Trẻ tử vong sau tiêm vắc-xin ở Đồng Nai do sốc nhiễm trùng đường tiêu hóa
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cho biết, Hội đồng tư vấn chuyên môn gồm chuyên gia Viện Pasteur TP.HCM, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã kết luận: bé trai 4 tháng tuổi tại xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai tử vong sau tiêm vắc-xin Quinvaxem do sốc nhiễm trùng đường tiêu hóa, không liên quan tới tiêm chủng.
Trước đó, ngày 7/7, bé được tiêm vắc-xin Quinvaxem mũi 2, uống OPV lần 1 lúc 9g tại Trạm y tế xã Bàu Hàm 2. Cán bộ tiêm chủng tại trạm đã thực hiện đúng các quy định về tổ chức buổi tiêm chủng. Trẻ được tiêm theo đúng quy trình, được theo dõi 30 phút sau tiêm, được tư vấn chăm sóc trong vòng 24 giờ sau tiêm chủng.
Sau tiêm, trẻ vẫn khỏe mạnh bình thường. Đến 23g30 cùng ngày, trẻ có biểu hiện tím tái, mệt mỏi và được đưa đến Bệnh viện đa khoa Dầu Giây.
Trẻ được xử trí hạ sốt, thở oxy và được chuyển ngay lên Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh. Trẻ vào viện với chẩn đoán suy hô hấp, nhiễm trùng huyết, được cấp cứu và hồi sức nhưng không đáp ứng. Sau đó, trẻ nhanh chóng được chuyển tới Bệnh viện Nhi Đồng Nai. Tại đây, trẻ trong tình trạng ngừng thở, ngừng tim, được hồi sức tích cực nhưng không hiệu quả. Trẻ tử vong lúc 3g ngày 8/7.
Xét nghiệm tại Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh và Bệnh viện Nhi Đồng Nai đều có kết quả bạch cầu tăng cao.
Cùng ngày tiêm chủng mở rộng, tại Trạm y tế xã Bàu Hàm 2, có 23 trẻ được tiêm cùng lô vắc-xin Quinvaxem và 24 trẻ được uống cùng lô vắc-xin OPV. Ngoài trẻ tử vong nêu trên, các trẻ còn lại đều có sức khỏe ổn định.
http://phunuonline.com.vn/xa-hoi/y-te/tre-tu-vong-sau-tiem-vac-xin-o-dong-nai-do-soc-nhiem-trung-duong-tieu-hoa/a146588.html
Màu sáp trẻ em sản xuất ở Trung Quốc chứa chất gây ung thư phổi
Trong một báo cáo của nhóm vận động sức khỏe môi trường, sợi amiăng vẫn được tìm thấy trong màu sáp trẻ em hay dùng và các loại đồ chơi khác.
Theo báo cáo của Nhóm Công tác Môi trường (EWG) vào ngày 9-7, ở Mỹ có 4 nhãn hiệu màu sáp và 2 hiệu đồ chơi truy tìm tội phạm, in dấu vân tay của trẻ em có chứa amiăng.
“Chúng tôi rất ngạc nhiên,” tác giả báo cáo Sonya Lunder nói. “Màu sáp và đồ chơi luôn luôn bị phát hiện có amiăng, trong khi các nhà sản xuất đã hứa sẽ giải quyết vấn đề.”
“Tất cả những sản phẩm được kiểm tra có chứa amiăng đều được sản xuất ở Trung Quốc. Điều này gây khó khăn cho việc theo dõi nguồn cung ứng, ban hành và thực thi cam kết không dùng amiăng trong sản phẩm”.
Sonya Lunder còn cho biết, ô nhiễm sợi amiăng - một chất gây ung thư, đã được phát hiện trong vài loại màu sáp từ những năm 2000, và trong đồ chơi truy tìm tội phạm từ năm 2007.
Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ cũng lưu ý rằng sợi amiăng, một loại sợi khoáng mỏng, dài, đã từng được dùng phổ biến với tác dụng cách nhiệt. Mặc dù những sợi này quá bé nên mắt thường không nhìn thấy, sợi amiăng dễ dàng bị hít phải.
Theo thời gian, xước, viêm phổi và suy hô hấp có thể xảy ra, cũng như nguy cơ nó có thể dẫn đến ung thư phổi và u trung biểu mô can – một loại ung thư niêm mạc phổi và bụng hiếm gặp.
Sợi amiăng không còn được dùng sản xuất rộng rãi tại Mỹ. Nó bị cấm trong hầu hết các nước phát triển khác.
Nhóm EWG cho biết, họ đã kiểm tra tổng cộng 28 nhãn hiệu màu sáp và 21 hiệu đồ chơi lấy dấu tay. Và các kết quả dương tính amiăng được kiểm tra lại độc lập bởi phòng thí nghiệm khác.
Các cuộc kiểm tra cho thấy đồ chơi chứa amiăng cao hơn màu sáp. Có đến 1 triệu sợi amiăng trong một cây bút sáp hay trong bột lấy dấu vân tay.
“Chỉ cần một vài sợi amiăng lọt vào trong phổi, nó sẽ ở đó mãi mãi.” Lunder nói. “Và có những chứng cứ rõ ràng rằng amiăng gây ra 2 dạng ung thư, và hàng ngàn người Mỹ đã chết vì bị ‘nhiễm độc’ sợi này”.
Dù nguy cơ rõ ràng có vẻ tương đối thấp, trẻ em dễ bị tổn thương hơn với chất độc và chất gây ung thư. Bởi vì trẻ còn nhỏ, chúng có khoảng thời gian dài để ủ bệnh, phát triển những loại bệnh tích tụ dần theo thời gian.
Theo luật của Cơ quan Bảo vệ Môi trường và Bộ Y tế Mỹ, không có bất kỳ mức độ tiếp xúc với sợi amiăng nào được coi là an toàn. Có những trường hợp người chỉ tiếp xúc với sợi amiăng một thời gian rất ngắn đã phát triển thành bệnh. Và đối với trẻ em, nguy cơ này chắc chắn còn cao hơn.
http://phapluattp.vn/suc-khoe/mau-sap-tre-em-san-xuat-o-trung-quoc-chua-chat-gay-ung-thu-phoi-567809.html
Làm gì khi trẻ bị ngộ độc thực phẩm?
- Các chuyên gia khuyên, khi trẻ có những dấu hiệu bị ngộ độc thức ăn, phải ngừng ngay không ăn món đó nữa.
Các chuyên gia khuyên, khi trẻ có những dấu hiệu bị ngộ độc thức ăn, phải ngừng ngay không ăn món đó nữa. Chăm sóc tại nhà tốt sẽ làm giảm tình trạng bệnh và ngăn ngừa các biến chứng cho trẻ. Khi trẻ bị nôn, nếu trẻ đang nằm, nghiêng đầu trẻ qua một bên để tránh hít sặc. Cần lưu ý, những lúc trẻ bị nôn và cả lúc đang ngủ. Bởi ở nhiều em bé đang ngủ thiếp đi vì quá mệt cũng bị nôn vọt, và nôn trong tư thế nằm như vậy rất nguy hiểm, có thể bị sặc lên mũi, xuống phổi. Khi trẻ nôn bị sặc lên mũi, người lớn phải nhanh chóng dùng miệng hút mũi trẻ nếu không trẻ sẽ bị sặc, khó thở và có thể dẫn đến tử vong.
Bù lượng nước, chất điện giải bị mất cùng với những thay đổi thích hợp trong chế độ ăn sẽ làm giảm các triệu chứng và thúc đẩy sự hồi phục của trẻ. Khi nôn, đi ngoài trẻ mất nước, rối loạn điện giải. Nếu không được bù nước, điện giải bằng oresol trẻ sẽ dần mệt lả, mất nước trầm trọng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng cần pha oresol theo đúng hướng dẫn, cho trẻ uống từ từ, ít một, không uống quá nhiều cùng 1 lúc. Nếu trẻ bị nôn ngay sau khi uống, cho trẻ tạm nghỉ trong 5-10 phút. Nếu uống oresol theo nguyên tắc ít một nhưng mỗi lần uống bé vẫn bị nôn, đi ngoài quá nhiều thì hãy nhanh chóng đưa trẻ tới viện để được bù nước, điện giải bằng truyền dịch.
Tiếp tục cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, không cho trẻ ăn kiêng. Trẻ lớn cho ăn cháo, cơm, súp nghiền để giúp ruột mau hồi phục và hệ men tiêu hóa sớm hoạt động lại bình thường. Trẻ đang còn bú mẹ tiếp tục cho trẻ bú mẹ, tăng lượng sữa so với trước khi trẻ ốm. Thông thường trẻ có thể ăn uống bình thường trở lại sau 24 giờ.
Trẻ bị ngộ độc thức ăn cần được theo dõi thường xuyên nhiệt độ, số lần và tính chất dịch nôn, phân và nước tiểu. Đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế khi trẻ có những dấu hiệu nặng như: nôn nhiều, không thể uống được hoặc bỏ bú, mệt nhiều, chất nôn có máu hoặc ngả màu xanh; trẻ có thêm dấu hiệu khác như sốt cao, phân có máu, trẻ rất khát, đau bụng nhiều, bụng trướng, đau đầu hoặc bệnh kéo dài trên 2 ngày.
Cha mẹ tuyệt đối không cho trẻ dùng thuốc cầm tiêu chảy. Trong nhiều trường hợp, uống thuốc cầm tiêu chảy càng khiến vi khuẩn, độc tố gây ngộ độc thực phẩm lưu lại trong hệ tiêu hóa lâu hơn, khiến người bệnh đầy hơi, chướng bụng, đau bụng vô cùng khó chịu. Mọi thuốc cầm tiêu chảy phải có chỉ định bác sĩ.
http://suckhoedoisong.vn/me-va-be/lam-gi-khi-tre-bi-ngo-doc-thuc-pham-20150708093630648.htm
Sốc: Sai lầm nguy hiểm khi ăn cá có thể khiến bạn bị ung thư gan
Thói quen ăn đồ sống nhất là thủy hải sản sống còn tồn tại ở rất nhiều địa phương chính là nguyên nhân dẫn đến nhiễm ký sinh trùng trong đó có sán lá gan nhỏ.
Nhiễm ký sinh trùng vì ăn thủy hải sản sống
Bác sĩ Bùi Văn Khánh (Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, BV Bạch Mai) còn nhớ 2 trường hợp bệnh nhân bị nhiễm ký sinh trùng do ăn thủy hải sản sống.
Trường hợp thứ nhất là cháu bé 7 tuổi sống ở một vùng quê ven biển. Gia đình em cũng như người dân nơi đây có thói quen ăn hải sản sống.
Một lần em bị các triệu chứng của người dị ứng như ngứa kinh khủng, nổi ban đỏ toàn thân mãi không khỏi nên phải đưa đến điều trị ở bệnh viện Bạch Mai.
Tại đây các bác sĩ cho làm xét nghiệm và xác định em đã nhiễm ký sinh trùng do thói quen ăn hải sản sống.
Năm 1015, cũng tại Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, BV Bạch Mai cấp cứu 1 bệnh nhân có triệu chứng mọc ban đỏ hình lưỡi liềm và hình tròn khuyến toàn thân, các nốt ban nổi gồ trên bề mặt da gây ngứa ngứa trong vòng 3 tháng không khỏi.
Bệnh nhân ban đầu đã được điều trị mề đay nhưng vẫn không kiểm soát được tình trạng ngứa điên dại. Theo điều tra lịch sử ăn uống của bệnh nhân thì thấy người này có thói quen ăn rau sống, cá sống.
Các bác sĩ đã cho xét nhiệm thì thấy bệnh nhân bị nhiễm sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ và giun đũa chó với hiệu giá kháng thể cao.
Theo các bác sĩ, thói quen ăn đồ sống nhất là thủy hải sản sống còn tồn tại ở rất nhiều địa phương. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nhiễm ký sinh trùng trong đó một phần không nhỏ là nhiễm sán lá gan nhỏ.
Theo khảo sát, tỷ lệ nhiễm ấu trùng sán lá ở người tại thành phố Hà Nội là 2%, Hòa Bình 3,2%, Nam Định là 10%.
Sán lá gan nhỏ gây hại như thế nào?
Sán lá gan nhỏ là loại ký sinh trùng có chu kỳ rất phức tạp bao gồm cả người và vật chủ trung gian như cá, ốc... Chu kỳ của chúng được thể hiện như sau:
Trứng sán lá gan nhỏ có trong đường mật của người được bài tiết ra ngoài theo phân. Ở bên ngoài, chúng gặp môi trường nước sẽ tiếp tục phát triền thành ấu trùng lông ký sinh trng vật chủ trung gian thứ nhất là các loài ốc.
Trong ốc, ấu trùng lông phát triển thành những ấu trùng đuôi. Sau đó ấu trùng đuôi rời ốc và tìm đến các loài cá nước ngọt (vật chủ trung gian thứ hai) để cư trú. Tại đây, ấu trùng đuôi phát triển thành các nang ấu trùng nằm trong các thớ thịt của cá.
Ở Việt Nam, những loài cá chép, cá rô, cá diếc, cá mè, trôi... đều có thể là vật chủ trung gian của sán lá gan nhỏ.
Khi con người ăn cá sống hoặc chưa được nấu chín, ấu trùng sẽ theo thức ăn vào đường ruột, sau 15h di chuyển tới ống mật lên gan và sau 26 ngày sẽ phát triển thành sán trưởng thành và gây bệnh.
Sán lá gan nhỏ gây những tổn thương nghiêm trọng ở gan. Chúng gây kích thích thường xuyên đối với gan, đồng thời chiến thức ăn và bài tiết ra nhiều chất độc. Độc tố do sán tiết ra có thể gây nên bệnh dị ứng, thiếu máu, tăng bạch cầu ái toan...
Đồng thời, nếu chúng chui vào ống mật sẽ bám chặt vào ống mật, dùng mồm để hút thức ăn nên lâu dần sẽ dẫn đến xơ hóa gan, cổ trướng, thoái hóa mỡ ở gan, khiến gan bị to ra rõ rệt, ống mật bị giãn nở.
Nếu không được kịp thời, những tổn thương này có thể dẫn đến ung thư đường mật (một dạng của ung thư gan) và ung thư gan.
http://soha.vn/song-khoe/soc-sai-lam-nguy-hiem-khi-an-ca-co-the-khien-ban-bi-ung-thu-gan-20150710034336596.htm
Hàng nghìn nhân viên y tế, công an bị phơi nhiễm HIV mỗi năm
Ông Hoàng Đình Cảnh- Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS- Bộ Y tế cho biết, mỗi năm có hàng nghìn nhân viên y tế, cán bộ công an bị phơi nhiễm HIV.
Nói về vụ việc 18 y, bác sỹ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội bị phơi nhiễm HIV trong quá trình cấp cứu bệnh nhân N.T.T.H (Quảng Ninh), ông cho rằng đây chỉ là một trong số nhiều trường hợp cán bộ y tế bị phơi nhiễm HIV trong quá trình công tác. Tuy nhiên đây là vụ việc khá đặc biệt do cùng lúc số lượng cán bộ y tế mắc phải lớn.
Ông Cảnh cũng thông tin, trong năm 2013, số lượng cán bộ y tế và chiến sỹ công an phơi nhiễm với HIV khi đang làm nhiệm vụ lên tới 914 người, con số này là 951 người trong năm 2014.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc có hay không sự "bất cẩn" của nhân viên y tế trong vụ việc nêu trên khi họ không tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để bảo vệ sức khỏe, ông Cảnh cho rằng: Vụ việc ở BV Phụ sản Hà Nội, cả tập thể y, bác sỹ cùng lao vào cứu sống bệnh nhân trong tình trạng nguy cấp, trong tình huống gấp gáp nên họ không kịp sử dụng các dụng cụ dự phòng an toàn để bảo vệ sức khỏe bản thân.
Ông Nguyễn Khắc Hiền- Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng chung quan điểm khi cho rằng, lúc nguy cấp, y bác sỹ không kịp quan tâm đến sức khỏe và tính mạng bản thân mà chỉ lo cấp cứu cho bệnh nhân qua khỏi.
"Niềm vui, hạnh phúc của nhân viên y tế là quên mình giành giật lại sự sống cho bệnh nhân", ông Hiền nói.
Một vấn đề mà nhiều người bệnh quan tâm đó là việc, các bác sỹ đang bị phơi nhiễm HIV khi làm công tác khám chữa bệnh cho bệnh nhân liệu có gây nguy hiểm (lây nhiễm) cho các bệnh nhân khác.
Về vấn đề này, ông Cảnh cho biết, HIV hoàn toàn không lây nhiễm
qua tiếp xúc thông thường, nên việc các bác sỹ có nguy cơ phơi nhiễm HIV khám chữa bệnh cho bệnh nhân khác hoàn toàn an toàn không có nguy cơ lây nhiễm.
Ông Cảnh cũng cho rằng, không chỉ đối diện với nguy cơ phơi nhiễm HIV mà cán bộ y tế thường xuyên đối diện mối nguy từ bệnh truyền nhiễm, viêm gan B, viêm gan C, HIV...
Chiều ngày 9-7, Bệnh viên Phụ sản Hà Nội tổ chức khen thưởng đột xuất với 18 y, bác sỹ cứu cứu cho bệnh nhân N.T.T.H (Quảng Ninh). Cũng tại buổi lễ, ông Lê Nhân Tuấn- Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Hà Nội cho biết, hiện đã có kết quả xét nghiệm đối với các nhân viên y tế có nguy cơ bị phơi nhiễm HIV. Theo đó, các kết quả xét nghiệm đều âm tính với HIV. Tuy đã có kết quả xét nghiệm bước đầu, nhưng theo ông Tuấn, sau khoảng 20 ngày nữa, Bệnh viện và Trung tâm sẽ tiến hành xét nghiệm lại để khẳng định chính xác những nhân viên này có nhiễm HIV không.
http://www.baohaiquan.vn/pages/hang-nghin-nhan-vien-y-te-cong-an-bi-phoi-nhiem-hiv-moi-nam.aspx
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: "Sẽ giải quyết tối đa các chế độ chính sách"
Trước việc 19 cán bộ nhân viên y tế bị phơi nhiễm HIV sau khi cấp cứu cho một bệnh nhân tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội hôm 4-7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng đây là tai nạn đáng tiếc.
“Tuy nhiên qua đó thể hiện những cán bộ này đã đặt tính mạng bệnh nhân lên trên hết. Chúng tôi hy vọng rằng những người này sẽ không bị nhiễm HIV. Song trong trường hợp không may bị nhiễm, hiện nay thế giới đã có các phương pháp điều trị HIV sớm, có các loại thuốc kháng virus hữu hiệu. Bộ sẽ giải quyết tối đa chế độ chính sách để các cán bộ này đảm bảo sức khỏe, yên tâm tiếp tục công tác”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.
Trả lời câu hỏi “Hiện nay các nhân viên y tế thường xuyên phải đối mặt nguy cơ lây nhiễm bệnh. Vậy ngành y tế sẽ làm gì để tăng cường bảo hộ trong quá trình làm việc?”, Bộ trưởng bộ Y tế cho biết: “Chúng tôi sẽ tăng cường tập huấn hơn nữa từ trung ương đến địa phương, mặt khác, sẽ tuyên truyền giải thích để có sự phối hợp chặt chẽ giữa bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế để các quy trình này điều trị được thực hiện nghiêm ngặt nhất, bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho bệnh nhân cũng như nhân viên y tế. Tuy nhiên, đây là trường hợp hy hữu mà cán bộ y tế đã phải đặt tính mạng người dân lên trên hết”.
http://anninhthudo.vn/thoi-su/bo-truong-bo-y-te-nguyen-thi-kim-tien-se-giai-quyet-toi-da-cac-che-do-chinh-sach/620751.antd
Hướng về cơ sở - Giảm tải bệnh viện: Ðổi thay rõ rệt ở y tế cơ sở
Bệnh viện (BV) Bạch Mai là một trong những BV tiên phong trong việc xây dựng và triển khai Đề án Bệnh viện vệ tinh (BVVT).
Bệnh viện (BV) Bạch Mai là một trong những BV tiên phong trong việc xây dựng và triển khai Đề án Bệnh viện vệ tinh (BVVT). BV đã chủ động xây dựng và triển khai thành công mô hình Đề án BVVT tại 8 tỉnh, từ đó làm cơ sở để Bộ Y tế nhân rộng triển khai trên toàn quốc. Tính đến nay, BV đã có 18 BV thuộc 18 tỉnh/29 tỉnh/thành phố được phân công chỉ đạo tuyến, trong đó 8 BVVT đa khoa; 6 BVVT chuyên ngành tim mạch; 6 BVVT chuyên ngành ung bướu...
Tin tưởng “vệ tinh”
BVĐK Phố Nối (tỉnh Hưng Yên) là một trong những BV được thụ hưởng Đề án BVVT của BV Bạch Mai, mặc dù là BV non trẻ về tuổi đời nhưng sau khi trở thành BVVT của BV Bạch Mai thì chất lượng khám chữa bệnh tại BV này được nâng lên rõ rệt. Chị Nguyễn Thị Thành, cán bộ Công ty may Hồ Gươm, thị trấn Bần Yên Nhân cho biết, trước đây, gia đình chị nếu ai có vấn đề gì là chị thuê xe “chạy” thẳng lên BV Bạch Mai khám, bởi vì theo như chị lý giải, từ nhà lên Hà Nội cũng không xa và tâm lý khám ở BV tuyến trên yên tâm hơn, mặc dù có phải chờ đợi lâu hơn.
Tuy nhiên, trong một lần gia đình có người bị bệnh phải cấp cứu gấp không kịp chuyển lên Hà Nội, các bác sĩ của BVĐK Phố Nối đã cứu sống người nhà, “từ ca bệnh của người nhà được các bác sĩ BVĐK Phố Nối cấp cứu thành công, tôi mới nhận ra rằng chất lượng của BV rất tốt không giống như mình vẫn nghĩ. Hơn thế, BVĐK Phố Nối lại là BVVT của BV Bạch Mai nên tôi tin tưởng vào BV tại địa phương, vì có nhiều cái lợi vừa gần nhà, vừa nhanh lại an tâm về trình độ tay nghề của các bác sĩ..”, chị Thành chia sẻ. BS. Nguyễn Hữu Hoằng - Phó Giám đốc BVĐK Phố Nối (Hưng Yên) cho biết, mặc dù chỉ là một BV hạng 2 nhưng sau khi trở thành BVVT của BV Bạch Mai, chất lượng khám chữa bệnh đã được nâng lên rõ rệt. BV đã được BV Bạch Mai chuyển giao 46 kỹ thuật thuộc nhiều chuyên ngành, trong đó có những kỹ thuật khó, phức tạp được y, bác sĩ của bệnh viện thực hiện thành công...
Thống kê của BVĐK Phố Nối cho thấy, từ khi thực hiện đề án BVVT, tỷ lệ bệnh nhân phải chuyển tuyến trên của BV đã giảm 34,6%.
Cũng giống như BVĐK Phố Nối, BVĐK tỉnh Lào Cai từ khi là vệ tinh của BV Bạch Mai người dân tại vùng biên giới này đã không phải ngược xuôi xuống Hà Nội chữa bệnh. Hiện tại, BVĐK Lào Cai đã làm chủ được kỹ thuật siêu âm tim, siêu âm mạch máu trở thành thường quy tại BV. Trung bình hàng ngày, các bác sĩ thực hiện trên 20 ca siêu âm tim mạch; đã triển khai chụp mạch máu trên 450 ca, phát hiện được một số bệnh lý cần can thiệp. BV cũng đã triển khai Phòng Cấp cứu tim mạch tương đối đầy đủ các trang thiết bị thiết yếu như monitor theo dõi, ôxy trung tâm, holter điện tim, holter huyết áp. BV đã triển khai điều trị truyền hóa chất cho bệnh nhân, chụp cộng hưởng từ tầm soát ung thư, làm các xét nghiệm chẩn đoán ung thư, đặc biệt các xét nghiệm tế bào và giải phẫu bệnh.
Nâng cao năng lực y tế cho các BV tuyến tỉnh
Theo đánh giá của BV Bạch Mai, sau 5 năm triển khai, đề án đã đạt được nhiều thành tựu mang tính đột phá, trong đó đã tổ chức chuyển giao thành công hơn 800 kỹ thuật chuyên sâu và thiết yếu thuộc 20 lĩnh vực chuyên khoa cho trên 3.000 cán bộ, tổ chức thành công 1.000 khóa đào tạo, tập huấn cho khoảng 20.000 lượt cán bộ, góp phần nâng cao năng lực y tế cho các BV tuyến tỉnh. Đáng lưu ý, 8 BVVT của BV Bạch Mai đã thực hiện hầu hết các kỹ thuật được BV Bạch Mai chuyển giao trong đó cả kỹ thuật khó. Điển hình như số ca chụp cộng hưởng từ (MRI) tại các BVVT tăng gần 13 lần, các xét nghiệm, điện não đồ, cũng như các thủ thuật, phẫu thuật tăng gấp 2 lần so với giai đoạn trước đó. Đáng lưu ý, có đến hơn 90% bệnh nhân và người nhà cho rằng các BVVT đã đáp ứng nhu cầu của họ ở mức tốt và rất tốt. Nhờ đó, số lượng chuyển tuyến giảm hẳn, số lượng bệnh nhân điều trị nội ngoại trú đều tăng từ 1,3 đến hơn 2 lần. Đặc biệt, cũng nhờ thành công của đề án này đã giảm 1,5 lần số lượng bệnh nhân tử vong tại 8 địa phương có BVVT.
Cùng với việc triển khai Đề án BVVT, BV Bạch Mai đang triển khai Dự án Norred với quy mô tổng thể và nâng cấp của Đề án BVVT cho 74 BV thuộc 13 tỉnh. GS.TS. Phạm Minh Thông - Phó Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, với Đề án BVVT và Dự án Norred BV Bạch Mai đang xây dựng đồng bộ. Sau 7 năm triển khai Đề án BVVT, BV Bạch Mai cùng các BVVT đã phối hợp tổ chức thành công trên 450 khóa đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho 24.930 lượt học viên với 252 kỹ thuật thiết yếu và chuyên sâu tập trung vào các chuyên khoa tim mạch, hồi sức cấp cứu; ung bướu... trong đó có nhiều kỹ thuật cao và chuyên sâu mới được áp dụng tại Việt Nam như tim mạch can thiệp, điện quang can thiệp, xạ trị...
http://suckhoedoisong.vn/thoi-su/huong-ve-co-so-giam-tai-benh-vien-oi-thay-ro-ret-o-y-te-co-so-20150709235601153.htm
Rau an toàn không đảm bảo vệ sinh
Ngày 9.7, Ban Chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm TP.Hà Nội đã có buổi họp tổng kết công tác an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm. Theo báo cáo, TP đã tiến hành kiểm tra 57.666 lượt cơ sở, trong đó xử lý hành chính 7.113 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, phạt 1.771 cơ sở với hơn 8,8 tỉ đồng.
Kiểm tra của Sở NN-PTNT Hà Nội đối với các cơ sở sản xuất rau an toàn tại 5 quận, huyện gồm: Thanh Trì, Ba Vì, Mỹ Đức, Hà Đông và Từ Liêm phát hiện 36 trường hợp vi phạm trong sản xuất rau an toàn, trong đó có 26 trường hợp vi phạm trong công tác vệ sinh đồng ruộng, 1 trường hợp sử dụng thuốc ngoài danh mục, 3 trường hợp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sai (thuốc trên lúa nhưng dùng cho rau), 6 trường hợp phun phối trộn 3 loại thuốc/bình phun, không đúng quy trình an toàn.
Đại diện Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP.Hà Nội cho biết kiểm tra vừa qua tại một hợp tác xã rau an toàn ở Vân Nội, Đông Anh đã phát hiện mặt hàng tại đây lại không có trong danh mục đăng ký của cơ sở sản xuất; một số loại rau có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng lại đóng gói nhãn mác rau an toàn chuyển vào các siêu thị lớn.
http://www.thanhnien.com.vn/kinh-te/rau-an-toan-khong-dam-bao-ve-sinh-583414.html
Ghép tế bào gốc: Kéo dài sự sống
Nếu các phương pháp hóa trị, xạ trị... đẩy lui bệnh đa u xương tủy từ 65%-70% sau 5 năm thì phương pháp ghép tế bào gốc ngoại vi nâng tỉ lệ này lên 80%-90%
Cách đây 3 năm, khi đang khỏe mạnh và là trụ cột gia đình, anh Phan Xuân Hoàng (36 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) bất ngờ ngã bệnh. Căn bệnh của anh không có gì nghiêm trọng, chỉ biểu hiện qua tình trạng đau nhức xương khớp. Tuy nhiên, dù anh đi khám rất nhiều bệnh viện (BV) nhưng vẫn không tìm ra căn nguyên.
Quá ít bệnh nhân được điều trị
Tình trạng uể oải, đau nhức xương ngày càng nặng khiến anh Hoàng gần như không thể đi lại được; chỉ nằm, ngồi một chỗ. Nhiều người thấy vậy tưởng anh giả bệnh vì họ không tin một người đàn ông trẻ, vóc dáng vạm vỡ như thế mà mắc bệnh, đặc biệt họ đặt nghi vấn vì sao nhiều BV lại không tìm ra nguyên nhân. Quyết không bỏ cuộc, anh gắng gượng đến BV Chợ Rẫy thăm khám. Tại đây, qua một loạt xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện anh bị đa u tủy xương.
Tháng 6-2013, anh được BV Chợ Rẫy thực hiện phương pháp ghép tế bào gốc (TBG) tự thân từ máu được bảo quản đông lạnh để trị đa u tủy xương. Cách ly với thế giới bên ngoài gần một tháng sau ngày ghép, bệnh nhân được xuất viện trong tình trạng sức khỏe hồi phục, không còn đau nhức như xưa. “Đến nay đã 3 năm, tôi thấy mình hoàn toàn khỏe mạnh, lao động bình thường, đặc biệt còn có thể chơi bóng đá tùy thích. Xin tri ân những người giúp tôi trở về cuộc sống bình thường sau chuỗi ngày dài mang căn bệnh ác tính tưởng như bế tắc” - anh Hoàng tâm sự.
Ông Lê Văn Anh (58 tuổi, ngụ TP Đà Nẵng) là một trường hợp khác. Đang công tác trong ngành truyền hình, ông buộc phải tạm gác công việc do bị đau nhức xương sườn không rõ nguyên nhân, đi nhiều nơi cũng không định bệnh được. Cuối năm 2014, ông đến khám tại BV Chợ Rẫy mới phát hiện trên đầu xương sườn có u nhỏ, các bác sĩ kết luận bị đa u tủy sau khi làm các xét nghiệm chuyên sâu. Sau nhiều lần chiếc tách TBG máu ngoại vi, dự kiến ông sẽ được ghép trong tháng 7 này.
PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy, cho biết trường hợp anh Hoàng là ca ghép TBG từ máu tự thân đầu tiên do BV thực hiện. Đến nay, sau 2 năm triển khai, BV đã thực hiện thành công 16 trường hợp (14 ca đa u tủy, 2 ca Lymphoma). Tại Việt Nam, hiện đã có khoảng 100 bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp ghép TBG, được cho là quá ít so với nhu cầu của người bệnh bởi tính riêng BV Chợ Rẫy, mỗi năm tiếp nhận khoảng 100 ca đa u tủy và 200 ca ung thư hạch.
Tuân thủ nguyên tắc vô trùng
Theo các chuyên gia, ghép TBG đang được áp dụng trong nhiều chuyên khoa khác nhau trên thế giới. Phương pháp này đang mở ra triển vọng mới đẩy lùi các bệnh ác tính. Hầu hết bệnh nhân đa u tủy đã được điều trị bằng các phương pháp hóa trị, xạ trị, liệu pháp nhắm trúng đích… nhưng tỉ lệ lui bệnh hoàn toàn chỉ đạt 60% - 70% sau 5 năm. Với phương pháp ghép TBG ngoại vi, tỉ lệ lui bệnh hoàn toàn ở bệnh nhân trong cùng thời gian lên đến 80%-90%.
Bác sĩ Trần Thanh Tùng, Trưởng Khoa Huyết học BV Chợ Rẫy, cho biết qua theo dõi, đến nay tất cả 16 trường hợp được ghép TBG tự thân hoàn toàn khỏe mạnh, không có ca nào tái phát. Có thể nói, họ đã thoát khỏi bệnh tật, quay lại cuộc sống thường ngày.
Theo bác sĩ Tùng, có 2 phương pháp ghép TBG tự thân, đó là dạng tươi hoặc dạng được cấp đông. Trong trường hợp ghép TBG tươi, sau khi được chiết tách sẽ truyền trở lại cho người bệnh trong vài ngày. Còn để ghép TBG cấp đông, tế bào sẽ được lấy từ tủy xương, máu ngoại vi, sau đó bảo quản đông lạnh rồi cũng truyền trở lại cơ thể bệnh nhân theo quy trình điều trị. Phương pháp này không gây đau đớn cho người bệnh.
Các chuyên gia cũng cho biết để ghép TBG, ngoài thái độ hợp tác từ phía người bệnh cần sự cẩn trọng tuyệt đối trong y khoa, đặc biệt là vai trò của người chăm sóc rất quan trọng. Cử nhân Nguyễn Thị Bé Út, Điều dưỡng trưởng Đơn vị Ghép TBG BV Chợ Rẫy, cho biết nguy hiểm nhất là nguy cơ nhiễm trùng ở người bệnh. Vì vậy, yêu cầu cao nhất là tuân thủ nguyên tắc vô trùng một cách tuyệt đối. Người bệnh được cách ly với thế giới bên ngoài và người điều dưỡng thì gần như “sống chung với người bệnh”. Do không được người thân chăm sóc, người bệnh sẽ rơi vào trạng thái tâm lý buồn chán tiêu cực, vì vậy người điều dưỡng cần thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ, đồng thời biết cách trấn an để giúp họ vượt qua bệnh tật. Trong 6 tháng đầu khi bệnh nhân xuất viện, việc ngăn ngừa nhiễm trùng cũng rất quan trọng, người bệnh phải giữ vệ sinh trong ăn uống, sinh hoạt mỗi ngày.
Theo bác sĩ Nguyễn Trường Sơn, trong năm nay sẽ triển khai thêm 6 phòng ghép TBG để đáp ứng nhu cầu đang gia tăng của người bệnh. “Ngoài việc tiếp tục ghép TBG điều trị cho 2 nhóm bệnh đa u tủy và ung thư hạch, tới đây, BV sẽ triển khai ghép TBG cho những nhóm bệnh lý huyết học ác tính khác, hy vọng cứu thêm nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo” - bác sĩ Sơn nhấn mạnh.
http://nld.com.vn/suc-khoe/ghep-te-bao-goc-keo-dai-su-song-20150709204256515.htm