Tìm kiếm tin tức
DANH MỤC
.
 
           
            
           
         
         
    
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia Phủ thờ Tôn Thất Thuyết, thôn Vân Thê Trung, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 02/04/2024

Di tích Phủ thờ Tôn Thất Thuyết được công nhận là di tích Quốc gia ngày 15/10/1994 tại Quyết định số 2754-QĐ/BT của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

 

LÝ LỊCH DI TÍCH

I. TÊN GỌI DI TÍCH:

Di tích lịch sử Phủ Tôn Thất Thuyết.

Địa điểm: thôn Vân Thê, xã Thuỷ Thanh, huyện Hương Thuỷ, tỉnh TT-Huế.

II. ĐƯỜNG ĐI ĐẾN DI TÍCH:

Di tích lịch sử phủ Tôn Thất Thuyết cách thành phố Huế khoảng 5km về phía Nam.

Từ Huế có nhiều đường đi đến di tích bằng các phương tiện ô tô, xe máy, xe đạp... tuyến đi thuận lợi nhất là: từ cầu An Cựu (thành phố Huế) về cầu ngói Thanh Toàn khoảng 5km, sau đó đi theo đường làng khoảng 2km đến thôn Vân Thê bên bờ sông Như Ý là khu vực phủ Tôn Thất Thuyết.

III. LỊCH SỬ, NHÂN VẬT, SỰ KIỆN:

Tôn Thất Thuyết là Vệ Quốc Thượng tướng quân kiêm Thủ binh Bộ Thượng Thư sung chức phụ chánh Đại thần tước vệ chánh hầu. Là con thứ 2 cụ Đề Đốc Tôn Thất Đính và bà Văn Thị Thu, sinh ngày 29 tháng 3 năm Kỷ Hợi (tức ngày 12/6/1839).

Chánh quán: Gia Miếu ngoại trang Thượng Bảng, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá.

Sinh quán: làng Phú Xuân, tổng Phú Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên.

Có vợ là bà Lê Thị Thành người huyện Hương Thuỷ và có 15 người con: 9 trai, 6 gái.

Tôn Thất Thuyết là cháu bảy đời đức thúc Tôn Hiếu - Triết Hoàng Đế tục gọi là chúa Hiền hay Hiền Vương (1619-1687). Tính tình cương trực, không ưa bề ngoài, ham hoạt động và rất ghét ồn ào huyên náo, có trí dũng giỏi việc binh.

Năm 1870 khi Hoàng Tá Viên được Tự Đức suy làm Thống Đốc quân vụ Đại thần ở các tỉnh phía Bắc thì Tôn Thất Thuyết được làm sung tán tương quân vụ dưới quyền Hoàng Tá Viên. Ngày 21 tháng 12 năm 1873 theo lệnh của Hoàng Tá Viên, Tôn Thất Thuyết đã đem quân mai phục ở khu Cầu Giấy (Hà Nội) và cho một nhóm đến sát thành Hà Nội để khiêu chiến. Lúc bấy giờ Phơ-răng-xi Gac-ni-ê đang hội đàm với đoàn Trần Đình Túc trọng thành, thấy động Phơ-răng-xi Gac-ni-ê bỏ họp đem quân ra ngoài thành nghênh chiến rồi bị phục kích chết.

Tháng 3 năm 1874 triều đình xét trận đánh trên đã phong Tôn Thất Thuyết làm Binh bộ hữu Tham tri, phong cho Tước Nam.

Năm 1875 tại Tuyên Quang quân cờ vàng hoạt động rất mạnh, bấy giờ Tôn Thất Thuyết đang làm quan tán tương quân vụ tỉnh Sơn Tây đã đánh một trận lớn tại làng Châu Thượng thuộc phủ Vĩnh Tường. Hoàng Sùng Anh chỉ huy quân cờ vàng bị Tôn Thất Thuyết bắt sống.

Năm 1881 Tôn Thất Thuyết được phong chức Thư binh Bộ Thượng Thư, trong bài dụ của Tự Đức nhân việc Tôn Thất Thuyết được phong chức có viết: "Dụ rằng: Nguyên thư Tổng đốc sung hiệp đốc Tôn Thất Thuyết bị bệnh đã lâu, trước đã giải chức để về điều trị bệnh, nhiều lần cấp thuốc thang và cho thăm hỏi, nay đã khoẻ lại biết gắng lên xin lại kinh sung chức để báo đáp ơn sâu. Trẫm khen là người có lỗi mà biết sửa đổi... Vậy nay điều bổ cho chức Thư binh Bộ Thượng Thư để cho xứng chức".

Ngày 19/7/1883 (tức ngày 16 tháng 5 năm Quý Mùi) sau 35 năm ở ngôi vua, Tự Đức qua đời, dưới thời Tự Đức triều đình Huế đã ký kết với thực dân Pháp biến "Nam kỳ lục tỉnh" thành thuộc địa của Pháp và chuẩn bị cơ sở cho hiệp ước tiếp theo chấp nhận sự "bảo hộ" của thực dân Pháp.

Ngày 17/7/1883 trước khi chết Tự Đức đã triệu tập các Đại thần để Tự Đức ký di chúc truyền ngôi cho Ưng Chân, đồng thời phong cho Tôn Thất Thuyết làm "phụ chính Đại thần". Trước hôm tán tôn vua Dục Đức Ưng Chân), Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường dựa vào di chiếu để phế bỏ Dục Đức, rồi hai ông lập Hồng Dật là em út của vua Tự Đức lên ngôi lấy hiệu Hiệp Hoà. Hiệp Hoà có âm mưu giảm chức Tôn Thất Thuyết để giảm bớt quyền hành của ông và đồng thời Hiệp Hoà lại muốn nhận cuộc bảo hộ của Pháp, chính vì các lý do trên, ngày 29 tháng 11 năm 1883 (tức ngày 30 tháng 10 năm Quý Mùi) Hồng Dật bị Tôn Thất Thuyết bắt uống thuốc độc chết. Cùng ngày hôm đó Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đã đưa Ưng Đăng (Kiến Phúc) lên ngôi.

Tuy là thiểu số trong triều, nhưng nhờ nắm binh quyền nên Tôn Thất Thuyết vẫn giữ được ưu thế. Ông vừa bí mật liên kết với các quan văn, võ ở các tỉnh kháng chiến ngoài Bắc vừa chuẩn bị thực lực tích cực ở miền Trung từ Ninh Bình đến Nghệ An, Quảng Trị. Ở mọi nơi ông đều tổ chức và củng cố sơn phòng, ông đã bỏ châu báu vàng bạc và lương thực để xây dựng căn cứ địa, phòng khi cần sẽ đưa Vua lên đó. Tại kinh đô Huế Tôn Thất Thuyết tìm mọi cơ hội để kích thích lòng trung nghĩa. Trong khi Tôn Thất Thuyết tích cực chuẩn bị mọi lực lượng chống Pháp thì đã số đình thần và cả vua Kiến Phúc lại tư thông với Khâm sứ Pháp.

Đầu tháng 1 năm 1884 Tôn Thất Thuyết lập phái nghĩa quân và giao cho Trần Xuân Soan chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ huy. Ngay từ ngày cuối năm 1883 Tôn Thất Thuyết đã có chủ trương lập đội quân này và dự định khởi nghĩa vào ngày 28/11/1883.

Ngày 6/8/1884 nghĩa là vừa sau 2 tháng hoà ước 6/6/1884 tên đại tá Ghê-ri-ê đã mang 600 quân, hai đội pháo binh và chiến thuyền vào Huế với nhiệm vụ chiếm lấy Hoàng thành nếu Viện Cơ Mật không tuân theo tối hậu thư của hắn, nhưng Tôn Thất Thuyết đã cương quyết gạt bỏ tối hậu thư đó.

Ngày 17/5/1884 tên Khâm sứ Pháp Rây-Nan (Rkeinart) và các võ quan thực dân Pháp vào triều đình yết kiến nhà vua. Tôn Thất Thuyết giàn giả quân lính và bá quan rất chỉnh tề, vua Hàm Nghi ngồi trên ngai mà tiếp không đứng dậy, cũng không đi xuống. Sau lễ Tôn Thất Thuyết cho quân lính dắt cả đoàn Pháp đi bằng cửa hông, không cho ra thẳng cửa chính, hành động này đã đánh một đòn choáng váng vào chủ nghĩa thực dân gây tiếng vang cho cả nước. Không những thế, Tôn Thất Thuyết còn sai đặt súng đại bác trên kinh thành chỉa sang lầu sứ Pháp và đem nhiều bộ binh về Huế.

Đầu tháng 5 năm 1885 Pháp cho lập hai đội xả thủ người Việt và chúng cho Viện Cơ Mật biết việc ấy. Tôn Thất Thuyết đã trả lời y bằng bức thư có đoạn viết: "Ý định của ngài Tổng Tư Lệnh là thế nào và ý nghĩa của hai chữ "Bảo hộ" là thế nào? về việc lạp các toán xạ thủ là trái ngược các điều khoản của Hiệp định".

Trong triều những kẻ chủ hoà đều là kẻ thù của Tôn Thất Thuyết, ông sẵn sàng trừ khử tất cả những quan tướng mà có quan hệ mật thiết với Pháp, bọn thực dân Pháp căm tức ông và chúng loại bỏ ông. Vào thời gian này các cuộc nổi dậy chống Pháp ở Cam-pu- chia đều có người của Tôn Thất Thuyết, nhiều lần bọn Khâm sứ Pháp ép triều đình đổi Thuyết từ bộ binh sang bộ lại, đưa bộ binh về tay người Pháp, nhưng ý định của chúng không thành và Bộ trưởng ngoại giao Pháp đã điện cho cơ quan Khâm sứ ở Huế: "... Không thể không trừng phạt hành vi của Viên Thượng Thư Bộ binh nước Nam và báo cho nước Nam biết chúng ta không chịu để tên Thuyết ở chức vụ phụ chánh lâu hơn...".

Tên Đờ-cuốc-xy là Tổng tư lệnh của lực lượng Viễn chinh Pháp ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, nắm toàn bộ quyền quân sự và dân sự mời Nguyễn Văn tường và Tôn Thất Thuyết sang hội thương về việc hắn xin yết triều và dâng Quốc thư, nhưng Tôn Thất Thuyết cáo bệnh không đến. Đờ-cuốc-xy cử ông thầy thuốc đến xin được chữa bệnh cho Tôn Thất Thuyết nhằm dò la tin tức, nhưng Thuyết không tiếp, viện cớ không quen dùng thuốc Tây. Sau lần hội kiến này Nguyễn Văn Tường gặp Thuyết bàn lui về việc chống Pháp, Tôn Thất Thuyết giận run người, căm tức bảo với Tường rằng: "Binh lính của chúng ta đều đã sẵn sàng chỉ cần hành động gấp... Nếu ta bó tay ngồi nhìn giặc tây hoành hành thì còn gì là cơ nghiệp". Và vào đêm ngày 4/7/1885 (tức ngày 22/5 âm lịch) quân Pháp đang mở cuộc chiêu đãi thì Tôn Thất Thuyết cho quân đánh úp vào toà sứ Pháp và đánh vào doanh trại của quân Pháp ở Nam đài Trấn Bình. Trong trận đánh này quân của Tôn Thất Thuyết đã giết được một số sĩ quan cao cấp và làm bị thườn một số binh lính Pháp, rất tiếc trong cuộc bạo động này do vũ khí yếu kém mà quân của Tôn Thất Thuyết đã bại trận, nhưng cuộc bạo động này xuất phát từ lòng yêu nước chân thành của Tôn Thất Thuyết, mà ngay cả bản thân các võ quan Pháp đều công nhận như vậy.

Sau trận đánh này Tôn Thất Thuyết đã đưa Vua và Tam Cung rời thành, có 100 quan quân hộ tống đi Quảng Trị và trên đường đi tờ hịch mở đầu cho phong trào Cần Vương được truyền đi khắp cả nước, các văn sĩ đều động lòng gác bút giúp Vua.

Lúc này bản chất đầu thú người Pháp của Nguyễn Văn Tường đã lộ rõ, căm tức Tường, Tôn Thất Thuyết đã sai gia nhân về Huế để đốt nhà Tường vào ngày 24/7/1885.

Sau đó trải qua bao gian khổ Tôn Thất Thuyết lộ giá Vua đi Thanh Hóa rồi sang Sa-va-na-khet (Lào) gặp nhiều khó khăn, ông lại đưa Vua về Hà Tĩnh. Lúc này thực dân Pháp liên tục cho quân đuổi đánh đoàn quân của Tôn Thất Thuyết, chúng treo giải thưởng 2.000 lạng bạc để đổi lấy thủ cấp của Thuyết và 500 lạng bạc cho ai bắt sống được vua Hàm Nghi.

Cuối năm Ất Dậu (1885) nhiều trận đánh giữa quân đội của Tôn Thất Thuyết với thực dân Pháp đã xảy ra. Quân Pháp Việt lại khá nhiều, nhưng quân của nhà Vua bỏ chạy. Sau các trận đánh này Tôn Thất Thuyết giao cho hai con là Tôn Thất Đạm và Tôn Thất Tiệp ở lại cùng các quan bảo vệ Vua, còn ông cùng Trần Xuân Soạn sang Trung Quốc tiếp tục con đường chống Pháp.

Sang Trung Quốc ông yêu cầu triều đình Mãn Thanh giúp đỡ, nhưng ông cũng sớm nhận ra sai lầm của mình. Tình thế tuyệt vọng lại nghe tin thực dân Pháp đã đặt xong chế độ thuộc địa trên đất nước, Tôn Thất Thuyết đâm ra loạn trí và vào một ngày năm 1913 ông đã từ trần trên một ngọn đồi cô quạnh trong chiếc chòi xiêu vẹo lộng gió tứ bề.

Ngoài tinh thần yêu nước, chống thực dân Pháp, Tôn Thất Thuyết còn là một nhà thơ. Những bài thơ của ông mang đậm khí thế hào hùng như: "Hoạ Nguyễn Quang Bích thi", "Kỳ Cầm Bá Thước thi", "Vãn Nguyễn Cao" và đặc biệt bài "Vũ trung phi yến" đã biểu lộ khá rõ tâm hồn và khí phách của mình:

"Sao không trở về chốn đình đài

Cứ bay liệng mãi ở sườn non trong cơn mưa gió?

Vì vẫn mang một tấm lòng son vương vấn

Cho nên muốn tới nhờ động biếc nghìn tầm xa”.

Thực dân Pháp rất ghét Tôn Thất Thuyết, nhưng chính bọn chúng cũng phải thừa nhận đức tính hy sinh cao cả cùng với tinh thần bất khuất của ông.

Trong bài "Vè Thất thủ kinh đô" đã dựng lại hình ảnh Tôn Thất Thuyết khá trung thực, bài vè đã liệt ông vào bậc "Trung thần" và đề cao ông như một vị anh hùng dân tộc.

Nước ta quan tướng anh hùng,

Bách quan văn võ cũng không ai tày.

Nếu triều đình Nguyễn hèn mạt thối nát đầu hàng giặc thì Tôn Thất Thuyết lại là một người đi đầu trong phong trào chống thực dân Pháp ông là một trong những nhân vật đáng kính của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

IV. KHẢO TẢ DI TÍCH:

1. Sự hình thành di tích phủ Tôn Thất Thuyết:

Theo gia phả ghi chép thì phủ Tôn Thất Thuyết trước đây là nơi tu của Quốc Oai Công Tôn Thất Hiệp (chính vì vậy bây giờ trong phủ có bức hoành ghi "Quốc Oai Công Từ" bằng chữ Hán). Sau này Tôn Thất Thuyết cho xây dựng thành phủ thờ dòng họ. Các hiện vật còn lại lâu nhất là bức hoành làm bằng gỗ sơn son thếp vàng chạm chữ Nho nổi (như đã nói trên) vào khoảng năm Tự Đức 19 (1866) do vậy có thể phủ được xây dựng vào khoảng đó.

Sau khi Tôn Thất Thuyết mất (1913) dòng họ lấy phủ này làm phủ thờ ông và từ đó mang tên chính: Phủ Tôn Thất Thuyết.

Vào năm 1954 cụ Tôn Thất Tuân cùng con cháu dòng họ góp công sức và của cải để xây dựng lại phủ. Quá trình xây dựng thu gọn lại còn một loại kèo và thêm một hành lang phía trước phủ, mái lợp lại bằng thiếc, toàn bộ cột kèo, tay đòn bằng đanh mộc trông cổ kính, rộng rãi và đẹp.

Năm 1974 do ảnh hưởng của chiến tranh và sự huỷ hoại của mối mọt phủ bị hư hỏng nhiều, cụ Tôn Thất Thắng cùng con cháu dòng họ lại tiến hành tu sửa lần nữa, lần này giữ nguyên cấu trúc của năm 1954, mái bằng thiếc được thay bằng Phi-prô xi măng gồm 3 gian 2 chái và giữ nguyên cho đến bây giờ (xem ảnh).

Ngoài phủ phía sau còn có một nhà phụ nối liền với phủ, nhà này giữ nguyên gốc từ khi Tôn Thất Thuyết cho xây dựng phủ thờ dòng họ đến nay.

2. Khảo tả di tích:

Phủ Tôn Thất Thuyết bao gồm các công trình từ ngoài vào như sau:

- Cổng chính

- Lư hương

- Điện thờ

- Mộ Tôn Thất Hiệp

- Tấm bình phong sau

- Cổng hậu

a. Cổng chính:

Xây theo kiểu giữa bình phong hai bên là hai cổng vào ra, toàn bộ cổng xây dựng lại bằng gạch và vôi vữa vào năm 1954.

Tấm bình phong:  Cao:  1.45m

                             Rộng: 5.80m

                             Dày:  20cm.

Trên nóc có chữ "Hỷ" bằng chữ Nho xây theo kiểu bán nguyệt, mặt trước và sau đều có chạm nổi một con rồng uốn khúc cách điệu và cá chép tượng trưng cho cá chép hoá rồng.

Nối liền với bình phong sang hai phía tả hữu là hai cổng vào ra có hình dáng, cấu trúc, kích thước như nhau, chất liệu cũng được xây dựng bằng vôi vữa và gạch. Mỗi cổng gồm ba trụ biểu hình vuông thấp dần từ trong ra ngoài và có kích thước như sau:

- Trụ 1: cao 3.20m, rộng 40cm

- Trụ 2: cao 2.90m, rộng 40cm

- Trụ 3: cao 1.20m, rộng 40cm.

Trụ 1 được nối với trụ 2 bằng một mái cong có chạm nổi hình con dơi dang đều hai cánh, phía trên hai trụ biểu lớn có hai búp sen.

Khoảng cách hai trụ biểu 1 và 2 là 1.20m. Đây cũng là phần cửa để đi vào ra.

Trụ 2 nối liền với trụ 3 bằng một bức tường cao 1m, dài 2m.

Toàn bộ tường thành bình phong, cột trụ cổng chính có chiều rộng là 16m. Cổng chính được tu sửa vào năm 1974.

b. Lư hương:

Cách bình phong của cổng chính 2m. Lư hương xây bằng gạch và xi măng hình chữ nhật, chiều cao lư 0.7m, dày miệng 7cm, có hai tai ở hai bên. Lư dùng để làm nơi đốt giấy tiền và quần áo vào các ngày lễ, cúng kỵ.

c. Điện thờ:

Xây theo hướng Bắc-Nam, gồm 3 gian 2 chái, phía trước có một hành lang, phía sau điện thờ có dãy nhà phụ. Điện xây bằng gạch, vôi vữa, mái lợp bằng Fi-prô xi măng, riêng dãy nhà phụ lợp bằng ngói liệt. Diện tích nhà thờ (không kể hành lang và nhà phụ) là: dài 11.50m, rộng 9.80m và cao 5.50m. Hành lang gồm 4 cột hình trụ xây bằng gạch và xi măng, cao 2.50m, đường kính 0.25m, toàn bộ hành lang có diện tích là 8.50m x 2.50m.

Tiếp giáp với hành lang là mặt trước của điện thờ gồm 3 cửa lớn, mỗi cửa gồm 6 cánh cửa gỗ, kích thước như nhau, mỗi cánh cửa làm hình chữ nhật dài 2.20m, rộng 40cm.

Mặt trước nhà thờ, trên hai cột hai bên cửa chính của gian giữa có hai câu đối sơn son thếp vàng, có chạm chữ Nho nổi đã cũ (nội dung xem phần sau).

Bước qua cửa vào trong điện thờ, ta thấy điện thờ có 4 dãy cột song song nhau gồm 16 cột lớn và 6 cột nhỏ. Các cột đều hình tròn, làm bằng gỗ, cột lớn nhất cao 4.20m, đường kính 0.22m, cột nhỏ nhất cao 2.20m, đường kính 0.2m, trên các dãy cột này đều có các câu đối (trừ dãy cuối cùng) chữ Hán làm bằng gỗ, sơn son thếp vàng kích thước như nhau, dài 2.10m, rộng 24cm và dày 2.5cm.

Ở cột hàng thứ nhất có 2 câu quay mặt vào nhau, ở hàng 2 có 4 câu quay mặt ra ngoài và hàng 3 có 2 câu cũng quay mặt ra ngoài (nội dung xem bản ghi với bản viết riêng kèm theo).

Phía trên cao ngay gian giữa có bức hoành sơn son thếp vàng có chạm nổi 4 chữ Hán tạm dịch "Quốc oai Công từ" bức hoành còn ghi thời gian làm nó vào ngày tốt tháng 2 năm Tự Đức 19 (1866).

Phía dưới ngay tại chính đường đặt một bàn thờ tổ dòng họ, hai phía tả hữu đặt hai bàn thờ các vị quan trong dòng họ có công với nước trước đời Tôn Thất Thuyết.

Phía sau ngăn cách bằng bức tường tại gian giữa đặt bàn thờ phụ thánh Đại thần Tôn Thất Thuyết, hai bên tả hữu thờ hai con của Tôn Thất Thuyết đã có công với nước là Tôn Thất Đạm và Tôn Thất Tiệp.

Dãy nhà phụ được thông với điện thờ bằng hai cửa phụ, ngôi nhà này nguyên gốc do chính Tôn Thất Thuyết cho xây, nhà phụ liền tường với điện thờ, tại đây trên 4 trụ cột của tường có khảm sánh sứ 4 câu đối (xem bản viết kèm theo) và một bức cuộn thư đúc bằng xi măng trên có ghi công đức cúng của để xây dựng và sửa chữa phủ thờ bằng chữ Hán, bức cuộn thư này làm vào năm Bảo Đại 5 (1930). Hai hồi nhà có hai cửa hình tròn thông ra ngoài. Nhà phụ này dùng làm nơi cho con cháu dòng họ chuẩn bị cho cúng kỵ.

d. Mộ Quốc Oai Công Tôn Thất Hiệp:

Cách phủ thờ 8m về phía phải, mộ xây hình lục giác, có cổng vào gồm hai cột hình trụ trên có hai búp sen và nối liền với bờ tường xung quanh, trước mặt mộ có hai tấm bia đá to nhỏ dặt song song nhau. Phía trên mộ có các cánh sen mở rộng, sau mộ thẳng cổng có tấm bình phong hình chữ nhật, hoa văn viền hình mây, giữa tấm bình phong phía trên có 3 chữ Nho dưới là 3 chữ "Quốc Oai Công" tiếng Việt (nghĩa của 3 chữ Nho trên) chữ khảm bằng thuỷ tinh màu. Chân bình phong có đặt một bàn cờ tướng bằng xi măng cách mộ 4m và bên phải có một am thờ ngoài trời.

e. Bình phong:

Cách nhà phụ, chính giữa có bình phong xây bằng gạch, vôi vữa, cao 1.70m, rộng 3m, dày 0.18m.

Theo cụ Tôn Thất Cừ thì tấm bình phong cũng như nhà phụ và cổng hậu đều còn lại từ khi xây dựng phủ đến giờ và không qua sửa chữa, do thời gian tấm bình phong đã bị vỡ mất hai miếng ở hai góc chéo nhau.

f. Cổng hậu:

Thẳng hồi bên phải của phủ kéo dài ra phía sau phủ, cổng cao 4m, dài 12m. Có cấu trúc mái cong, lợp ngói, toàn bộ cổng được xây bằng gạch, đá và vôi vữa. Cổng có một cửa cuốn tròn, kéo ra hai phía tả hữu là hai bức tường phía cuối hai bức tường là hai trụ cột hình vuông nay còn một bên phải.

Mặt sau cổng phía trên có trang trí hoa văn, hai bên có hai câu đối, song do thời gian cùng sự huỷ hoại của thiên nhiên nên không còn đọc được nữa. Đi qua cổng ra mặt sau cổng tiếp giáp với đường làng và bờ sông Như Ý, phía trên cổng có 4 chữ Nho khảm sành bằng chữ Hán, tạm dịch: "ơn nước nghiệp nhà". Phía dưới hai bên cửa của cổng có hai câu đối bằng chữ Hán cũng khảm sành, chân cổng có hai con lân đắp nổi cách điệu trên tường tượng trưng cho dòng dõi dồi dào, vòng theo vòm cửa có hình hai con dơi dang cánh. Nền cửa cổng được lát gạch và đá. Hiện nay dòng họ lấy cổng hậu để đi lại.

V. HIỆN VẬT CÓ TẠI DI TÍCH:

Do thời gian nên các di vật còn lại ít ỏi, chủ yếu là do con cháu bổ sung thêm sau này.

a. Những di vật từ năm 1930 trở về trước:

- 1 chuông đồng (có ghi chữ Nho, xem bản dịch).

- 10 câu đối bằng gỗ sơn son thếp vàng khắc nổi chữ Hán.

- 1 bức hoành sơn son thếp vàng bằng gỗ.

- 1 lư hương sành sứ.

- 1 bức thư quyển bằng xi măng chữ Hán (Bảo Đại 5).

b. Những vật sau này con cháu bổ sung:

- 1 trống gỗ.

- 10 lư hương sành sứ.

- 2 lư hương đồng.

- 8 đèn đồng.

- 8 đèn gỗ.

- 13 quả bồng bằng gang.

- 2 quả bồng bằng gỗ.

- 3 bài vị.

VI. VIỆC THỜ CÚNG VÀ TƯỞNG NIỆM TÔN THẤT THUYẾT:

Việc tổ chức cúng và tưởng niệm Tôn Thất Thuyết hàng năm chủ yếu do con cháu dòng họ tổ chức vào hai ngày 14 và 15 tháng 6 âm lịch. Ngoài ra hàng tháng cứ vào các ngày mồng 1, 14, 15 và 30 là thắp hương tưởng niệm ông và dòng họ. Con cháu dòng họ chỉ tổ chức cơm chay để cúng ông, bởi ông là người mê đạo Phật

VII. LOẠI HÌNH DI TÍCH:

Di tích lịch sử (lưu niệm danh nhân).

VIII. TÌNH TRẠNG BẢO QUẢN DI TÍCH:

Như đã trình bày ở trên, ngôi nhà thờ Tôn Thất Thuyết đã trải qua ba lần xây dựng và tu sửa. Cho đến nay đã hơn 100 năm, thời gian và chiến tranh, sự tác động của các điều kiện thiên nhiên đã ảnh hưởng không nhỏ đến di tích phủ Tôn Thất Thuyết. Đặc biệt do chiến tranh năm 1954 phủ đã bị hư hỏng nặng, phần mái đã phải lợp lại bằng Fi-prô xi măng. Tuy vậy phủ Tôn Thất Thuyết còn lưu giữ được nhiều yếu tố nguyên gốc, phủ luôn được dòng họ quan tâm quét dọn, nhưng chưa có sự đầu tư thích đáng.

IX. ĐÁNH GIÁ GIÁ TRỊ CỦA DI TÍCH :

Trong các di tích lịch sử phản ánh những chân giá trị về những ngày đầu chống quân xâm lược trong cuộc kháng chiến lâu dài anh dũng chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc Việt Nam ở TT-Huế thì di tích lịch sử có giá trị và có ý nghĩa lịch sử phản ánh những giá trị chân - thiện - mỹ của thời đại ông sống và hoạt động, một thời đại đã được ghi vào trang sử dân tộc như một thời kỳ đầy kịch tính, đặc biệt là trong phong trào Cần Vương, hơn nữa cũng để phản ánh những mâu thuẫn trong nội bộ của triều đình Huế đương thời.

Tôn Thất Thuyết và những di tích lịch sử của ông là bằng chứng hùng hồn để chứng minh cho thời kỳ lịch sử đầy biến động đó. Đã phản ánh những tư tưởng và con đường cách mạng của ông là phù hợp với quy luật, phù hợp với tiến độ của lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Ông là lãnh tụ cang cường nhất lúc bấy giờ, tiêu biểu cho ý chí đề kháng, ông là một nhà ái quốc, là tấm gương sáng ngời, là bông hoa trong vườn hoa những anh hùng, những nhà yêu nước của đất nước quê hương, cho muôn đời sau ngưỡng mộ.

Ngoài giá trị về lịch sử, phủ Tôn Thất Thuyết còn là giá trị về kiến trúc xây dựng, là một loại hình trong các loại hình xây dựng phủ thờ trong tổng thể kiến trúc đặc trưng của triều Nguyễn.

X. CƠ SỞ PHÁP LÝ ĐỂ BẢO VỆ DI TÍCH:

Phủ Tôn Thất Thuyết nằm trong danh mục 153 di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn tỉnh TT-Huế, được UBND tỉnh ra quyết định bảo vệ số 1046-QĐ/UBND ngày 8/10/1993.

Hiện nay UBND xã, UBND huyện Hương Thuỷ đã làm việc cụ thể với lãnh đạo và nhân dân địa phương tuyên truyền việc bảo vệ di tích lịch sử lưu niệm danh nhân này.

XI. YÊU CẦU CỦA ĐỊA PHƯƠNG:

Những giá trị về lịch sử văn hoá của di tích phủ Tôn Thất Thuyết đã được lịch sử công nhận. Vì vậy việc lập hồ sơ di tích về phủ Tôn Thất Thuyết là việc làm có ý nghĩa và cần thiết, có tác dụng quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cho nhân dân địa phương, do đó cần sớm hoàn thiện hồ sơ di tích để UBND tỉnh và Bộ VHTT công nhận.

Sau khi di tích đã được công nhận, địa phương và dòng họ có trách nhiệm quản lý và bảo vệ tốt di tích gốc.

- Quan tâm về mọi mặt đối với di tích

- Lập luận chứng tu sửa và tôn tạo khu di tích phủ

- Đưa vào tuyến tham quan cùng với cầu ngói Thanh Toàn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Danh nhân Bình Trị Thiên, NXB Thuận Hoá 1986

2. Huế 1885, Thái Vũ, NXB Thuận Hoá 1985

3. Gia phả dòng họ Tôn Thất Thuyết

4. Chuyền triều Nguyễn - Bửu Kế, NXB Thuận Hoá 1992

5. Tôn Thất Thuyết và vai trò của ông trong cuộc nổi dậy chống Pháp ở Huế năm 1885, Luận văn tốt nghiệp Trương Thị Cúc - ĐHTH Huế 1981.

Quang Được
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Lịch công tác UBND xã
Thứ hai ngày 06/05/2024
Chủ tịch UBND: Dương Anh Tuấn
14:00: Xử lý hiện trường công trình xây dựng
Phó Chủ tịch UBND: Nguyễn Đắc Mùi
14:00: Xử lý hiện trường công trình xây dựng
Thứ ba ngày 07/05/2024
Chủ tịch UBND: Dương Anh Tuấn
08:00: Dự họp giao ban công tác quản lý nhà nước về đất đai
14:00: Dự bàn giao mặt bằng triển khai thi công công trình đường từ HTX Vân Thê đến vườn Lạc Dương nối dài đến khu dân cư xã Thủy Thanh
Phó Chủ tịch UBND: Nguyễn Đắc Mùi
08:30: Họp giải quyết đơn kiến nghị của ông Ngô Tá Nguyên (thôn Lang Xá Cồn)
14:30: Dự phiên làm việc tại nhà ông Ngô Tá Nguyên- thôn Lang Xá Cồn
Phó Chủ tịch UBND: Đặng Văn Hiệp
14:00: Nghiệm thu cơ sở dự án KHCN cấp tỉnh "Chợ quê cầu Ngói Thanh Toàn"
Thứ tư ngày 08/05/2024
Chủ tịch UBND: Dương Anh Tuấn
08:30: Kiểm tra, đánh giá khối lượng bèo trên sông Như Ý năm 2024
Phó Chủ tịch UBND: Nguyễn Đắc Mùi
08:30: Họp giải quyết một số nội dụng liên quan đến công tác quản lý và sử dụng đất nông nghiệp đấu giá thuê đất quỹ đất công ích xã
09:00: Họp giải quyết, xác nhận khối lượng bóc, đổ tầng đất mặt Dự án Trạm biến áp 110kV Huế và đấu nối
Phó Chủ tịch UBND: Đặng Văn Hiệp
08:00: làm việc với Đoàn kiểm tra của Sở GD&ĐT về kết ủa PCGD-XMC trên địa bàn thị xã
14:30: Dự nghe thông báo kết luận
Thứ năm ngày 09/05/2024
Phó Chủ tịch UBND: Nguyễn Đắc Mùi
08:30: Dự tập huấn kỹ thuật nuôi cua đồng thương phẩm trong ao, hồ tại xã
Phó Chủ tịch UBND: Đặng Văn Hiệp
08:00: Dự tập huấn nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ về vai trò, vị trí của công tác chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng thuộc ngành LĐ-TB&XH quản lý
14:00: Họp triển khai Kế hoạch tổ chức "Ngày hội việc làm - Tuyển sinh học nghề gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững" năm 2024
Thứ sáu ngày 10/05/2024
Chủ tịch UBND: Dương Anh Tuấn
08:00 -17:30Tiếp công dân định kỳ UBND xã
09:00: Nghiệm thu công trình Trồng cây xanh đường Tỉnh lộ 1 đoạn từ Cầu Chùa đến nga ba Bàu Súng
10:00: Nghiệm thu công trình Sửa chữa, nâng cấp các hạng mục tại Nhà VHCĐ thôn Vân Thê Đập
14:30: Đến thăm và làm việc tại Trạm y tế
Phó Chủ tịch UBND: Nguyễn Đắc Mùi
09:00: Nghiệm thu giai đoạn công trình Trồng cây xanh đường Tỉnh lộ 1 đoạn từ Cầu Chùa đến nga ba Bàu Súng
10:00: Nghiệm thu công trình Sửa chữa, nâng cấp các hạng mục tại Nhà VHCĐ thôn Vân Thê Đập
15:00: Họp triển khai Tiểu dự án Cải thiện dinh dưỡng - Giảm nghèo bền vững năm 2024
Phó Chủ tịch UBND: Đặng Văn Hiệp
08:00: Dự tập huấn công tác Thi đua - Khen thưởng năm 2024
14:00: Dự Hội nghị Sơ kết công tác Cải cách hành chính quý I năm 2024
Thứ bảy ngày 11/05/2024
Chủ tịch UBND: Dương Anh Tuấn
07:00: Ra quân thực hiện phong trào Ngày Chủ nhật xanh
Phó Chủ tịch UBND: Nguyễn Đắc Mùi
07:00: Ra quân thực hiện phong trào Ngày Chủ nhật xanh
Phó Chủ tịch UBND: Đặng Văn Hiệp
07:00: Ra quân thực hiện phong trào Ngày Chủ nhật xanh
Chủ nhật ngày 12/05/2024
Truyền hình TRT
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 1.405.201
Đang truy cập 43