Trước nguy cơ dịch Mers vào Việt Nam: Người dân cứ bình tĩnh
Theo đánh giá của giới chuyên môn tại TPHCM, khả năng bệnh Mers vào Việt Nam là có, tuy nhiên không phải ở mức tràn lan như các bệnh cúm mà chúng ta từng đối phó.
Ngày 9/6, tại cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống dịch, Sở Y tế TPHCM cho biết, thành phố sẽ có 3 nơi cách ly dành cho ca nghi nhiễm MERS-CoV là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 1 và 2. Ban chỉ đạo cho rằng, cần truyền thông làm sao cho người dân hiểu đúng mức, tránh lo lắng thái quá. Đồng thời, cũng phải quan tâm phòng chống các bệnh dịch khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng…
Hạn chế chuyển viện với ca nghi ngờ
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1, vào thời điểm chưa có ca bệnh xâm nhập như hiện nay, điều quan trọng nhất vẫn là yếu tố dịch tễ đi, đến từ vùng dịch. Người dân cần bình tĩnh và hợp tác. Nếu đi từ vùng dịch về, có tiếp xúc với lạc đà hoặc có vào bệnh viện ở Hàn Quốc, Trung Đông thì cần cảnh giác cao hơn. Báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được kiểm soát, phát hiện nhanh.
Bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho rằng, cần hạn chế tối đa việc chuyển bệnh nhân nghi nhiễm về thành phố. Dựa trên quy trình giám sát dịch bệnh của bộ, sở sẽ xây dựng quy trình giám sát các ca nghi ngờ hoặc liên quan yếu tố dịch tễ theo hướng mở rộng các đối tượng.
“Đây là bệnh lây qua đường hô hấp nên yêu cầu đầu tiên với các bệnh viện là tăng cường ngay các hoạt động phòng chống lây lan giữa nhân viên y tế và người bệnh, giữa nhân viên y tế với nhau. Đặc biệt, các bệnh viện sẽ tái huấn luyện và giám sát trở lại quy trình chống nhiễm khuẩn. Hạn chế tối đa việc nghi ngờ rồi chuyển đi lòng vòng, bệnh sẽ có cơ hội lây lan nhiều. Yêu cầu các bệnh viện quận huyện tái lập lại quy trình trước đây đã từng làm trong dịch cúm”, ông nói.
Ông Thượng cho biết, từ 10/6, vào 16h mỗi ngày, Phòng Nghiệp vụ y thuộc Sở Y tế có nhiệm vụ cung cấp thông tin cập nhật về tình hình dịch bệnh cho báo chí.
MERS không lây ngoài cộng đồng
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, cho tới nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn khẳng định MERS-CoV không có tính lây bền vững, nghĩa là chưa có dấu hiệu lây ngoài cộng đồng như các loại cúm khác. “Sơ khai virus này chắc chắn lây từ lạc đà sang người qua tiếp xúc trực tiếp. Thứ hai, nó đã có thể lây từ người sang người. Tuy nhiên, tính lây của nó cho đến nay theo từ chuyên môn là không bền vững. Nghĩa là không giống như cúm phát tán nhanh ngoài môi trường cộng đồng, MERS-CoV chỉ lây ở cự ly tiếp xúc rất gần với người bệnh. Gồm người ở chung nhà, người ở chung phòng bệnh và đặc biệt là nhân viên y tế chăm sóc người bệnh mà không có những biện pháp phòng ngừa”, bác sĩ Khanh nói.
Ông Khanh nói rằng, theo nghiên cứu, virus corona phát triển tốt, lây lan nhiều ở điều kiện nhiệt độ 20 độ C và độ ẩm 40%. “Đó là một lợi thế của các xứ nhiệt đới có điều kiện thời tiết nắng nóng và cũng có thể vì thế càng làm cho tính lây không bền vững của virus tăng lên, không thể lây trong môi trường cộng đồng”, ông khẳng định.
Về ý kiến Trung Đông cũng nắng nóng như Việt Nam, bác sĩ Khanh nói rằng, nghiên cứu đã chỉ ra tất cả những virus có nguồn gốc từ động vật lây sang người, đặc biệt qua đường hô hấp, sẽ có xu hướng gây bệnh nặng hơn. Tuy nhiên, sau đó, khi lây từ người qua người, virus corona lại có vẻ yếu đi, không gây ra ca nặng. “Tình hình ở Hàn Quốc cho chúng ta một câu hỏi, tại sao tỷ lệ tử vong lại thấp hơn nhiều so với Trung Đông? Bởi Trung Đông bị lây trực tiếp từ lạc đà nhiều hơn, còn ở Hàn Quốc chỉ lây từ người sang người”, ông nói. Một yếu tố nữa có thể giải thích cho tốc độ lây nhanh ở Hàn Quốc là dân số già. Thông thường, người lớn tuổi có bệnh nền và dễ bị nặng hơn theo đặc tính chung của virus đường hô hấp.
Du khách Hàn Quốc không nhiễm MERS
Ngày 9/6, Bộ Y tế cho biết, theo báo cáo của Viện Pasteur TPHCM, ngày 8/6, Viện nhận được mẫu bệnh phẩm đề nghị xét nghiệm xác định MERS-CoV. Đây là mẫu bệnh phẩm của bé trai 7 tuổi quốc tịch Hàn Quốc nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu sân bay Cam Ranh, đi du lịch cùng cha mẹ và em trai tại tỉnh Khánh Hòa. Tại sân bay, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Khánh Hòa phát hiện bé có triệu chứng sốt 38 độ C. Khám sàng lọc cho thấy trước đó bé được bệnh viện tại Hàn Quốc chẩn đoán viêm họng, nơi bệnh nhân và gia đình sinh sống không ghi nhận trường hợp mắc MERS cũng như không tiếp xúc với ai nghi ngờ nhiễm MERS. Tuy nhiên, bé đã được chuyển đến bệnh viện tỉnh Khánh Hòa để cách ly, lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur TPHCM xác định. Đồng thời, 3 người trong gia đình cũng được cách ly, khám, tư vấn và lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm âm tính với virus MERS-CoV.
http://www.tienphong.vn/xa-hoi/truoc-nguy-co-dich-mers-vao-viet-nam-nguoi-dan-cu-binh-tinh-870357.tpo
Sẵn sàng các phương án ứng phó với dịch bệnh MERS-CoV
Dịch bệnh MERS-CoV đã được ghi nhận tại 26 quốc gia với tổng số người nhiễm trên toàn cầu là 1.250 người, trong đó 451 người đã tử vong.
Dịch bệnh MERS-CoV đã được ghi nhận tại 26 quốc gia với tổng số người nhiễm trên toàn cầu là 1.250 người, trong đó 451 người đã tử vong. Để ngăn chặn và có những biện pháp đối phó với dịch Mers, ngày 8/6, Bộ Y tế đã tổ chức buổi tập huấn giám sát, điều trị và phòng chống dịch bệnh MERS-CoV cho 63 tỉnh, thành. Cuối giờ chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp tục chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh MERS-CoV cùng với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan.
Chưa ghi nhận trường hợp nhiễm MERS-CoV tại Việt Nam
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh MERS-CoV, ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nhiễm MERS-CoV. Trước những diễn biến nghiêm trọng của dịch bệnh từ Hàn Quốc, mấy ngày gần đây đã xuất hiện tâm lý hoang mang của người dân trong nước trước thông tin đã có trường hợp mắc MERS-CoV tại Việt Nam. Về thông tin này, ông Phu khẳng định, đã có 4 trường hợp có biểu hiện sốt, ho đi từ vùng có dịch trở về nghi nhiễm MERS-CoV và đã được cách ly, làm xét nghiệm. Kết quả cho thấy cả 4 trường hợp đều âm tính với MERS-CoV.
Cũng theo ông Phu, các cơ sở được chỉ định xét nghiệm MERS-CoV của ta đều đủ điều kiện xét nghiệm phân lập và cho kết quả chính xác. Các trường hợp được xét nghiệm phải có các triệu chứng điển hình và có tiền sử dịch tễ (tiếp xúc gần người bệnh, đi về từ vùng có dịch; ngồi cùng hàng ghế người nhiễm, trong gia đình có người mắc...).
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế nhận định, thực tế các dịch bệnh cúm A/H1N1, cúm A/H5N1, SARS... ở Việt Nam cho thấy phần lớn các ca bệnh đều phát hiện trong bệnh viện (BV), bởi vậy việc kiểm soát nhiễm khuẩn trong BV phải đặt lên hàng đầu.
Để phòng chống dịch MERS-CoV hiệu quả, Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế đã có kế hoạch thu dung, phân tuyến điều trị nhằm chủ động chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh này; đồng thời hạn chế lây nhiễm trong BV, hạn chế tử vong; duy trì hoạt động của các BV trong trường hợp dịch lan rộng. Theo đó, các BV tuyến cuối gồm: BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, BV Bạch Mai, BV Nhi Trung ương, BV Trung ương Huế, BV Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh, BV Nhi đồng 1 và 2, BV Chợ Rẫy điều trị những ca xâm nhập đầu tiên, những ca nặng, khó; xây dựng hướng dẫn chuyên môn, phác đồ chẩn đoán, điều trị; phối hợp tập huấn cho các địa phương.
Tại hội nghị, đại diện của các bộ, ban, ngành cho biết đã có những động thái tích cực và khẩn trương trong hoạt động phòng chống dịch bệnh MERS-CoV như: Bộ Quốc phòng sẵn sàng chuẩn bị các BV dã chiến; Bộ Ngoại giao: đưa các thông tin cảnh báo lên cổng thông tin của Bộ; Bộ Giao thông Vận tải: đã có văn bản gửi các đơn vị trong ngành và đặc biệt nhấn mạnh Cục Hàng không;...
Liên quan đến lao động nước ngoài, đại diện Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội cho biết, hiện có khoảng 500.000 người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài. Trong đó, thị trường Hàn Quốc có khoảng 60.000 người (bao gồm khoảng 17.000 lao động bất hợp pháp). Trong tháng 6 sẽ có hơn 200 người về nước, cao điểm tháng 7 và 8 sẽ có hơn 1.000 lao động hết hạn về nước. Còn tại khu vực Trung Đông có khoảng 20.000 lao động. Bộ đã đề nghị các doanh nghiệp đưa ra hướng dẫn bệnh MERS cho lao động Việt Nam tại các nước này. Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị xuất khẩu lao động có các biện pháp tuyên truyền theo khuyến cáo của Bộ Y tế, nắm bắt được các tình hình của người lao động Việt Nam tại các vùng dịch. Ngoài ra, một nhóm có nguy cơ lây lan bệnh nữa là từ các khách du lịch Hàn Quốc tới Việt Nam chủ yếu qua đường hàng không (Sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng). Vì vậy, từ ngày 5/6, Tổng cục Du lịch đã gửi công văn đến các địa phương, các công ty du lịch khuyến cáo các công ty du lịch và các doanh nghiệp không tổ chức du lịch cho người dân tới vùng có dịch. Thường xuyên cập nhật thông tin và gửi tới khách du lịch khuyến cáo của Bộ Y tế.
Trung tâm Kiểm dịch - Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 1/6 đến hôm nay, số lượng khách từ Hàn Quốc đến Việt Nam đã giảm. Do truyền thông hiệu quả nên người khách cũng rất có ý thức phòng bệnh khi tới Việt Nam (dùng khẩu trang và làm tờ khai y tế). Tuy nhiên cũng nên cảnh giác bởi có người có biểu hiện triệu chứng bệnh, có người không biểu hiện.
Tiểu ban Truyền thông phòng chống dịch của Bộ Y tế, ông Nguyễn Đình Anh cũng cho biết, từ ngày 8/6, Bộ Y tế đã ký văn bản gửi Đài Truyền hình Việt Nam đề nghị tăng thời lượng phát sóng các tin bài về phòng ngừa bệnh MERS-CoV và từ ngày 8/6 tới cuối tuần sau, Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng - Bộ Y tế sẽ phối hợp với các báo điện tử tổ chức tọa đàm về Mers. Ngày 10/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trực tiếp trả lời những thắc mắc về dịch bệnh MERS-CoV của người dân trên báo điện tử suckhoedoisong.vn.
Đẩy mạnh truyền thông, dập dịch ngay từ đầu, không để dịch lan rộng
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy, đây là quốc gia phát triển và đã được cảnh báo dịch, tuy nhiên diễn biến dịch vẫn phức tạp với 95 ca bệnh được ghi nhận (trong đó 7 ca tử vong) tính đến nay. Vì vậy, Việt Nam phải chuẩn bị sẵn sàng về chuyên môn, kỹ thuật, chú trọng công tác cách ly và chống nhiễm khuẩn lên số 1, đặc biệt là đẩy mạnh phối hợp truyền thông, không cho dịch xâm nhập vào trong nước; nếu xâm nhập thì không để lan rộng và phải cố gắng dùng những điều kiện tốt nhất cứu chữa bệnh nhân.
Theo Bộ trưởng, thực tế đã chứng minh, làm tốt truyền thông, hiệu quả phòng chống dịch rất cao. Ca nghi nhiễm MERS-CoV ở TP.HCM là một bằng chứng sinh động. Đó cũng là hiệu quả của hoạt động áp dụng tờ khai ở Sân bay Tân Sơn Nhất. Cũng nhờ công tác truyền thông, giám sát kịp thời, ca nghi ngờ mắc đã được phát hiện, cách ly và theo dõi. Bệnh nhân cũng đã được xét nghiệm và khẳng định kết quả âm tính với MERS-CoV.
Bộ trưởng cho biết, ngày 5/6, Bộ Y tế đã thành lập 4 đội đáp ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh MERS-CoV tại các khu vực: miền Bắc, miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên. 4 đội này có nhiệm vụ thường trực công tác phòng chống dịch bệnh MERS-CoV trên địa bàn phụ trách; sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ chỉ đạo điều tra, giám sát, xác minh, tổ chức các hoạt động cách ly, điều trị bệnh nhân và triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh khi có trường hợp nghi ngờ hoặc mắc bệnh MERS-CoV xảy ra trên địa bàn.
Theo Bộ trưởng, khi dịch chưa vào Việt Nam, trước hết phải kiểm soát chặt khâu nhập cảnh. Công tác này đã được triển khai khá tốt (như những tờ khai ở sân bay)... Bộ Y tế đã đưa ra 3 tình huống để chuẩn bị sẵn sàng ứng phó và phòng, chống dịch. Cụ thể, tình huống 1 là chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam. Thực hiện giám sát, dự phòng tại BV, cộng đồng đối với những trường hợp viêm đường hô hấp cấp, hội chứng cúm tại các BV, các trường hợp nghi ngờ, có tiền sử đi từ khu vực có dịch, báo cáo ngay lập tức khi có ca bệnh nghi ngờ theo quy định. Với tình huống 2 là xuất hiện các ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam, ngành y tế sẽ khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan ra cộng đồng. Tình huống 3 là khi dịch lây lan trong cộng đồng, ngành y tế sẽ đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để ổ dịch, điều trị tích cực nhằm hạn chế thấp nhất tử vong và giảm lây lan ra cộng đồng.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng chỉ đạo các BV thực hiện phác đồ điều trị, dự trù thuốc men lấy nguồn từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
http://suckhoedoisong.vn/thoi-su/san-sang-cac-phuong-an-ung-pho-voi-dich-benh-mers-cov-20150609220540008.htm
Bé trai Hàn Quốc du lịch tại Khánh Hoà bị sốt
xét nghiệm âm tính với Mers-CoV
Khi nhập cảnh tại sân bay, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Khánh Hòa phát hiện bệnh nhân có triệu chứng sốt 38 độ C.
Theo báo cáo của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 8/6/2015 Viện nhận được mẫu bệnh phẩm đề nghị xét nghiệm xác định MERS-CoV. Đây là mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân nam, 7 tuổi quốc tịch Hàn Quốc nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu sân bay Cam Ranh, đi du lịch cùng cha mẹ và em trai tại tỉnh Khánh Hòa.
Khi nhập cảnh tại sân bay, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Khánh Hòa phát hiện bệnh nhân có triệu chứng sốt 38 độ C. Qua khám sàng lọc cho thấy bệnh nhân trước đó đã được bệnh viện tại Hàn Quốc chẩn đoán viêm họng, nơi bệnh nhân và gia đình sinh sống không ghi nhận trường hợp mắc MERS-CoV cũng như không tiếp xúc với ai nghi ngờ nhiễm MERS-CoV.
Tuy nhiên để tăng cường giám sát phòng chống MERS-CoV, bệnh nhân đã được chuyển đến bệnh viện tỉnh Khánh Hòa để cách ly, lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh xác định. Đồng thời 3 người trong gia đình cũng được cách ly, khám, tư vấn và lấy mẫu xét nghiệm.
Sau khi nhận được bệnh phẩm của bệnh nhân đến 14h30 ngày 8/6/2015 Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút gây MERS-CoV bằng phương pháp RT-PCR.
http://suckhoedoisong.vn/thoi-su/be-trai-han-quoc-du-lich-tai-khanh-hoa-bi-sot-xet-nghiem-am-tinh-voi-mers-cov-20150609104159362.htm
Môi trường lây nhiễm MERS-CoV cao nhất là ở bệnh viện
Theo chuyên gia WHO và USCDC, môi trường bệnh viện là nơi lây nhiễm MERS-CoV cao nhất (chiếm hơn một nửa các ca bệnh).
Thông tin tại hội nghị trực tuyến tập huấn giám sát, điều trị và phòng chống dịch bệnh MERS-CoV do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội chiều 8/6, chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (USCDC) cho biết, môi trường bệnh viện là nơi lây nhiễm MERS-CoV cao nhất (chiếm hơn một nửa các ca bệnh). Trong khi đó, lây truyền tại hộ gia đình ít xảy ra hơn, chỉ chiếm khoảng 4% trong số những người phơi nhiễm bệnh. Không có bằng chứng về sự lây truyền tiếp theo trong cộng đồng qua các chùm ca bệnh.
Các chuyên gia thế giới cũng nhấn mạnh, ổ chứa MERS-CoV rõ ràng nhất là trên lạc đà ở vùng Trung Đông, vi rút lây truyền từ lạc đà sang người gây ra các vụ dịch rải rác trong bệnh viện tại vùng Trung Đôngvà điều này nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn trong nhiều năm. Việc lây truyền từ người sang người tại cộng đồng chưa được phát hiện, duy nhất 1 trường hợp nghi ngờ bị lây nhiễm tại môi trường làm việc. Nhiều khả năng vi rút lây lan thông qua các giọt dịch tiết hô hấp và bề mặt hoặc tay bị nhiễm vi rút, do đó việc kiểm soát tốt nhiễm khuẩn có thể ngăn chặn lây truyền trong bệnh viện.
Đối với các ca bệnh tại Hàn Quốc, các chuyên gia cho biết, kết quả giải trình tự gen từ vi rút phân lập cho thấy, vi rút gây bệnh tại Hàn Quốc rất giống với vi rút hiện lưu hành tại Trung Đông.
Lời khuyên của các chuyên gia với các du khách tới Trung Đông là cẩn trọng khi tới các nông trại hoặc những nơi có lạc đà, nhất là khi đang có sẵn các bệnh tiềm tàng; tránh tiếp xúc với động vật/ lạc đà ốm; thường xuyên rửa tay sạch; thực hiện ăn uống sạch, tránh uống sữa tươi hay ăn các thực phẩm có nguy cơ ô nhiễm hoặc chưa chế biến kỹ.
http://suckhoedoisong.vn/thoi-su/moi-truong-lay-nhiem-mers-cov-cao-nhat-la-o-benh-vien-20150608175650264.htm
Đau mắt đỏ khi nào cần đi khám?
Đau mắt đỏ là cách nói dân gian của bệnh viêm kết mạc cấp do Adenovirus. Bệnh thường xảy ra vào mùa mưa và lây lan nhanh chóng gây nên dịch đau mắt đỏ.
Bệnh đau mắt đỏ lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh như nước bọt, ghèn mắt, nước mắt…, và qua tiếp xúc trực tiếp như: dùng chung khăn, gối, tay bị nhiễm dụi vào mắt. Muốn tránh lây lan, người bệnh phải đeo khẩu trang, đeo kính vừa để bảo vệ mắt vừa tránh dụi mắt, không dùng chung đồ đạc với người khác, tránh sinh hoạt chung trong phòng máy lạnh hay phòng kín gió. Không cần nhỏ thuốc khi chưa mắc bệnh, vì thuốc nhỏ mắt không phòng ngừa được bệnh đau mắt đỏ.
Khi bị nhiễm Adenovirus, bệnh nhân có triệu chứng giống bị nhiễm siêu vi như hơi nóng sốt, hơi mệt mỏi, đau họng, nhưng những triệu chứng này rất mơ hồ, thường có đau hạch trước tai (đụng vào rất đau). Tại mắt còn có những triệu chứng đặc trưng như: đau, đỏ, cộm, xốn cả hai mắt, chảy nước mắt, sưng phù mi nhưng nhìn không bị mờ, dịch tiết (ghèn) ở mắt thường trong, nhiều hay ít tùy trường hợp, ghèn làm dính mi khi ngủ dậy. Khi bị bội nhiễm vi trùng, ghèn thường đục, nhiều và màu vàng. Nếu không bị bội nhiễm hay biến chứng, bệnh sẽ tự khỏi sau 7 - 10 ngày.
Khi phát hiện mắt đỏ hay cảm giác khó chịu ở mắt, người bệnh nên đi khám bệnh tại bác sĩ chuyên khoa mắt để được hướng dẫn đúng và kịp thời, đồng thời phát hiện những bệnh nguy hiểm khác có thể nhầm vớiđau mắt đỏ như: glocoma, viêm màng bồ đào, viêm loét giác mạc… Bệnh nhân cần đeo khẩu trang, đeo kính, tránh dùng chung đồ dùng với người khác và tránh đến nơi đông người ít nhất 3 - 5 ngày. Không dùng cùng một lọ thuốc nhỏ mắt cho nhiều người; nên dùng bông gòn sạch thấm dịch tiết nhẹ nhàng một lần rồi bỏ đi, tránh dụi mắt, tránh chạm vào bên trong mắt, nhất là tròng đen có thể gây viêm hay loét giác mạc. Cần rửa tay bằng xà bông nhiều lần trong ngày, trước và sau khi tra thuốc nhỏ mắt.
Việc điều trị bệnh không thể diệt được virút gây bệnh mà chỉ điều trị tùy theo triệu chứng:
- Nếu mắt đỏ ít, không sưng phù nhiều, ghèn trong, chỉ cần nhỏ nước muối sinh lý.
- Nếu có ghèn đục có thể nhỏ kháng sinh.
- Chỉ dùng thuốc kháng viêm sau khi đã được bác sĩ mắt khám và kê toa. Tự ý mua thuốc kháng viêm nhỏ mắt có thể dẫn đến biến chứng trên giác mạc, tăng nhãn áp…
- Có thể dùng kháng sinh toàn thân nếu bác sĩ thấy cần thiết.
Bệnh thường xảy ra theo mùa, nhất là những tháng giao mùa giữa mùa hè và mùa thu hay mùa đông. Việc phòng ngừa rất cần thiết, nhất là ở những người có cơ địa yếu, khả năng miễn dịch không bình thường như: những người lớn tuổi, người bị bệnh mạn tính, sử dụng thuốc chống viêm và ức chế miễn dịch, trẻ em… bằng cách rửa tay sạch, tránh tiếp xúc với những bệnh nhân bị đau mắt đỏ. Tránh đến nơi đông người như: nhà hàng, khách sạn, quảng trường, bệnh viện… khi mùa dịch đến.
http://suckhoedoisong.vn/ban-can-biet-ve-y-hoc/dau-mat-do-khi-nao-can-di-kham-20150603150536195.htm
Cách phòng ngừa các bệnh răng miệng
Như chúng ta đã biết sâu răng nói riêng và các bệnh về răng miệng nói chung là một trong 3 tai họa lớn của loài người vì tính phổ biến, không hòan nguyên, việc điều trị tốn kém.
Như chúng ta đã biết sâu răng nói riêng và các bệnh về răng miệng nói chung là một trong 3 tai họa lớn của loài người vì tính phổ biến, không hòan nguyên, việc điều trị tốn kém. Vấn đề đặt ra là:chúng ta phải làm gì để ngăn ngừa bệnh xảy ra, kiểm sóat bệnh ở mức thấp nhất có thể?
Hơn bao giờ hết mỗi người trong chúng ta phải tự giữ gìn răng miệng của chính mình được tốt. Đồng thời chúng ta cũng cần có sự cộng tác với cán bộ Y Tế nói chung và bác sĩ răng hàm mặt nói riêng để chăm sóc tốt cho răng miệng của chính chúng ta.
Hướng dẫn vệ sinh răng miệng: chải răng, sử dụng chỉ nha khoa đúng cách, các cách bảo vệ để có hàm răng chắc khỏe, ...
Phòng ngừa sâu răng với trám bít hố rãnh bằng Sealant (nhất là đối với răng trẻ em): trám bít hố rãnh, ngậm fluor ngừa sâu răng và giúp răng chắc khỏe.
Khám răng định kỳ: để phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh về răng miệng.
http://suckhoedoisong.vn/ban-can-biet-ve-y-hoc/cach-phong-ngua-cac-benh-rang-mieng-20150605153747812.htm
Nguy hại khôn lường khi sử dụng phấn rôm
Phấn rôm được sử dụng nhiều nhất là cho trẻ nhỏ.Nhiều bậc cha mẹ sử dụng phấm rôm nhưng không biết rằng loại phấn này có thể gây hại thậm chí là ung thư cho người sử dụng.
Đây là một khoáng chất, có thành phần cấu tạo chủ yếu là silicate magnesium ngậm nước, điều chế thành dạng bột phấn. Bột này vẫn được sử dụng trong công nghiệp để làm thức ăn cho vật nuôi, dây cáp, gạch men, mỹ phẩm và trong một số loại thuốc viên không gây phản ứng phụ hay ngộ độc.
Phấn rôm là mỹ phẩm được sản xuất từ một khoáng chất rất mềm là bột talc nghiền mịn. Phấn rôm có nhiều công thức hóa học pha chế khác nhau tùy nơi sản xuất, nhưng thành phần chính là bột talc, muối canxi, muối kẽm; chất béo và một số chất tạo mùi thơm. Bột talc có khả năng hút ẩm nên được dùng để thoa vào các vùng da có nếp gấp như cổ, bẹn, nách, tránh bị hăm, ẩm ướt.
Phấn rôm thường được các bậc bố mẹ dùng xoa ngoài da cho trẻ em, nhất là vào những ngày hè. Tuy nhiên ít ai biết được tác hại khôn lường từ phấn rôm gây ra.
Trong những ngày hè, phấn rôm thường được các bậc phụ huynh dùng xoa ngoài da trẻ nhỏ, để giúp da trẻ thơm tho, tránh rôm sảy, mẩn ngứa. Tuy nhiên, việc lạm dụng phấn rôm có thể gây những tác hại khó ngờ đến sức khỏe.
Phấn rôm được sản xuất từ khoáng chất rất mềm là bột talc nghiền mịn. Có nhiều công thức hóa học pha chế phấn rôm tùy nơi sản xuất nhưng thành phần chính vẫn là bột talc, muối calci, muối kẽm, chất béo và một số chất tạo mùi thơm. Tuy nhiên, việc lạm dụng phấn rôm có thể gây những tác hại khó ngờ đến.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cũng khuyến cáo không nên sử dụng phấn rôm cho trẻ em bởi loại phấn này không có tác dụng trị rôm sảy như mọi người nghĩ, thậm chí còn làm bít lỗ chân lông của trẻ, làm các bệnh hăm da, viêm da nặng hơn khi không dùng.
Những thành phần khác có trong phấn rôm là canxi, kẽm, chất béo và dầu thơm. Với thành phần trên, nếu chỉ bôi ngoài da phấn rôm không gây tác động xấu tới sức khỏe của trẻ, nhưng nếu sử dụng sơ ý để trẻ hít phải phấn rôm thì thật nguy hiểm. Thói quen dùng phấn rơm quá dễ dãi, không đúng cách có thể gây nguy hiểm khi trẻ hít phải hoặc do bôi phấn lên những vùng da nhạy cảm.
Ngộ độc do hít phải phấn rôm xảy ra do ta sử dụng thường xuyên không đúng cách hoặc do trẻ lấy phấn rôm chơi nghịch và hít phải.
Ngay viện Hàn lâm Nhi khoa của Mỹ cũng cảnh báo các bậc cha mẹ không nên sử dụng phấn trẻ em, đặc biệt là các loại bột có chứa talc. Khoáng chất này có thể dễ dàng phát tán trong không khí. Khi hít vào, biểu hiện đầu tiên xảy ra ở trẻ em là khô màng nhầy, khiến trẻ hít thở khò khè.
Bên cạnh đấy, việc sử dụng phấn rôm còn có thể gây ra những tác hại khôn lường đối với trẻ em như bệnh hô hấp. Khi trẻ hít phải phấn rôm sẽ bị ho, khó thở, hắt hơi, sổ mũi, nôn ói, tím tái và có thể bị phù phổi.
Thông tin mới đây đưa cảnh báo phấn rôm có liên quan đến bệnh ung thư buồng trứng ở phụ nữ. Cụ thể Tiến sĩ Daniel Cramer, nhà dịch tễ học người Mỹ ước tính có ít nhất 10.000 phụ nữ bị ung thư buồng trứng do có tiếp xúc trực tiếp hàng ngày với phấn xoa da trẻ em. Nhiều nghiên cứu trước đó cũng nói rằng phấn rôm làm tăng nguy cơ ung thư ở các bé gái.
Phụ nữ đôi khi bôi bột talc để tránh cọ xát giữa đùi trong khi mặc váy. Vận động viên cũng có thể dùng bột talc trước khi mặc y phục thi đấu để giúp hút mồ hôi và tăng sự thoải mái. Bột talc cũng được sử dụng cho những người nằm liệt giường, đặc biệtngười có các nếp gấp dày có thể gây ẩm ướt da, để giúp ngăn chặn sự phát triển của phát ban và vết loét.
Trẻ sơ sinh hít phải bột phấn rơm có thể bị ho, khó thở, hắt hơi, sổ mũi, nôn ói, tím tái và bị phù phổi. Biểu hiện lâm sàng thường nặng dần theo thời gian, nặng thì viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, xẹp phổi, tràn khí màng phổi và tắc nghẽn tiểu phế quản.
Người hít phải phấn rôm bôi da lâu ngày còn có thể gây “bệnh bụi phổi” do thành phần bột talc, silica và amian tích tụ lâu ngày trong phổi, gây xơ hóa mô kẽ và tạo các u hạt. Biện pháp loại thải độc chất thông thường không có tác dụng đối với ngộ độc do hít phải phấn rôm. Bệnh chỉ có thể chữa trị triệu chứng và không có thuốc giải độc đặc hiệu. Những trường hợp ngộ độc hô hấp do phấn rôm cần được theo dõi lâu dài di chứng tắc nghẽn về sau.
Tiếp xúc lâu ngày với phân rôm, các khối u ở một số động vật thí nghiệm cũng phát triển thêm. Người ta đã được chứng minh bột talc có thể gây ra các khối u ác tính trong buồng trứng và phổi ở người. 30 năm qua, các nhà khoa học đã xem xét kỹ lưỡng hạt talc và nhận thấy chúng có mức độ nguy hiểm tương đương với amiăng.
Rất nhiều nghiên cứu cho thấy có mối liên quan chặt chẽ giữa việc sử dụng thường xuyên bột talc ở vùng sinh dục phụ nữ và ung thư buồng trứng. Người ta đã tìm thấy những hạt talc trong các khối u buồng trứng ở phụ nữ khỏe mạnh đã sử dụng phấn rôm ở vùng sinh dục thường xuyên.
TS.BS Ngô Hồng Phong, chuyên ngành da liễu, Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc, Hà Nội nhận định: “Trước đây người ta hay dùng phấn rôm để làm dịu mát da cho trẻ và trị hăm da, nhưng hiện nay, các chuyên gia đều khuyến cáo không nên dùng phấn rôm, đặc biệt tối kỵ việc hít phải bụi phấn, gây hại đường hô hấp, nhất là với trẻ em”.
Ông cũng khuyên chị em không nên dùng phấn rôm để bôi lên mặt bởi vừa gây bí lỗ chân lông vừa dễ hít phải các chất độc.
http://khoe360.tienphong.vn/gia-dinh-suc-khoe/nguy-hai-khon-luong-khi-su-dung-phan-rom-869796.tpo