõi, để bảo lưu những giá trị văn hoá truyền thống Việt Nam, bản sắc dân tộc Việt Nam trước sự xâm nhập của các dòng văn hoá ngoại lai.

Lễ và hội ở đình làng là hai phần tách biệt nhau, nhưng có mối quan hệ chặt chẽ hoà quyện vào nhau. Lễ là tín ngưỡng cũng là văn hoá, hội là của toàn dân trong một làng hay cả một vùng, đến hội dân làng cảm thấy thoải mái như ở nhà mình, được tận mắt thấy, nghe thấy các hoạt động ở lễ hội... và mọi người đều có thể trở thành những vận động viên tài năng tham gia các hoạt động vui chơi giải trí.

Tại đình Vân Thê hàng năm có hai ngày lễ hội truyền thống là xuân kỳ thu tế

Xuân kỳ tổ chức vào thượng tuần tháng Giêng âm lịch, đây là lễ hội truyền thống cầu nông, cầu an, cầu phúc cho dân làng bước vào năm mới làm ăn phát đạt cầu mong một vụ mùa bội thu, mưa gió thuận hoà.

Lễ hội thu tế được tổ chức vào thượng tuần tháng 7, đây là lễ hội có quy mô lớn nhất trong năm của làng. Vào dịp này con cháu của các dòng họ trong làng dù làm ăn xa cũng nhớ ngày về quê cha đất tổ để thắp nén nhang tưởng nhớ đến tổ tiên. Lễ hội được tổ chức theo nghi lễ cổ truyền, được tổ chức hết sức trang trọng, có ban tổ chức phân công trách nhiệm cụ thể cho từng việc. Lễ hội thu tế được tổ chức vào hai ngày 16 và 17 tháng 7 âm lịch.

Cung nghinh là lễ mở đầu cho lễ thu tế tại đình làng Vân Thê, nghi lễ này được tổ chức rất trang nghêm. Các cụ đại diện cho các dòng họ ăn mặc chỉnh (áo dài, khăn đóng), trống kèn, cờ hoa... Sau khi làm lễ tại đình, đoàn người tiến về miếu Thần Hoàng làm lễ cáo ngài và cung nghinh ngài Thành Hoàng về túc yết tại đình làng ở vị trí trang trọng nhất (gian giữa), tiếp theo là các lễ an vị, chánh tế, lễ chánh tế diễn ra rất trọng thể và đây là phần lễ quan trọng nhất, sau lễ chánh tế là lễ hành hương của con cháu trong làng và những người làm ăn nơi xa về thăm quê hương xứ sở, kết thúc là lễ hoàng sắc cung nghinh ngài Thần hoàng trở lại, quy y tại miếu.

Kết thúc phần lễ là phần hội, ở đây những hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh thiếu niên, ở đây mọi người đều có thể tham gia các hoạt động vui chơi như đua thuyền, đá bóng, kéo co, đánh cù...

c. Một số sự kiện lịch sử diễn ra tại đình Vân Thê:

Với những chức năng cơ bản nhất của mình. Đình làng Việt Nam dưới thời phong kiến đã thật sự trở thành trung tâm sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của một cộng đồng, chính cây đa bến nước, sân đình là nơi hun đúc truyền thống yêu nước, củng cố mối đoàn kết, tình làng nghĩa xóm giữa các dòng họ, là nơi gần gũi một cách tốt nhất, đầy đủ nhất những giá trị văn hoá tinh thần, văn hoá vật chất của dân tộc. Và trong mỗi bước đi thăng trầm của lịch sử, đình làng Việt Nam có những đóng góp xứng đáng trong công cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập, gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc.

Cũng như bao đình làng khác, đình làng Vân Thê trong quá trình tồn tại và phát triển, đã trở thành biểu tượng, chốn thiêng liêng của bà con các dòng họ trong làng. Ở thời kỳ lịch sử nào, Vân Thê cũng xứng đáng là "ngôi nhà chung" của làng. Đặc biệt qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đình làng Vân Thê đã trở thành cái nôi cách mạng của huyện Hương Thuỷ, một địa danh lịch sử của tỉnh T.T.Huế.

Nằm ở vị trí trung tâm của làng, xa khu dân cư, xung quanh đình Vân Thê là một rừng cây cổ thụ. Với những lợi thế đó ngay từ những ngày đầu tháng 8/1945, đình Vân Thê là địa điểm lý tưởng được chọn làm nơi gặp gỡ, nơi tổ chức các cuộc diễn thuyết, tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho những thanh niên yêu nước trong vùng. Cũng chính tại đình Vân Thê trong những ngày sôi nổi chuẩn bị cho khởi nghĩa tháng 8/1945 là nơi ra mắt Mặt trận Việt Minh huyện Hương Thuỷ và các tổ chức đoàn thể khác như thanh niên cứu quốc, phụ nữ cứu quốc, Hội truyền bá chữ quốc ngữ... là nơi tổ chức tập luyện diễn tập chuẩn bị của các đội viên Thanh niên cứu quốc.

Ngày 22 tháng 8/1945 một sự kiện quan trọng diễn ra tại đình Vân Thê, hàng ngàn người với cờ đỏ búa liềm, khẩu hiệu rợp trời, trong khí thế hừng hực tổ chức mít tinh, lắng nghe lời kêu gọi của Chủ tịch uỷ ban khởi nghĩa huyện Hương Thuỷ Lê Trọng Bật, ngay sau đó cuộc mít tinh đã trở thành cuộc tuần hành, biểu dương lực lượng, hô vang các khẩu hiệu, với gậy gộc, giáo mác đoàn người đã kéo về gianh chính quyền tại huyện đường Hương Thuỷ, trong khí thế đó đoàn biểu tình đã hoà chung với dòng người từ các huyện Phú Lộc, Phú Vang đổ về Huế, cùng lực lượng quần chúng nhân dân cả tỉnh, buộc chính quyền Nhà nước Phong kiến cuối cùng ở Việt Nam phải đầu hàng trao chính quyền cho Mặt trận Việt Minh vào ngày 23 tháng 8/1945.

Đầu năm 1946 giữa những bộn bề công việc của một chính quyền non trẻ, đình Vân Thê được chọn làm một điểm bầu cử Hội đồng nhân dân và bầu cử quốc hội khoá I của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Cũng trong năm 1946 nhằm đáp ứng tình hình và nhiệm vụ của cách mạng, củng cố lực lượng cán bộ đủ sức lãnh đạo phong trào, Hội nghị thành lập Chi bộ xã Thuỷ Thanh được tổ chức tại đình Vân Thê và đồng chí Hoàng Lường được cử làm Bí thư. Việc ra đời tổ chức Đảng ở xã Thuỷ Thanh đã tạo điều kiện cho phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ, sự chỉ đạo chặt chẽ của Huyện uỷ đã giúp cho phong trào ở Thuỷ Thanh được củng cố.

Việc quay lại của thực dân Pháp cùng với sự hoạt động ráo riết của các tổ chức phản động trong nước càng làm cho tình hình kinh tế chính trị xã hội ở nước ta vồn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn. Song với quyết tâm của toàn dân tộc Việt Nam, đoàn kết xung quanh Đảng cộng sản Đông Dương và Chủ tịch Hồ Chí Minh, "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". Và một lần nữa dân tộc ta bước vào cuộc chiến đấu mới hết sức gay go và quyết liệt. Những năm 1946 - 1947, đình làng Vân Thê trở thành trụ sở chỉ huy các hoạt động kháng chiến của huyện Hương Thuỷ, nhiều đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ, Huyện uỷ thường xuyên lui tới hoạt động, chỉ đạo phong trào các huyện vùng ven thành phố Huế. Tại đình Vân Thê là nơi thành lập đội cảm tử quân, quyết tử quân của huyện Hương Thuỷ tham gia các trận đánh lớn ở thành phố Huế, như miếu Đại Càn, khách sạn Morin. Biết rõ đình Vân Thê là một căn cứ địa cách mạng của huyện Hương Thuỷ, nhiều lần thực dân Pháp sử dụng lính Pháp và nguỵ quân ở các đồn quanh vùng tổ chức nhiều trận càn hòng chiếm đình, nhưng chúng đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của dân quân du kích. Trong cuộc chiến đấu đó nhiều đồng chí của chúng ta đã hy sinh như đồng chí Phương, Thường vụ Huyện uỷ Hương Thuỷ, đồng chí Khiết, Huyện uỷ viên, bí thư Chi bộ xã Thuỷ Thanh...

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta bước vào giai đoạn mới, để tăng cường sức chiến đấu, củng cố lực lượng quân chủ lực đầu năm 1948, tại đình Vân Thê diễn ra buổi lễ thành lập đại đội bộ đội địa phương đầu tiên huyện Hương Thuỷ do đồng chí Nguyễn Mậu Huyên (tức Hoàng Lanh) làm chính trị viên, đồng chí Đắc làm đại đội trưởng, và thời gian đầu đình Vân Thê được chọn làm Sở chỉ huy của đơn vị. Bước sang giai đoạn 1949 - 1954, những thắng lợi của quân và dân ta trên khắp các chiến trường đã đẩy thực dân Pháp vào thế bất lợi. Đầu năm 1950, tại đình Vân Thê được chọn là nơi tổ chức tuyển quân và thành lập tiểu đoàn quân chủ lực của tỉnh T.T.Huế. Tại đây diễn ra nhiều cuộc họp bàn kế hoạch triển khai đánh địch của các Huyện phía Nam T.T.Huế, đặc biệt là các trận đánh ở đồn Sư Lỗ, đồn Cầu Kẽm tiêu diệt hàng trăm tên địch, góp phần cùng chiến trường cả nước đẩy địch vào thế lúng túng, bị động. Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 kết thúc bằng thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ buộc đế quốc Pháp ký kết Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt gần 100 năm đô hộ của thực dân Pháp ở nước ta. Trong khí thế phấn khởi đó, đình Vân Thê được chọn là nơi tổ chức cuộc mít tinh, chào mừng thắng lợi, chiến thắng Điện Biên Phủ với sự tham gia của hàng vạn người các xã xung quanh và cũng chính tại đình Vân Thê là nơi tổ chức cuộc tiễn đưa những cán bộ, chiến sĩ tập kết ra miền Bắc (7/1954), số ở lại tiếp tục bám trụ lãnh đạo nhân dân đấu tranh, đòi thực hiện hiệp định, đòi tổng tuyển cử thống nhất, chống khủng bố... Được sự bảo trợ của đế quốc Mỹ, bọn tay sai phản động trong nước ra sức chống phá cách mạng, ngăn cản việc thực hiện hiệp định, phá hoại bầu cử. Với dã tâm chia cắt lâu dài đất nước ta, đế quốc Mỹ đã dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm hòng biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của chúng. Cách mạng miền Nam bước vào thời kỳ đen tối, với chính sách "tố cộng diệt cộng", "giết lầm còn hơn bỏ sót"... chính quyền Ngô Đình Diệm đã lê máy chém khắp miền Nam, nhiều đồng chí, đồng bào ta bị giặc sát hại, cả miền Nam sôi sục căm thù. Ở T.T.Huế tên bạo chúa miền Trung Ngô Đình Cẩn đã không từ một thủ đoạn thâm độc, tội ác nào hòng khuất phục ý chí thống nhất đất nước của nhân dân ta, và cũng tại đình Vân Thê hàng ngàn đồng bào ta phải đau xót chứng kiến tội ác dã man của kẻ thù hành hình, giết hại những chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước.

Dưới ánh sáng Nghị quyết 15 của BCH TW Đảng Lao Động Việt Nam, cùng với sự ra đời của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (1960), cách mạng miền Nam bước vào một thời kỳ phát triển mới, vượt qua cơn thử thách hiểm nghèo. Cùng với cả nước phong trào cách mạng ở T.T.Huế không ngừng phát triển, nhiều cơ sở Đảng, tổ chức quần chúng được tăng cường và củng cố, góp phần cùng toàn miền Nam đánh bại chiến lược chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ.

Cũng như trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, đình Vân Thê với lợi thế của mình, đã thường xuyên được chọn là nơi tổ chức các cuộc họp, bàn định các kế hoạch đánh địch của các đồng chí lãnh đạo các đơn vị vũ trang của huyện Hương Thuỷ, thành phố Huế, các đợn vị vũ trang chủ lực của Tỉnh và quân khu Trị Thiên. Đặc biệt trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968, đình Vân Thê được chọn làm nơi đóng quân của Bộ chỉ huy cánh Nam của chiến dịch, gồm các đồng chí Hoàng Lanh, Thường vụ tỉnh uỷ, phó chỉ huy cánh Nam; đồng chí Nguyễn Xuân Ngà, Bí thư huyện uỷ Hương Thuỷ; đồng chí Nguyễn Văn, Bí thư huyện uỷ Phú Vang... Suốt một thời gian dài trước, trong và sau chiến dịch xuân 1968, đình Vân Thê thực sự trở thành đại bản doanh, là trung tâm chỉ đạo các hoạt động quân sự, hợp đồng tác chiến giữa các đơn vị, giữa các hướng tấn công trên toàn mặt trận. Trong chiến dịch này, đình Vân Thê và các nhà thờ họ trong làng được sử dụng là nơi tập kết của các đơn vị bộ đội chủ lực trước giờ xuất kích đồng thời là nơi đón tiếp, chuyển giao thương binh từ mặt trận ra để chuyển về tuyến sau.

Trong số nhiều sự kiện lịch sử diễn ra tại đình Vân Thê thời kỳ này thì sự ra đời của tiểu đội nữ du kích Vân Thê (Vân Dương) mà những chiến công của họ đã làm nức lòng nhân dân cả nước, cả thế giới khâm phục, đồng thời là nổi kinh hoàng, khiếp sợ của kẻ thù. Vinh dự được Bác Hồ gửi thư khen ngợi:

          "Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường

            Khôn ngoan dàn trận khắp phố phường

            Bác khen các cháu dân quân gái

            Đánh giặc Huê Kỳ phải nát xương".

Cuộc họp Ban chỉ huy cánh Nam chiến dịch Xuân 1968 được tổ chức tại đình làng Vân Thê trước một đêm cuộc tổng tiến công và nổi dậy bắt đầu gồm các đồng chí Hoàng Lanh, Thường vụ Thành uỷ, phó chỉ huy cánh Nam; đồng chí Nguyễn Xuân Ngà, bí thư huyện Hương Thuỷ; đồng chí Nguyễn Văn, bí thư huyện uỷ Phú Vang; đồng chí Tuyên, phó chỉ huy Thành đội, phó đoàn 5; đồng chí Lê Túc, Tham mưu trưởng đoàn 5. Tại cuộc họp này, nhiều vấn đề được quyết định trong đó phải thành lập ngay một tiểu đội nữ du kích làm nhiệm vụ bảo vệ Sở chỉ huy (đình Vân Thê) đồng thời hướng dẫn chuyển thương binh từ mặt trận ra, về sơ cứu tại các nhà thờ họ trong làng và đồng chí Phạm Thị Liên, xã đội trưởng xã Thuỷ Thanh được cử trực tiếp làm tiểu đội trưởng tiểu đội này và cả 11 thành viên tiểu đội đều là con em của làng Vân Thê.

1. Đồng chí Phạm Thị Liên - tiểu đội trưởng (hy sinh)

2. Đồng chí Đỗ Thị Cúc - tiểu đội phó           (hy sinh)

3. Đồng chí Nguyễn Thị Hoa                        (còn sống)

4. Đồng chí Hoàng Thị San                          (hy sinh)

5. Đồng chí Hoàng Thị Nở                           (còn sống)

6. Đồng chí Chế Thị Mừng                          (còn sống)

7. Đồng chí Hoàng Thị Sương                      (hy sinh)

8. Đồng chí Đỗ Thị Hoa                               (hy sinh)

9. Đồng chí Nguyễn Thị Hợi                        (còn sống)

10. Đồng chí Nguyễn Thị Diên                     (hy sinh)

11. Đồng chí Nguyễn Thị Xinh                    (còn sống)

Song những diễn biến tình hình tại mặt trận đã làm thay đổi tính chất và nhiệm vụ của tiểu đội nữ du kích Vân Thê. Bị tấn công bất ngờ, các đơn vị lính Mỹ và Nguỵ ở thành phố Huế đã phải cầu cứu lực lượng tàu chiến từ Thuận An lên phản kích quyết liệt từ đoạn Đập Đá, Khách sạn Hương Giang đến cầu Trường Tiền (khu vực toà khâm cũ) làm cho một bộ phận các đơn vị chủ lực của ta chiến đấu ở khu vực này là C2, K10 đặc công bị thiệt hại khá lớn. Trước tình hình đó, Ban chỉ huy cánh Nam đã quyết định trang bị vũ khí cho tiểu dội nữ du kích Vân Thê gồm súng AK, Lựu đạn, B40, B41... Nhiệm vụ của tiểu đội nữ du kích là phối hợp với bộ đội chủ lực giữ vững trận địa, đồng thời đánh trả lại các đợt phản kích của địch, phạm vị hoạt động của tiểu đội từ Đập Đá - Chợ Cống - Cổng số 4 sân vận động Tự Do và đường về Xuân Phú. Với lợi thế nắm vững địa hình, tiểu đội đã triển khai lực lượng men theo các giao thông hào dọc bờ sông Vân Dương (một nhánh của sông Hương qua Đập Đá) bẽ gãy nhiều đợt tấn công của 1 tiểu đoàn lính thuỷ đánh bộ Mỹ, với sự trợ giúp của lực lượng không quân và pháo binh từ Thuận An bắn lên, tiêu diệt nhiều lính Mỹ, hoàn thành nhiệm vụ giữ vững tuyến phòng thủ ngăn chặn phản kích của địch trong nhiều ngày đêm, tạo điều kiện cho các đơn vị di chuyển thương binh về tuyến sau an toàn, góp phần cùng toàn mặt trận Huế làm chủ thành phố Huế trong suốt 26 ngày đêm. Những chiến công của 11 cô gái Vân Dương là nổi kinh hoàng, nhục nhã của đội quân thiện chiến nhà nghề Mỹ.

Kết thúc đợt tấn công thứ nhất, đình làng Vân Thê nói riêng và cả dân làng Vân Thê nói chung trở thành địa điểm tập kết của nhiều đơn vị bộ đội cánh Nam, chỉnh đốn lực lượng trước khi rút lực lượng lên chiến khu.

Có thể nói rằng, trải qua bao thăng trầm lịch sử kể từ ngày xây dựng (1855), đình Vân Thê đã làm tròn chức năng của mình, là chỗ dựa vững chắc về mặt tinh thần của các dòng họ trong làng Vân Thê, đình làng xứng đáng là ngôi nhà chung cho các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng, hành chính của làng...

Bên cạnh đó, những đóng góp của đình Vân Thê trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đặc biệt là trong cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa xuân 1968, là Bộ chỉ huy cánh Nam của mặt trận Huế, là nơi thành lập, tổ chức hành động của tiểu đội 11 cô gái Sông Hương đã góp phần to lớn trong những chiến thắng chung của toàn dân tộc. Đình Vân Thê xứng đáng là địa danh lịch sử đáng ghi nhận, góp phần vào sự nghiệp giáo dục truyền thống cho các thế hệ...

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, với truyền thống uống nước nhớ nguồn, để ghi nhớ công lao các bậc tiền nhân đã có công tạo dựng đình Vân Thê, để tưởng nhớ đến những chiến công, những sự kiện lịch sử oai hùng diễn ra tại đình làng Vân Thê trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước, con dân làng Vân Thê ở khắp mọi miền Tổ quốc, ở nước ngoài đã tự nguyện đóng góp kẻ ít người nhiều để trùng tu sửa chữa lại đình. Mặc dù được sửa chữa ít nhiều song những yếu tố gốc, đường nét hoa văn của đình vẫn được tôn trọng, bảo tồn như thuở ban đầu, mang đậm dấu ấn kiến trúc nhà Nguyễn. Đặc biệt hiện ở đình làng Vân Thê vẫn lưu giữ những kỷ vật quý như chuông đồng, thanh đá có khắc chữ phụng, bình gốm cổ, án thờ, bức hoành. Giờ đây đình Vân Thê tiếp tục duy trì phát huy vị trí vai trò của mình là trung tâm sinh hoạt văn hoá lễ hội truyền thống của nhân dân trong làng hàng năm, là nơi thể hiện ý chí nguyện vọng của toàn thể dân làng, của các dòng họ, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp. Những giá trị lịch sử ấy mãi mãi còn tồn tại với thời gian, là những nhân chứng của lịch sử một thời kỳ oanh liệt diễn ra tại đình làng Vân Thê tô đậm thêm những trang sử oai hùng của một địa phương vinh dự được Nhà nước phong tặng đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

IV. LOẠI HÌNH DI TÍCH :

Đình Vân Thê thuộc loại hình: di tích lịch sử văn hoá.

V. KHẢO TẢ DI TÍCH :

Đình Vân Thê nằm trên thửa đất số T327/4165

Có chiều dài:         193,4m

 Chiều rộng:            49,7m

Tổng cộng:                 46m2

Mặt trước của đình có la thành xây, ba mặt còn lại được giới hạn bởi hàng tre cao 2,5m.

Hồ nước của đình làng nằm ở thửa đất số 544.

Chiều dài:             22,3m

Chiều rộng:           19,5m

Tổng diện tích hồ:      4m2

Từ hồ vào đến cổng đình cách 22,5m.

Đình làng và hồ làng Đông giáp thửa 2L/2625,        L/1862

                                 Tây giáp thửa   2L/2262,       2L/968

                                 Bắc giáp thửa   2L/976,         2L/4078

                                 Nam giáp thửa  2L/14125,    2L/6540,     2L/1740

Mặt bằng Đình Vân Thê được bố trí theo hình chữ Công (I) như đã trình bày ở phần nội dung, đình làng Vân Thê kể từ khi chuyển dời về vị trí hiện nay (1855), một phần do khí hậu thời tiết, một phần do ảnh hưởng của hai cuộc chiến tranh nên đình làng Vân Thê đã qua 3 lần tu sửa: 1947, 1971, 1991. Mặc dù vậy những đường nét kiến trúc tại đình làng vẫn được tôn trọng gìn giữ trong quá trình tu sửa. Chính vì vậy mà giờ đây khi chúng ta nhìn đình Vân Thê vẫn rõ những nét cổ kính được thể hiện qua các đường nét kiến trúc, rồng bay phượng múa, qua các hoạ tiết hoa văn trang trí trên chi tiết ở đình làng.

Trước cổng đình là hàng trụ biểu 4 cột sừng sững, uy nghiêm (cao 7,5m x 1m) được trang trí đắp nổi sành sứ rất công phu. Tiếp theo là long đình độc lư (cách trụ biểu 7,5m). Long đình độc lư được kiến trúc theo kiểu nhà bia 4 mái (3,5m x 2m) ở giữa là một lư hương lớn. Từ long đình độc lư vào đền cửa tiền đàng là (17,5m) 4 trụ tiền đàng được trang trí rồng leo rất khéo léo nghệ thuật, dưới chân 4 trụ tiền đàng là 4 sư tử quỳ tạo cảm giác rất trang nghiêm, cung kính.

Tiền đàng rộng:     5,47m

                 dài:         9,2m

          diện tích:

Qua khỏi tiền đàng là chúng ta bước vào nội đình. Nội đình là một ngôi nhà 3 gian, rộng:          10,2m

dài:      9,2m

diện tích:

Hai bên có hai nhà tả hữu được dùng những khi đình có công chuyện lớn vào các dịp tế lễ (2 nhà hiện nay hư hại nặng). Giữa ba khoang cửa vào nội đình là các câu đối ca ngợi quê hương con người Vân Thê (xem phụ lục). Phía trên tiền đàng là 3 bức hoành được ghép bằng sành sứ rất nghệ thuật (xem ảnh, phụ lục). Toàn bộ nội đình được bố trí cụ thể như sau:

Ba bộ cửa kiền kiền được đóng theo lối bản khoa (thượng song, hạ bản) gian giữa lớn hơn, 2 gian tả hữu bằng nhau. Trong nội đình được bố trí như sau:

Gian giữa là nơi trang trọng nhất và cũng là nơi để thờ vọng người có công lớn nhất đối với làng Vân Thê, đó là Thành Hoàng Chế Văn Kiệt. Bàn thờ và những đồ thờ ở gian giữa rất cầu kỳ và trang trọng gồm một bàn thờ lớn chạm lọng, sơn son thếp vàng, các đồ tử khí hai bên đầy đủ, sau bàn thờ là khám thờ vị Thành Hoàng cũng được coi sóc rất chu đáo.

Hai gian tả hữu là nơi thờ các bài vị của bát gia khai căn (8 dòng họ đầu tiên có công lập nên làng Vân Thê) bao gồm 2 bàn thờ và khám thờ cùng các đồ thờ đầy đủ.

Bộ khung đình làng Vân Thê gồm: 16 cột được kết cấu chặt chẽ với 2 dàn kèo chắc chắn. Phần mái của đình được chia làm 2 phần: Nhà tiền đường tiếp giáp nội đình được lợp bằng ngói ống, nhà nội đình được lợp ngói liệt, bờ nóc, dải đầu dao, máng sối được trang trí rất khéo léo, tỉ mỉ từng chi tiết, long chầu nhật, cá chép vượt vũ môn, chim, phụng, kỳ lân.

Diềm nhà tiền đường và nội đình được làm lại song vẫn giữ nguyên cách trang trí hoa văn lối cũ như cảnh sơn thuỷ, bụt tọa đài sen, hoa chanh, phúc lộc, đặc biệt là cảnh cày bừa đồng áng, câu cá theo các trích cũ, toàn cảnh trang trí trong đình như một bức tranh mô tả cuộc sống thanh bình chốn làng quê song cũng có những yếu tố cách điệu, thần bí, càng làm cho đình trở nên uy nghi, tôn kính và thiêng liêng.

VI. CÁC HIỆN VẬT CÓ TRONG DI TÍCH :

1. Đồ đồng:

- Chuông đồng đúc năm Thiệu Trị thứ 3, đường kính: 0,65m; cao 0,76m.

- Lư đồng các loại: 05 bộ (tam sự, ngũ sự thờ tại gian giữa và 2 gian tả, hữu..)

2. Đồ gốm:

- Bình gốm xứ cổ thời Khang Hy.

- 4 bình gốm xứ các loại.

3. Đồ đá:

- 01 cột đá chăm trên đó có khắc các chữ phạn (không rõ nội dung).

4. Đồ da:

- 01 trống da, đường kính 0,52m.

5. Đồ gỗ:

- 03 bức hoành sơn son thếp vàng cổ (1,5m x 0,9m).

- 01 hương án sơn son thếp vàng cổ (1,58m x 0,87m x 1,5m).

- 02 hương án nhỏ thờ gian tả và gian hữu sơn son thếp vàng (0,72m x 1,2m x 1,18m).

- Bàn vuông 04 cái (1,52m x 2,05m x 0,87m).

- Câu đối 04 cái (2,54m x 0,29m).

- Ngai kiệu rước Thành Hoàng 01 cái.

- Bài vị 8 vị khai canh của làng sơn son thếp vàng (0,6m x 0,29m).

VII. ĐÁNH GIÁ GIÁ TRỊ DI TÍCH :

Trong quá trình tồn tại và phát triển, đình Vân Thê đã để lại những dấu ấn lịch sử - văn hoá quan trọng, hun đúc nên truyền thống đoàn kết gắn bó giữa các dòng họ ngay từ những ngày đầu lập làng. Truyền thống đó không ngừng được phát huy qua các thời kỳ lịch sử, trong cuộc đấu tranh chống lại thiên nhiên và các thế lực ngoại xâm xây dựng và bảo vệ cuộc sống.

Có thể nói đình Vân Thê ngay sau khi hình thành đã trở thành trung tâm nơi tổ chức, khơi dậy và bảo lưu một cách tốt nhất, đầy đủ nhất những giá trị văn hoá truyền thống của một cộng đồng dân cư, hình thành nên những quan niệm tình cảm lối sống, những thuần phong mỹ tục, tình làng nghĩa xóm giữa con người với quê hương đất nước.

Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đình làng Vân Thê đã trở thành một địa danh lịch sử tiêu biểu có nhiều đóng góp quan trọng trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Đặc biệt trong cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1968, đình Vân Thê đã có những đóng góp xứng đáng góp phần tạo nên những thắng lợi quyết định mà cụ thể là trụ sở cánh Nam của mặt trận Huế 68, là nơi khai sinh ra tiểu đội 11 cô gái Vân Dương và điều đáng nói là cả 11 cô gái đều là con em của làng Vân Thê anh hùng mà những chiến công của họ đã vượt biên giới quốc gia, là niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam anh hùng, sinh ra trong thời đại anh hùng tô điểm thêm truyền thống vẻ vang xứng danh là con cháu bà Trưng, bà Triệu...

Những giá trị khoa học, lịch sử ở đình Vân Thê sẽ là bài học kinh nghiệm quý báu, góp phần làm phong phú thêm lịch sử quân sự nước nhà đó là chiến tranh nhân dân, toàn dân toàn diện, lấy dân làm gốc.

Vì vậy việc Bảo tàng tỉnh T.T.Huế tiến hành nghiên cứu xây dựng hồ sơ di tích lịch sử đình Vân Thê đề nghị Nhà nước công nhận xuất phát từ yêu cầu khách quan, từ những giá trị lịch sử, khoa học của di tích mà đó còn là nguyện vọng tha thiết chính đáng của đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thuỷ Thanh nói chung và con dân các dòng họ ở làng Vân Thê nói riêng. Và chúng ta tin rằng ở bên kia thế giới những đồng bào, đồng chí thân yêu của chúng ta đã ngã xuống vì nền độc lập của dân tộc vì một nước Việt Nam hoà bình giàu mạnh chắc hẳn cũng đồng tình và mãn nguyện.

Những giá trị lịch sử văn hoá đó sẽ tồn tại mãi mãi với thời gian và sẽ có tác dụng thiết thực trong việc giáo dục tinh thần đoàn kết, truyền thống đấu tranh kiên cường của các thế hệ cha anh lớp trước đối với thế hệ con cháu mai sau. Giờ đây đình Vân Thê đã và đang phát huy vị trí vai trò của mình trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng cuộc sống mới, góp phần gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam.

VIII. TÌNH TRẠNG BẢO QUẢN DI TÍCH :

Đình Vân Thê hiện nay nằm dưới sự quản lý của Hội đồng tộc trưởng làng Vân Thê và được sự quan tâm giúp đỡ tích cực của Đảng bộ và chính quyền xã Thuỷ Thanh. Đình Vân Thê trở thành trung tâm sinh hoạt văn hoá tinh thần... của con dân các dòng họ trong làng, là nơi tổ chức các hoạt động lễ hội hàng năm của làng.

Sự quan tâm giúp đỡ của các cấp uỷ chính quyền địa phương cộng với sự hảo tâm đóng góp của con cháu trong làng những người làm ăn trong và ngoài nước đã làm cho đình Vân Thê ngày càng đẹp hơn, xứng đáng vị trí lịch sử của đình làng.

IX. CƠ SỞ ĐỂ BẢO VỆ DI TÍCH :

- Đình Vân Thê nằm trong danh mục 153 di tích lịch sử văn hoá đã được UBND tỉnh T.T.Huế ra quyết định bảo vệ số 1046-QĐ/UBND ngày 8/10/1993 của UBND tỉnh T.T.Huế.

- Đình Vân Thê nằm trong danh sách 5 di tích mà Bảo tàng tỉnh đã có công văn số 47BT ngày 25/6/1996 gửi Cục Bảo tồn Bảo tàng đề nghị xem xét và đã được Cục đồng ý cho tiến hành nghiên cứu xây dựng hồ sơ để trình Bộ công nhận.

- Việc đề nghị nghiên cứu xây dựng hồ sơ di tích lịch sử văn hoá đình Vân Thê còn là nguyện vọng thiết tha của Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân xã Thuỷ Thanh nói chung và nhân dân làng Vân Thê nói riêng. Đó là một trong những điểm di tích lịch sử văn hoá điển hình trong cuộc tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

X. TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn, NXB Khoa học Hà Nội năm 1964.

2. Ô châu cận lục của Dương Văn An, NXB Văn hoá Á Châu Sài Gòn 1961.

3. Việt sử xứ đàng trong.

4. Lịch sử Đảng bộ huyện Hương Thuỷ, NXB Thuận Hoá - Huế, 1994.

5. Lịch sử Đảng bộ thành phố Huế, NXB Thuận Hoá - Huế, 1995.

6. Lịch sử Đảng bộ xã Thuỷ Thanh tập đánh máy dự thảo.

7. Cô gái vùng ven, Nguyễn Đắc Xuân, NXB Phụ nữ, 1980.

8. Gia phả các dòng họ trong làng Vân Thê.

9. Tập hồi ký của đồng chí Hoàng Lanh nguyên Thường vụ tỉnh uỷ, Bí thư thành uỷ Huế, Phó chỉ huy cánh Nam thời kỳ 1968.

10. Hồi ký của đồng chí Hoàng Lường nguyên Bí thư chi bộ đầu tiên xã Thuỷ Thanh thời kỳ chống Pháp.

11. Tài liệu điền dã thực tế tại địa phương.

12. Vân Thê hương sử của nhiều tác giả 1995.

13. Một số báo địa phương viết về chiến công của đình làng Vân Thê.

14. Tín ngưỡng dân gian Huế, Trần Đại Vinh, NXB Thuận Hoá, 1995.

Quang Được
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Lịch công tác UBND xã
Thứ hai ngày 06/05/2024
Chủ tịch UBND: Dương Anh Tuấn
14:00: Xử lý hiện trường công trình xây dựng
Phó Chủ tịch UBND: Nguyễn Đắc Mùi
14:00: Xử lý hiện trường công trình xây dựng
Thứ ba ngày 07/05/2024
Chủ tịch UBND: Dương Anh Tuấn
08:00: Dự họp giao ban công tác quản lý nhà nước về đất đai
14:00: Dự bàn giao mặt bằng triển khai thi công công trình đường từ HTX Vân Thê đến vườn Lạc Dương nối dài đến khu dân cư xã Thủy Thanh
Phó Chủ tịch UBND: Nguyễn Đắc Mùi
08:30: Họp giải quyết đơn kiến nghị của ông Ngô Tá Nguyên (thôn Lang Xá Cồn)
14:30: Dự phiên làm việc tại nhà ông Ngô Tá Nguyên- thôn Lang Xá Cồn
Phó Chủ tịch UBND: Đặng Văn Hiệp
14:00: Nghiệm thu cơ sở dự án KHCN cấp tỉnh "Chợ quê cầu Ngói Thanh Toàn"
Thứ tư ngày 08/05/2024
Chủ tịch UBND: Dương Anh Tuấn
08:30: Kiểm tra, đánh giá khối lượng bèo trên sông Như Ý năm 2024
Phó Chủ tịch UBND: Nguyễn Đắc Mùi
08:30: Họp giải quyết một số nội dụng liên quan đến công tác quản lý và sử dụng đất nông nghiệp đấu giá thuê đất quỹ đất công ích xã
09:00: Họp giải quyết, xác nhận khối lượng bóc, đổ tầng đất mặt Dự án Trạm biến áp 110kV Huế và đấu nối
Phó Chủ tịch UBND: Đặng Văn Hiệp
08:00: làm việc với Đoàn kiểm tra của Sở GD&ĐT về kết ủa PCGD-XMC trên địa bàn thị xã
Thứ năm ngày 09/05/2024
Phó Chủ tịch UBND: Nguyễn Đắc Mùi
08:30: Dự tập huấn kỹ thuật nuôi cua đồng thương phẩm trong ao, hồ tại xã
Phó Chủ tịch UBND: Đặng Văn Hiệp
08:00: Dự tập huấn nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ về vai trò, vị trí của công tác chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng thuộc ngành LĐ-TB&XH quản lý
14:00: Họp triển khai Kế hoạch tổ chức "Ngày hội việc làm - Tuyển sinh học nghề gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững" năm 2024
Thứ sáu ngày 10/05/2024
Chủ tịch UBND: Dương Anh Tuấn
08:00 -17:30Tiếp công dân định kỳ UBND xã
09:00: Nghiệm thu công trình Trồng cây xanh đường Tỉnh lộ 1 đoạn từ Cầu Chùa đến nga ba Bàu Súng
10:00: Nghiệm thu công trình Sửa chữa, nâng cấp các hạng mục tại Nhà VHCĐ thôn Vân Thê Đập
14:00: Dự Hội nghị Sơ kết công tác Cải cách hành chsinh quý I năm 2024
14:00: Họp Ban Chấp hành Đảng bộ xã
Phó Chủ tịch UBND: Nguyễn Đắc Mùi
09:00: Nghiệm thu giai đoạn công trình Trồng cây xanh đường Tỉnh lộ 1 đoạn từ Cầu Chùa đến nga ba Bàu Súng
10:00: Nghiệm thu công trình Sửa chữa, nâng cấp các hạng mục tại Nhà VHCĐ thôn Vân Thê Đập
14:00: Họp Ban Chấp hành Đảng bộ xã
Phó Chủ tịch UBND: Đặng Văn Hiệp
08:00: Dự tập huấn công tác Thi đua - Khen thưởng năm 2024
14:00: Họp Ban Chấp hành Đảng bộ xã
14:30: Đến thăm và làm việc tại Trạm y tế
15:00: Họp triển khai Tiểu dự án Cải thiện dinh dưỡng - Giảm nghèo bền vững năm 2024
Thứ bảy ngày 11/05/2024
Chủ tịch UBND: Dương Anh Tuấn
07:00: Ra quân thực hiện phong trào Ngày Chủ nhật xanh
Phó Chủ tịch UBND: Nguyễn Đắc Mùi
07:00: Ra quân thực hiện phong trào Ngày Chủ nhật xanh
Phó Chủ tịch UBND: Đặng Văn Hiệp
07:00: Ra quân thực hiện phong trào Ngày Chủ nhật xanh
Chủ nhật ngày 12/05/2024
Truyền hình TRT
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 1.405.201
Đang truy cập 460