Tìm kiếm tin tức
DANH MỤC
.
 
           
            
           
         
         
    
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Điểm báo điện tử ngày 22/5/2015
Ngày cập nhật 22/05/2015

6 lợi ích tuyệt vời của yoga đối với tim mạch

Yoga có thể làm giảm căng thẳng, trầm cảm và lo âu nhờ các bài tập chú trọng đến nhịp thở và sự tịnh tâm.

Yoga tăng cường hoạt động thể chất Không hoạt động thể chất là nhân tố chính gây bệnh tim. Nghiên cứu cho thấy người tập yoga sẽ dễ tuân thủ thói quen tập thể dục và có thể chất tốt hơn. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyên bạn nên tập yoga cường độ vừa phải, ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày trong tuần để cải thiện sức khỏe tim mạch.

Yoga giúp giải tỏa căng thẳng

Tuy chưa có bằng chứng cho thấy stress góp phần gây ra bệnh tim nhưng nó có thể làm tăng các hành vi và yếu tố dẫn đến bệnh tim như huyết áp cao, khói thuốc, không hoạt động thể chất và ăn quá nhiều. Yoga có thể làm giảm căng thẳng, trầm cảm và lo âu nhờ các bài tập chú trọng đến nhịp thở và sự tịnh tâm.

Yoga làm giảm huyết áp

Yoga có thể giúp bạn kiểm soát tình trạng tăng huyết áp. Một nghiên cứu khoa học cho thấy huyết áp người tập yoga ít nhất 8 tuần sẽ giảm nhẹ so với người không tập thể dục.

Yoga cải thiện sức bền của tim

Tập luyện yoga giúp cải thiện sức bền của tim và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân có vấn đề về tim mạch. Với các bệnh nhân kết hợp tập yoga với chăm sóc y tế thông thường, họ sẽ có cơ thể dẻo dai hơn, giảm viêm cơ tim và có chỉ số chất lượng cuộc sống cao hơn.

Yoga giúp tim đập đều đặn hơn

Rung tâm nhĩ là tình trạng nhịp tim đập nhanh và không đều, có thể dẫn đến đột quỵ và các biến chứng khác. Nhờ luyện tập yoga, chứng rung tâm nhĩ sẽ giảm bớt, nhịp tim cũng chậm hơn và huyết áp giảm.

Yoga cải thiện tâm trạng

Sau cơn đau tim hoặc các biến chứng tim mạch khác, nhiều bệnh nhân có thể cảm thấy bị cô lập với xã hội, lo sợ không thể làm được những việc mà trước đây họ có thể làm. Trong trường hợp đó, yoga chính là liều thuốc giúp làm dịu đi cảm giác trầm cảm và bị cô lập. Các lớp học yoga là môi trường an toàn để họ kết nối với nhau, cải thiện tương tác xã hội để người bị bệnh tim thấy thoải mái hơn, từ đó việc chữa bệnh cũng dễ dàng hơn.

http://www.24h.com.vn/suc-khoe-doi-song/6-loi-ich-tuyet-voi-cua-yoga-doi-voi-tim-mach-c62a709945.html

 

Dễ nhiễm bộ 3 chất độc hại vì sơn móng

 Rất nhiều quý bà, quý cô sẽ không bao giờ ra khỏi nhà khi các móng tay chưa được phủ một lớp sơn bóng mượt. Tuy nhiên, một nhà khoa học Mỹ cho biết các hoá chất trong sản phẩm chăm sóc móng tay có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khoẻ chúng ta.

Bộ ba độc hại

Các sản phẩm chăm sóc móng tay có chứa nhiều thành phần độc hại và nguy hiểm với hàm lượng khác nhau.

Các chất nguy hiểm này bao gồm các hợp chất gây ung thư như formaldehyde và cùng toluene và dibutyl phthalate, chúng trở thành bộ 3 độc hại.

Cụ thể, Toluene là một dung môi thường có trong các sản phẩm giúp giữ màu cho móng tay và cũng là 1 chất phụ gia trong xăng. Nó có thể gây ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương và gây hại cho hệ thống sinh sản.

Còn formaldehyde, một chất gây ung thư, có tác dụng là cứng móng và khử trung các dụng cụ chăm sóc móng.

Tiếp xúc với phthalate dibutyl, một hoạt chất có trong sơn bóng, sẽ gây ra các vấn đề về sinh sản.

Ngoài bộ ba chất độc này, có rất nhiều hóa chất độc hại khác được sử dụng trong các sản phẩm chăm sóc móng và chúng có liên quan với nhiều loại bệnh khác nhau, từ ung thư đến vô sinh.

Ai có nguy cơ cao?

Theo TS Thu Quach, chuyên gia Dịch tễ học, ĐH Stanford và Viện Phòng ung thư California, những người làm việc trong tiệm sơn móng sẽ có nguy cơ cao nhất, từ kích ứng da, tổn thương mắt, dị ứng đến các vấn đề về trí nhớ, thần kinh, hô hấp, vô sinh…

Nguyên nhân là do người làm việc trực tiếp tại các tiệm này hít phải các hoá chất bay hơi từ các sản phẩm làm móng. Theo đó, những người làm việc trực tiếp tại tiệm không chỉ tiếp xúc trực tiếp với hoá chất độc hại mà còn hít thở chúng.

Các nghiên cứu trong đó có cả nghiên cứu của TS Quach Thu tại Viện Phòng chống Ung thư California, đều ghi nhận những ảnh hưởng cấp tính do các chất độc hại trong hoá chất làm móng ảnh hưởng đến người lao động như đau đầu, khó thở, da kích ứng.

 

http://dantri.com.vn/suc-khoe/de-nhiem-bo-3-chat-doc-hai-vi-son-mong-1074943.htm

 

Bộ Y tế lên tiếng về chất paraben có trong mỹ phẩm

Trước thông tin vừa qua trên một số phương tiện thông tin đại chúng có đưa tin liên quan đến Công văn 6577/QLD-MP của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), khuyến cáo về tính an toàn của chất paraben và MI có trong sản phẩm mỹ phẩm.

Ngày 21/5, Cục Quản lý Dược, cho biết lý do phải ngưng sử dụng các dẫn chất Paraben là do ngày 18-9-2014, Ủy ban mỹ phẩm cộng đồng Châu Âu nghi ngờ chất Isoparaben (là dẫn chất của Paraben) có thể gây ung thư vú cho người sử dụng, nên đã đưa ra qui định cập nhật năm dẫn chất Paraben (Isopropylparaben, Isobutylparaben, Phenylparaben, Benzylparaben và Pentylparaben) vào danh mục các chất không dùng trong mỹ phẩm.

Tuy nhiên, Hội đồng khoa học châu Âu lại tuyên bố, đến thời điểm hiện tại không có đủ bằng chứng khoa học để khẳng định các dẫn chất paraben bị cấm đó không an toàn nếu dùng với nồng độ giới hạn cho phép.

Hơn nữa, cũng chưa có báo cáo hoặc cảnh báo nào về tác dụng không an toàn đối với các sản phẩm có chứa các thành phần nêu trên. Mặc dù vậy, để đảm bảo lợi ích và an toàn cho người tiêu dùng, Cộng đồng châu Âu đã cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ, nên quyết định đưa ra quy định thay thế và bổ sung vào các phụ lục trong Hiệp định của EU.

Hội đồng mỹ phẩm ASEAN đã tiến hành rà soát và thống nhất cập nhật các qui định mới về các chất nêu trên từ cộng đồng Châu Âu và đưa ra khuyến cáo ngưng sử dụng các chất này để thay thế các chất tối ưu hơn.

Cục Quản lý Dược cũng cho biết lộ trình đến năm 2016 mới ngưng sử dụng các chất này, là vì: Các dẫn chất Paraben được sử dụng với vai trò làm chất bảo quản trong mỹ phẩm rất phổ biến (trên 22.000 sản phẩm mỹ phẩm có sử dụng dẫn chất paraben làm chất bảo quản).

Xuất phát từ việc chưa có bằng chứng cụ thể về sự mất an toàn của các sản phẩm và cần thời gian để tìm kiếm, thay thế các hợp chất an toàn hơn, Cộng đồng châu Âu quyết định đưa ra lộ trình để thực hiện khuyến cáo này.

Hội đồng mỹ phẩm ASEAN đã thống nhất và cập nhật danh mục các chất dùng trong mỹ phẩm (dựa trên cơ sở bản cập nhật danh mục các chất dùng trong mỹ phẩm của Cộng đồng châu Âu) và cũng thực hiện lộ trình như Cộng đồng châu Âu.

Cục Quản lý Dược cho biết Việt Nam nằm trong cộng đồng ASEAN, nên khi có quyết định của Cộng đồng Asean, Cục Quản lý Dược đã cập nhật các chất dùng trong mỹ phẩm, trong đó khuyến cáo việc ngưng sử dụng các chất trên và thực hiện lộ trình như Cộng đồng Châu Âu và Cộng đồng ASEAN. Chính vì thế, các sản phẩm vẫn tiếp tục được lưu hành trên thị trường tại Cộng đồng châu Âu cũng như tại các nước thành viên ASEAN cho đến khi áp dụng lộ trình mới.

Đối với hoạt chất Methylisothiazolinone (MIT) được dùng với nồng độ tối đa 0,01% trong các sản phẩm mỹ phẩm (không thay đổi so với trước đây), không bị cấm (như thông tin một số báo đã đưa)

Hỗn hợp Methylchlorothiazolinone và Methylisothiazolinone (MCT + MIT) theo tỷ lệ 3:1 được dùng trong các sản phẩm rửa sạch (rinse-off product) với nồng độ tối đa 0,0015% (không được dùng trong sản phẩm lưu lại (leave-on product));

Hỗn hợp Methylchlorothiazolinone và Methylisothiazolinone (MCT + MIT) theo tỷ lệ 3:1 không được phép dùng chung với (có thêm) Methylisothiazolinone (MIT) trong cùng một sản phẩm.

Cho đến nay Cộng đồng Châu Âu và ASEAN chưa nhận được bằng chứng nào về việc các sản phẩm có chứa 05 dẫn chất Paraben nói trên với hàm lượng quy định không an toàn cho người sử dụng. Chính vì thế, các sản phẩm vẫn tiếp tục được lưu hành trên thị trường tại Cộng đồng châu Âu cũng như tại các nước thành viên ASEAN và Việt Nam cho đến khi áp dụng lộ trình mới.

http://dantri.com.vn/suc-khoe/bo-y-te-len-tieng-ve-chat-paraben-co-trong-my-pham-1074944.htm

 

Thêm nhiều trường hợp nhiễm Ebola ở Guinea và Sierra Leone

Ngày 21/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo nhiều trường hợp mới lây nhiễm virus Ebola lại xuất hiện ở Grinea và Sierra Leone trong tuần qua, làm tiêu tan hy vọng dịch bệnh chết người đã được đẩy lùi khỏi 2 quốc gia bị tác động mạnh nhất này.

Theo WHO, tuần lễ tính đến ngày 17/5 vừa qua đã chứng kiến số trường hợp nhiễm Ebola trong tuần cao nhất trong cả tháng, với tổng cộng 35 ca lây nhiễm mới được báo cáo, tăng mạnh so với chỉ 9 trường hợp trong tuần trước đó.

Guinea, nơi dịch bệnh bùng phát từ cuối năm 2013, bị tác động mạnh nhất trong tuần qua với 27 ca lây nhiễm mới, so với chỉ 7 trường hợp trong tuần trước đó.
Trong số ca lây nhiễm mới có 11 người sống ở quận phía Tây Dubreka, hầu hết đều tiếp xúc với những đối tượng từng dự lễ tang một người được cho là chết vì Ebola giữa tháng Tư vừa qua.
11 trường hợp khác được báo cáo sống ở quận Forecariah và 5 trường hợp còn lại được phát hiện ở quận Boke thuộc phía Tây Bắc giáp giới với Guinea-Bissau, nơi các chuyên gia lo ngại có nguy cơ nhiễm dịch cao nhất.

WHO đã cử chuyên gia đến khu vực biên giới để xác định liệu virus có "vượt biên" hay không và đảm bảo theo dõi bất kỳ người nào được cho là đã tiếp xúc với bệnh nhân Ebola.
Số ca lây nhiễm mới ở Sierra Leone đã tăng lên 8 trường hợp so với 2 trường hợp trong tuần trước đó, chấm dứt 3 tuần liên tiếp ghi nhận số ca lây nhiễm giảm.

Lần đầu tiên trong 5 tuần qua, WHO lại thông báo một nhân viên y tế cho kết quả xét nghiệm dương tính với Ebola do từng làm việc tại một trung tâm điều trị bệnh nhân nhiễm dịch gần Freetown (Phrits, nơi một nam y tá người Italy từng làm việc và được xác nhận nhiễm Ebola khi về nước)./.

Theo thống kê mới đây nhất, dịch Ebola cho đến nay đã khiến 26.933 người nhiễm bệnh và lấy đi sinh mạng của 11.120 người, chủ yếu ở Guinea, Sierra Leone và nước láng giềng Liberia, quốc gia đã tuyên bố dập dịch thành công ngày 9/5 vừa qua.

Theo WHO, kể từ khi dịch Ebola bùng phát đã có 869 nhân viên y tế được xác định nhiễm dịch, bao gồm 507 trường hợp tử vong./.

http://www.vietnamplus.vn/them-nhieu-truong-hop-nhiem-ebola-o-guinea-va-sierra-leone/323752.vnp

 

Kiểm tra chất gây nghiện ở 15 mẫu thức ăn đường phố

- Ngày 21-5, TS Nguyễn Thanh Phong- Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh về hiện tượng một số sản phẩm thức ăn đường phố tại Hà Nội có khả năng chứa chất gây nghiện, Cục An toàn thực phẩm đã chỉ đạo Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia tiến hành lấy mẫu giám sát thức ăn đường phố tại Hà Nội để kiểm nghiệm chỉ tiêu về Morphin, Codein nhằm phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Thực hiện chỉ đạo trên, Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã tiến hành lấy 15 mẫu thực phẩm thức ăn đường phố bao gồm: 5 mẫu xúc xích, 5 mẫu thịt xiên nướng và 5 mẫu nem chua rán để kiểm nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, tất cả 15/15 mẫu không phát hiện Morphin, Codein là hoạt chất sinh học chính trong cây thuốc phiện. 

TS Nguyễn Thanh Phong cũng cho biết, trong thời gian tới, Cục An toàn thực phẩm sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương, đặc biệt là những thành phố lớn tăng cường triển khai giám sát an toàn thực phẩm tại các cơ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Đồng thời đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về an toàn thực phẩm cho cộng đồng nhằm phòng tránh ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm.

- http://www.sggp.org.vn/ytesuckhoe/2015/5/384259/#sthash.9rSacuVR.dpuf

 

Hàn Quốc ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm virus MERS

Ngày 20/5, giới chức y tế Hàn Quốc xác nhận ca đầu tiên nhiễm virus gây Hội chứng hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS) tại nước này. Bệnh nhân vừa về nước từ Bahrain. 
Hiện người này đang trong tình trạng ổn định sau khi được điều trị các triệu chứng sốt cao và ho.

Theo Bộ Y tế Hàn Quốc, trường hợp nhiễm MERS là một bệnh nhân nam 68 tuổi đã ở Bahrain từ ngày 18/4-3/5 và có tham gia công việc liên quan đến nông trại, sau đó trở về Hàn Quốc ngày 4/5 qua Qatar.

Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh của Hàn Quốc Kim Young-taek cho biết vợ của bệnh nhân cũng có triệu chứng về hô hấp và kết quả xét nghiệm người này sẽ được công bố vào ngày 21/5.

Ông Kim cho mặc dù có thể có thêm một số ca nhiễm MERS trong số những người tiếp xúc với bệnh nhân trên và đã được cách ly, nhưng không có khả năng bệnh này lây sang những người bình thường khác.

MERS được phát hiện lần đầu tiên ở người vào năm 2012. Virus gây hội chứng này cùng họ với chủng virus gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) bùng phát ở châu Á năm 2003.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã có 1.118 ca nhiễm MERS, trong đó 423 trường hợp tử vong. Hiện chưa có vắcxin phòng ngừa hay thuốc điều trị căn bệnh này./.

http://www.vietnamplus.vn/han-quoc-ghi-nhan-truong-hop-dau-tien-nhiem-virus-mers/323607.vnp

 

Chồng đùn đẩy chuyện tránh thai: Những hiểu nhầm về triệt sản ở nam

Nhiều quý ông cho rằng chuyện tránh thai là của chị em. Chính vì thế đã gây nên nhiều câu chuyện dở khóc dở cười trong đời sống chăn gối.

Tránh thai là chuyện của chị em

Nhiều chị em bức xúc chuyện tránh thai đã đến than vãn với bác sĩ sản khoa làm thế nào để vừa tránh thai mà vẫn giữ được cảm xúc trong chuyện ấy, bác sĩ Lê Thị Kim Dung – Trung tâm y tế lao động sản khoa Thái Hà cho rằng đây thực sự là điều khiến nhiều chị em đau lòng.

Trường hợp của chị Hải trú tại Long Biên, Hà Nội là điển hình. Chị Hải sinh con 2 lần bằng phương pháp sinh mổ, bác sĩ khuyên chị không nên đặt vòng tránh thai. Chị đành uống thuốc tránh thai để kế hoạch hóa gia đình. Nào ngờ thuốc tránh thai có tác dụng phụ. Mỗi lần uống thuốc là chị Hải hay buồn nôn, mặt mày sạm xịt, nổi mụn nhiều. 

Có lần chị bảo với chồng không thể uống thuốc tránh thai thì anh không đồng ý vẫn đòi vợ phải tránh thai vì anh ta cho rằng việc tránh thai là của chị em phụ nữ. Không uống được thuốc, vòng không đặt được chị Hải mua bao cao su về. Tuy nhiên, chồng chị không muốn dùng vì vướng víu. Anh lấy hết lý do nọ, đến lý do kia để không dùng, mặc cho chị lo không ngủ nổi.

Mỗi lần như thế, chị Hải lại vội vàng mua viên thuốc tránh thai khẩn cấp uống. Tác dụng phụ của thuốc tránh thai làm chậm kinh, mệt mỏi cũng khiến chị chán nản. Chị kể “Mình có cảm giác như không được tôn trọng, phải chiều chồng gượng gạo. Đưa bao cao su thì anh ta bảo vợ chồng mà còn phải “áo mưa” với chống nóng…”.

Hay trường hợp của gia đình chị Lam trú tại Vân Đình, Hà Nội cũng vậy. Chị Lam kể hai vợ chồng đã có 3 đứa con trong khi đó hai cháu sau đều là có thai ngoài kế hoạch của vợ chồng chị. Vốn “nhạy” nên chỉ cần lỡ là chị có bầu, đã có lần phải đi bỏ thai. Uống thuốc tránh thai chị Lam hay quên nên không duy trì được. Đến nay có đủ nếp đủ tẻ, chị Lam muốn tránh thai bằng triệt sản. Khi chị đến bác sĩ tư vấn có thể triệt sản cho vợ hoặc cho chồng nhưng triệt sản cho chồng thì dễ hơn.

Chị về nhà thủ thỉ với chồng việc tránh thai, anh trợn mắt, phùng má lên quát chị “cô học ở đâu cái kiểu bắt chồng làm thái giám”. Chồng chị Lam nghĩ rằng triệt sản là cắt hẳn hai bên tinh hoàn nên kiên quyết không đồng ý. Anh cho rằng chuyện tránh thai là việc của đàn bà. Đàn ông còn nhiều việc phải lo giờ lại bắt chồng đi tránh thai nữa khác gì bảo anh ta về nhà mặc váy. Sau nhiều lần động viên an ủi và giải thích, chồng chị Lam mới chịu đến bệnh viện với vợ nghe tư vấn.

Triệt sản nam không phải cắt bỏ hết “nhà máy”

Bác sĩ Lê Thị Kim Dung cho biết hiện nay triệt sản để tránh thai ở nam giới cũng được nhiều quý ông ủng hộ. Tuy nhiên không phải ai cũng chấp nhận triệt sản để tránh thai. Nhiều người khi đến gặp bác sĩ họ cho rằng triệt sản là cắt hết “nhà máy” nên không bằng lòng. 

Sau khi được bác sĩ tư vấn thì có người đồng ý tránh thai bằng phương pháp này. Các bác sĩ sẽ thắt ống dẫn tinh trùng lại. Hạn chế của phương pháp này, các bác sĩ khuyến cáo, chỉ dùng cho những quý ông không có nhu cầu sinh con nữa. Sau này, trong trường hợp có rủi ro, họ muốn sinh thêm con thì phải thực hiện bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản. 

Trên thực tế, triệt sản bằng cách thắt ống dẫn tinh là một biện pháp tránh thai vĩnh viễn, có hiệu quả gần như 100% cho nam giới. Đây được xem là một thủ thuật đơn giản, dễ thực hiện, an toàn, lại không hề có tác dụng phụ gì so với việc thắt ống dẫn trứng ở nữ giới. Đồng thời, thủ thuật này dễ dàng hơn rất nhiều so với thắt ống dẫn trứng ở phụ nữ.

Nhiều người lo lắng việc thắt ống dẫn tinh như thế này sẽ khiến họ không thể xuất tinh được sẽ dẫn tới không thể lên đỉnh. Những lo lắng này, bác sĩ Lợi giải thích, thực chất, thắt ống dẫn tinh là chặn đường đi của tinh trùng từ tinh hoàn ra túi tinh. Khi sinh hoạt vợ chồng, tinh dịch vẫn xuất bình thường nhưng không có tinh trùng nên người vợ không thể thụ thai được. Số tinh trùng không di chuyển, đọng lại trong ống sinh tinh, mào tinh và một phần dưới ống dẫn tinh, sau đó tự tiêu đi. 

Thắt ống dẫn tinh không khiến bản lĩnh quý ông thay đổi, thậm chí tâm lý thoải mái thì cuộc “yêu” bao giờ cũng hoàn mỹ hơn. Ưu việt là thế nhưng không phải ai bác sĩ cũng thực hiện. Bác sĩ sẽ tư vấn được mất của phương pháp để mọi người cùng đưa ra ý kiến.

http://www.24h.com.vn/suc-khoe-doi-song/chong-dun-day-chuyen-tranh-thai-nhung-hieu-nham-ve-triet-san-o-nam-c62a709939.html

 

Hà Nội: Quyết liệt phòng chống dịch bệnh mùa hè

Đó là nội dung được đưa ra tại Hội nghị đánh giá tình hình dịch bệnh 5 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh mùa hè do Sở Y tế Hà Nội tổ chức ngày 21-5.
Theo đánh giá của Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, tình hình dịch bệnh trong những tháng đầu năm trên địa bàn thành phố được kiểm soát tốt. Nhiều dịch bệnh có xu hướng giảm, đặc biệt là dịch bệnh sởi, bệnh dại, thuỷ đậu. Mặt khác, trên địa bàn cũng không ghi nhận các dịch bệnh nguy hiểm, dịch bệnh mới nổi như: Ebola, cúm A/H5N1, A/H7N9, viêm đường hô hấp cấp tính Trung Đông (Mers-CoV). Tuy nhiên, trước sự diễn biến khó lường của thời tiết, khí hậu; sự biến đổi và thích nghi của côn trùng, vi khuẩn, virus với môi trường. 
Dự báo, tình hình dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp trong các tháng mùa hè năm 2015, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường tiêu hoá (như: tả, thương hàn, tay chân miệng…), dịch bệnh lây truyền qua côn trùng (như: sốt xuất huyết (SXH), viêm não Nhật Bản…). Trong khi đó, một số bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin tiêm chủng mở rộng vẫn có nguy cơ gia tăng.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, trong 5 tháng đầu năm nay, một số dịch bệnh đang có số mắc cao hơn so với cùng kỳ năm 2014. Cụ thể, bệnh tay chân miệng ghi nhận 549 ca mắc (tăng 91%), SXH ghi nhận 83 ca mắc (tăng 60%) và bệnh ho gà có 61 trường hợp mắc trong đó có 1 trường hợp tử vong. Còn bệnh viêm não virus ghi nhận 9 trường hợp, trong khi cùng kỳ năm 2014 không có trường hợp mắc. Riêng bệnh ho gà, số ca mắc phần lớn là chưa đến tuổi tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ 3 mũi vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván. Do vậy, nếu việc tiêm chủng không được triển khai hiệu quả, tích cực, dịch bệnh có nguy cơ quay trở lại. Đáng chú ý, số ca mắc SXH bắt đầu gia tăng từ đầu tháng 5. Dự kiến, số ca mắc SXH sẽ tăng dần trong các tháng tới và đạt đỉnh vào tháng 10, 11.
Để phòng chống dịch bệnh trong mùa hè này, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị phải tập trung các biện pháp quyết liệt để thực hiện tốt việc phát hiện sớm bệnh dịch, chủ động phòng chống để giảm tỷ lệ mắc và tử vong do dịch bệnh. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh khẳng định, để phòng chống dịch bệnh mùa hè hiệu quả, quan trọng nhất là khâu tuyên truyền về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống. Tuyên truyền phải cụ thể, xác định được đối tượng đích và nội dung tuyên truyền phải phù hợp với diễn biến của tình hình dịch bệnh.

Mặt khác, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ y tế các tuyến về phòng chống dịch bệnh và phải phù hợp với tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch tại địa phương; nâng cao chất lượng hệ thống giám sát phát hiện ca bệnh, nguyên nhân gây bệnh, giám sát côn trùng truyền bệnh, đồng thời tăng cường các hoạt động chủ động phòng chống dịch bệnh, điều tra, xử lý khu vực có bệnh nhân, ổ dịch. Bên cạnh đó, ngành y tế Thủ đô tập trung chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, hoá chất đáp ứng tốt cho công tác phòng chống dịch, đồng thời tổ chức tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm gây dịch trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em trên địa bàn thành phố.

http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Suc-khoe/756514/ha-noi-quyet-liet-phong-chong-dich-benh-mua-he

 

Nghiện trò chơi điện tử, coi chừng bị Alzheimer

Dành quá nhiều thời gian cho các trò chơi điện tử có thể làm tăng nguy cơ phát triển các chứng rối loạn thần kinh như bệnh Alzheimer (một dạng bệnh mất trí nhớ), theo nghiên cứu mới được công bố trên chuyên sanProceedings.

Các nhà khoa học thuộc Đại học Montreal (Canada) cho biết lạm dụng trò chơi điện tử có thể làm giảm chức năng hoạt động của vùng não đảm trách việc hình thành trí nhớ, lưu trữ thông tin cũng như định hướng không gian.

“Những người dành quá nhiều thời gian cho các trò chơi điện tử có thể bị giảm chức năng hoạt động của não, vốn liên quan với nguy cơ mắc chứng rối loạn thần kinh như bệnh Alzheimer tăng cao”, chuyên gia Gregory West thuộc Đại học Montreal khẳng định.

Để rút ra kết luận trên, nhóm nghiên cứu đã khảo sát trên một số lượng lớn các tình nguyện viên là game thủ, vốn dành ít nhất 6 giờ mỗi tuần để chơi trò chơi điện tử.

http://www.thanhnien.com.vn/suc-khoe/nghien-tro-choi-dien-tu-coi-chung-bi-alzheimer-565262.html

 

Hiểm họa “đáng sợ” về trà đá vỉa hè bạn nên biết

Ngày hè nóng nực, bên cạnh các loại đồ uống mát lạnh, trà đá vỉa hè là thức uống dân dã rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, những cốc trà đá này tiềm ẩn nhiều hiểm họa mà bạn chưa biết.

Khi nào trà đá thực sự nguy hiểm?

Theo các chuyên gia, uống trà không nên uống quá đặc bởi có thể gây kích thích thần kinh và không nên lạm dụng bởi cũng như các loại thực phẩm, đồ uống khác, dùng quá nhiều sẽ gây phản tác dụng.

Viện Thực phẩm chức năng từng phát hiện trong trà đá có chứa vi khuẩn E.coli, có thể gây ngộ độc cấp tính, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy. Chưa kể đến việc có thể uống phải chè mốc, nước bẩn từ các quán trà đá. Do đó, người tiêu dùng cần thận trọng để bảo vệ sức khỏe bản thân.

Theo nhiều nghiên cứu, trong một cốc 100ml trà đá có chứa khoảng 50 -100mg chất oxalate và còn có axit tannic - một chất gây khó tiêu và ngăn cản sự tổng hợp sắt. Nếu bạn đã ăn những thực phẩm có nồng độ oxalate cao thì không nên uống các sản phẩm liên quan đến trà sau đó.

Việc sử dụng trà đá lúc đang đói cồn cào dễ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh dạ dày. Những người bị đau dạ dày nếu vẫn duy trì thói quen uống trà đá sẽ làm cho cơn đau dạ dày tăng lên, thậm chí có thể làm cho bệnh viêm loét dạ dày trở nên nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, chất caffein có trong trà sẽ làm suy giảm sự tiết dịch tiêu hóa ở dạ dày, làm chậm lại hoạt động của nhu động ruột. Hậu quả dễ gây táo bón, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Bên cạnh đó, trà đá vỉa hè cũng tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh rất lớn. Thực tế, nhiều chủ quán sử dụng nguồn đá bẩn để cho vào cốc trà. Những ly trà đá được bán cho khách với vẻ ngoài sạch sẽ nhưng sự thực mất vệ sinh đến cỡ nào thì chỉ có trực tiếp đi pha trà đá mới biết được cái sự bẩn kinh hoàng ấy. Nhiều quán trà đá không sử dụng đá viên tinh khiết mà dùng đá cây đập vụn cho vào hộp xốp bảo quản. Theo quy định, những loại đá cây này chỉ được dùng để ướp thực phẩm.

Theo BS Trần Văn Ký (Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn Thực phẩm Việt Nam), các loại nước đá sản xuất kiểu kém vệ sinh sẽ tiềm ẩn nguy cơ bệnh tiêu chảy, dịch tả và ngộ độc. Nguy hiểm hơn là nước nhiễm hóa chất lấy lên từ lòng đất không được lọc, về lâu dài, độc chất trong nước gây viêm đại tràng mãn tính, ảnh hưởng đến chức năng gan, thận.

Trước đó, để tìm hiểu về mức độ an toàn của nước uống vỉa hè, Viện Thực phẩm chức năng đã xét nghiệm 9 mẫu nước uống đường phố gồm trà xanh, trà đá, nhân trần, nước ngô, nước mía... phát hiện trà đá chứa vi khuẩn E.coli. E.coli là vi khuẩn trong phân, có thể gây ngộ độc cấp tính, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy.

Những đối tượng không nên uống trà đá

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên, những bệnh nhân mắc sỏi thận, suy thận là những người không nên sử dụng trà đá và các sản phẩm có chứa nhiều oxalate thường xuyên. Ngoài ra, trẻ nhỏ dưới 3 tuổi và những người mắc bệnh tiêu hóa không nên uống trà vì 2 chất oxalate và axit tannic sẽ phản ứng với sắt trong dạ dày lâu ngày khiến bạn bị thiếu sắt và ăn uống khó tiêu, cản trở cho sự hấp thụ trao đổi chất ở cơ thể.

Đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai, nếu uống nhiều trà đá sẽ gây nên tình trạng thiếu máu. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Bởi trong trà đá có chứa một loại axit làm ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ sắt. Chính vì vậy, các bà mẹ khi đang mang bầu không nên lạm dụng uống trà đá.

Ở người già, việc uống nhiều trà đá lại là nguy cơ dẫn đến việc mất ngủ, căng thẳng. Để đảm bảo sức khỏe, các nhà nghiên cứu khuyến cáo rằng, người bình thường chỉ nên uống 1-2 cốc trà mỗi ngày. Để đảm bảo sức khỏe, mùa hè mọi người nên hạn chế uống trà đá mà thay bằng uống nước lọc thông thường. Đừng nên quá dễ dãi trong việc lựa chọn đồ uống vỉa hè, các thức ăn vì nguy cơ ngộ độc thực phẩm là với tất cả mọi người.

Trẻ dưới 3 tuổi không nên uống trà dù chỉ là lượng nhỏ vì trong trà có chứa axit tannic khi được đưa vào dạ dày, gặp chất sắt sẽ gây nên phản ứng. Từ đó sẽ sinh ra những chất bất lợi khiến cho lượng sắt trong cơ thể trẻ bị thiếu hụt, thậm chí dẫn đến chứng thiếu máu.

http://www.tinmoi.vn/hiem-hoa-dang-so-ve-tra-da-via-he-ban-nen-biet-011359449.html

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Lịch công tác UBND xã
Thứ hai ngày 11/11/2024
Chủ tịch UBND: Dương Anh Tuấn
14:30: Phối hợp tổ chức đối thoại với hộ gia đình, cá nhân để thông báo chủ trương đầu tư xây dựng Công trình trụ sở công an xã
Thứ ba ngày 12/11/2024
Chủ tịch UBND: Dương Anh Tuấn
08:00: Tham dự tiếp xúc cử tri của Tổ đại biểu số 6 HĐND tỉnh
14:00: Tham dự Kỳ họp chuyên đề lần thứ 12 HĐND thị xã khóa VII nhiệm kỳ 2021-2026
Phó Chủ tịch UBND: Nguyễn Đắc Mùi
08:30: Họp tháo dỡ các mái che, di chuyển các vật dụng đặt lấn chiếm lòng lề đường
Phó Chủ tịch UBND: Đặng Văn Hiệp
08:00: Dự Hội nghị phổ biến nội dung công việc kiểm kê di sản văn hóa
15:00: Họp liên quan tổ chức giải đua ghe tại HTX NN Thuỷ Thanh
Thứ tư ngày 13/11/2024
Chủ tịch UBND: Dương Anh Tuấn
09:00: Họp rà soát, củng cố hồ sơ liên quan đến Ngô Tá Tuấn (để báo cáo xin ý kiến giải quyết đơn của ông Ngô Tá Nguyên).
Phó Chủ tịch UBND: Nguyễn Đắc Mùi
09:00: Họp rà soát, củng cố hồ sơ liên quan đến Ngô Tá Tuấn (để báo cáo xin ý kiến giải quyết đơn của ông Ngô Tá Nguyên).
Phó Chủ tịch UBND: Đặng Văn Hiệp
14:00: Tập huấn chuyển đổi nền tảng số
Thứ năm ngày 14/11/2024
Chủ tịch UBND: Dương Anh Tuấn
08:00: Họp Hội đồng nghĩa vụ quân sự thị xã
15:00: Họp Hội đồng xác định mức độ khuyết tật
Phó Chủ tịch UBND: Nguyễn Đắc Mùi
09:00: Họp liên quan thu thuế đất phi nông nghiệp
14:00: Họp triển khai vụ Đông - Xuân 2024-2025 và triển khai chính sách của Nhà nước về đất trồng lúa năm 2025
Phó Chủ tịch UBND: Đặng Văn Hiệp
08:00: Họp nghe báo cáo các hồ sơ trễ hẹn trong lĩnh vực đất đai
Thứ sáu ngày 15/11/2024
Chủ tịch UBND: Dương Anh Tuấn
08:00: Họp giải quyết đơn của ông Ngô Tá Nguyên về hoạt động xây dựng của ông Ngô Tá Tuấn tại thôn Lang Xá Cồn
08:00 -17:30Tiếp công dân định kỳ UBND xã
Phó Chủ tịch UBND: Nguyễn Đắc Mùi
08:00: Họp giải quyết đơn của ông Ngô Tá Nguyên về hoạt động xây dựng của ông Ngô Tá Tuấn tại thôn Lang Xá Cồn
Phó Chủ tịch UBND: Đặng Văn Hiệp
08:00: Dự tập huấn công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng năm 2024
Thứ bảy ngày 16/11/2024
Chủ nhật ngày 17/11/2024
Chủ tịch UBND: Dương Anh Tuấn
07:30: Dự Ngày hội "Đại đoàn kết toàn dân tộc" tại thôn Thanh Tuyền
14:00: Dự Ngày hội "Đại đoàn kết toàn dân tộc" tại thôn Vân Thê Trung
Phó Chủ tịch UBND: Nguyễn Đắc Mùi
08:00: Dự Ngày hội "Đại đoàn kết toàn dân tộc" thôn Vân Thê Đập
14:00: Dự Ngày hội "Đại đoàn kết toàn dân tộc" thôn Vân Thê Thượng
Phó Chủ tịch UBND: Đặng Văn Hiệp
08:00: Dự Ngày hội "Đại đoàn kết toàn dân tộc" thôn Lang Xá Bàu
13:00: Dự Ngày hội "Đại đoàn kết toàn dân tộc" thôn Thanh Thủy
Truyền hình TRT
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 1.860.999
Đang truy cập 65