Tìm kiếm tin tức
DANH MỤC
.
 
           
            
           
         
         
    
 

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Điểm báo điện tử ngày 18/5/2015
Ngày cập nhật 19/05/2015

Phát hiện sán xơ mít “khủng” dài 12m trong ruột người

Ngày 17/5, y sĩ Lê Công Danh, Bệnh viện Y học cổ truyền Huế cho biết vừa chữa trị thành công cho 1 bệnh nhân có con sán xơ mít “khủng”, dài đến hơn 12m ở trong ruột.

Theo đó, bệnh nhân là anh Nguyễn Ngọc Tuấn (34 tuổi, trú xã Ba Lòng, huyện Đak-rông, tỉnh Quảng Trị). Anh Tuấn cho biết, cách đây 1 năm tháng, sức khỏe anh tuy bình thường nhưng có cảm giác ăn không thấy no, bụng thường xuyên khó chịu.

Do công việc bận rộn nên anh không lên bệnh viện khám. Khoảng 3 tháng qua, anh Tuấn bị quặn đau ở bụng và có nhiều lần đi vệ sinh thấy sán theo ra ngoài qua đường hậu môn.

Trong tuần qua, anh đã vào Huế khám chữa bệnh và được y sĩ Danh phát hiện có sán xơ mít. Sau khi sán xơ mít được xổ ra ngoài, qua đo đạc ước tính chiều dài con sán rất kinh khủng với hơn 12 mét, mình dẹt, màu trắng đục. 

Hiện sức khỏe của anh Tuấn đã trở lại bình thường. Được biết cách đây hơn 1 năm, y sĩ Danh cũng đã từng chữa trị thành công cho bệnh nhân mắc sán xơ mít “khủng” dài gần 10m.

http://dantri.com.vn/suc-khoe/phat-hien-san-xo-mit-khung-dai-12m-trong-ruot-nguoi-1072972.htm

 

Hà Nội giảm tới 99% số ca mắc sởi trong 4 tháng đầu năm

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết từ đầu năm đến nay, thành phố đã ghi nhận 24 trường hợp mắc sởi, giảm 99% số ca mắc so với cùng kỳ năm 2014. 

Trong số các trường hợp mắc các bệnh thủy đậu, tay chân miệng, sởi... không có trường hợp nào tử vong.

Ngoài bệnh sởi, các bệnh dịch khác trên địa bàn cũng ổn định và được kiểm soát tốt. Trên địa bàn thành phố không ghi nhận các dịch bệnh nguy hiểm, dịch bệnh xâm nhập, các bệnh lưu hành tại các địa phương. Hầu hết số ca mắc đều giảm so với cùng kỳ năm 2014.

Tuy nhiên, diễn biến tình hình dịch bệnh phức tạp trên thế giới, khu vực và ở trong nước, cùng với thời tiết nắng nóng bất thường sẽ là nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm.

Để làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, ngay từ đầu năm, ngành y tế Hà Nội đã chủ động triển khai công tác phòng chống dịch bệnh và tiêm chủng mở rộng. Tiếp tục duy trì và đẩy mạnh công tác tiêm chủng, tỷ lệ tiêm chủng các loại vắc xin đều tăng so với cùng kỳ năm 2014 với trên 46.700 trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ tám loại vắcxin.

Thay vì tiêm dịch vụ vắcxin viêm não Nhật Bản như trước đây thì từ tháng 4/2015, toàn thành phố đã tổ chức tiêm miễn phí vắcxin phòng bệnh viêm não Nhật Bản cho trẻ từ 1-3 tuổi trong các buổi tiêm chủng thường xuyên tại các xã, phường, thị trấn.

Bên cạnh đó, năm bệnh viện được phân công tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc bệnh dịch có diễn biến nặng bao gồm Bệnh viện Đống Đa, Sơn Tây, Hà Đông, Đức Giang, Bắc Thăng Long. Các bệnh viện có nhiệm vụ tổ chức khám sàng lọc, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân đúng quy định, tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho điều trị các bệnh truyền nhiễm gây dịch như sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng

Công tác giám sát phát hiện sớm ca bệnh cũng rất được chú trọng. Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội và các Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã đã chủ động giám sát ca bệnh, kịp thời khoanh vùng xử lý ngay khi dịch còn ở quy mô nhỏ, không để dịch bệnh bùng phát, lan tràn ra cộng đồng./.

http://www.vietnamplus.vn/ha-noi-giam-toi-99-so-ca-mac-soi-trong-4-thang-dau-nam/323007.vnp

 

Thầy thuốc trẻ tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng

Sáng 17.5, tại Nhà văn hóa Thanh niên (TP.HCM), Hội LHTN TP.HCM phối hợp với Hội Thầy thuốc trẻ thành phố tổ chức Ngày hội "Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng" năm 2015.

Theo bác sĩ Vũ Trí Thanh, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TP.HCM, ngày hội diễn ra với nhiều hoạt động hướng đến việc chăm sóc sức khỏe cho người dân như: Thành lập 5 đội hình tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng; hướng dẫn quy trình rửa tay đúng cách cho hàng trăm thanh thiếu nhi; vận động thanh niên tình nguyện hiến 250 đơn vị máu; tập huấn sơ cấp cứu cho 100 hội viên. Song đó, ngày hội cũng tư vấn sức khỏe sinh sản, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí 2.000 người nghèo…

Bạn Nguyễn Hồng Phúc, sinh viên Trường đại học Y dược TP.HCM, chia sẻ: “Khi biết tin có ngày hội, mình đã đến đây từ sớm để tham gia hiến máu. Mình nghĩ các hoạt động như thế này rất thiết thực để các thầy thuốc trẻ quan tâm đến cộng đồng”.

http://www.thanhnien.com.vn/the-gioi-tre/thay-thuoc-tre-tinh-nguyen-vi-suc-khoe-cong-dong-563431.html

http://laodong.com.vn/xa-hoi/6000-thay-thuoc-tre-tham-gia-tinh-nguyen-vi-suc-khoe-cong-dong-326771.bld

http://phapluattp.vn/suc-khoe/hon-6000-thay-thuoc-tre-kham-benh-mien-phi-cho-nguoi-dan-554418.html

 

Hàng chục nghìn bệnh nhân Thalassemia ở Việt Nam và những nguy cơ được báo trước

 Hơn 10 triệu người Việt Nam mang gen bệnh Thalassemia (hay còn gọi là bệnh tan máu bẩm sinh), có 20.000 người bệnh Thalassemia đang cần được điều trị, mỗi năm có thêm khoảng 700 bệnh nhân mới (gấp 4 lần cách đây 5 năm) và khoảng 2.000 trẻ em sinh ra mang gen bệnh– đây là con số đáng báo động mà các chuyên gia y tế gọi nó là “quả bom nguyên tử không tiếng nổ” ở nước ta. Theo các bác sĩ chuyên ngành về huyết học thì đây là bệnh di truyền nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được, vậy tại sao lại gia tăng nhanh chóng như hiện nay?

2.000 trẻ mang gen bệnh ra đời mỗi năm

Thật đau lòng khi bước chân tới Trung tâm điều trị bệnh Thalassemia ở Viện Huyết học và Truyền máu TƯ (HH&TMTW). Ngoài những đứa trẻ non nớt đang điều trị, ở đây còn khá nhiều những người đã bước vào tuổi trung niên và tất cả đều phải mang một hình hài xấu xí, dị dạng. Anh Trịnh Văn Chung, ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định năm nay 32 tuổi nhưng chỉ cao 1,40m, nặng 35kg. Chị Phạm Thị Vân, ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng bước sang tuổi 24 cũng chỉ cao 1,1m và nặng 31kg. Lớn tuổi nhất, chị Nguyễn Thị Lương ở Bắc Giang nhưng cũng chỉ cao 1,25m, nặng 36kg…

Lẫn với những người lớn đang điều trị bệnh là những đứa trẻ vài ba tuổi, thậm chí có bé chỉ mới vài tháng tuổi. Bệnh nặng, đau đớn đã đành, nhưng nguy hiểm nhất là hàng ngày, hàng giờ nó cướp đi hình hài vốn dĩ bình thường của họ, và thay vào đó là những biến dạng đến độ méo mó đáng sợ. “Ở quê mọi người không hiểu về bệnh của em, cứ thấy em là họ lại bảo “quái vật” và xa lánh. Chính vì thế mà em chỉ lủi thủi trong nhà, không đến trường, không bạn bè” – Phạm Thị Vân, cô gái đến tuổi lẽ ra được hưởng một cuộc sống hạnh phúc mắt ngân ngấn nước chia sẻ.

Như bao thiếu nữ khác, Vân ao ước mình có bạn, có người yêu và một mái ấm gia đình. Nhưng hình thể và bệnh tình trầm trọng mà cô mang đã không cho ước mong đó trở thành hiện thực. Mặt mũi biến dạng hoàn toàn, cơ thể chậm lớn đang là trở ngại nhất khiến cô không có được việc làm, sau này người mẹ già yếu qua đời, cô không biếu bấu víu vào đâu.

GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện HH&TMTW, Chủ tịch Hội Tan máu bẩm sinh ví bệnh Thalassemia là “quả bom nguyên tử đã phát nổ nhưng chúng ta không nghe thấy tiếng kêu nên nhiều người còn thờ ơ với nó”. Với số liệu đáng giật mình về tình hình bệnh tan máu bẩm sinh tại Việt Nam hiện nay: Có 10 triệu người mang gen bệnh, 20.000 bệnh nhân đang cần được điều trị, mỗi năm thêm khoảng 700 bệnh nhân mới (gấp 4 lần cách đây 5 năm) và có khoảng 2.000 trẻ em sinh ra mang gen bệnh đã cho thấy lượng bệnh nhân sẽ càng tăng nhanh nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

GS.TS Nguyễn Anh Trí cũng cho biết, gen bệnh tan máu bẩm sinh đang len lỏi khắp các dân tộc trên đất nước Việt Nam, làm ảnh hưởng đến sức khỏe giống nòi của cả một dân tộc. Tại Hà Nội, có khoảng 3-4% người mang gen bệnh. Tuy nhiên, trong cộng đồng, còn rất nhiều người chưa biết về căn bệnh này và vẫn thờ ơ trước mức độ khủng khiếp của nó.

Tan máu bẩm sinh là bệnh di truyền, biểu hiện đặc trưng là thiếu máu mạn tính và ứ sắt nghiêm trọng, dần dần làm tổn thương đa phủ tạng. Nếu không được điều trị kịp thời và liên tục, người bệnh sẽ rất mệt mỏi, biến dạng dần các cấu trúc xương dẹt mà thấy rõ nhất là ở phần mặt (mũi tẹt bất thường) và phần hộp sọ (không tròn). Nghiêm trọng hơn nữa, khi quá thiếu máu và bị tổn thương các cơ quan trong cơ thể mà không được can thiệp, bệnh nhân sẽ tử vong. Tuổi thọ của người bệnh rất thấp, nhiều trẻ chỉ sống đến 12 tuổi hoặc có thai nhi mất trong bụng mẹ. Người bệnh phải truyền máu và thải sắt suốt đời.

Tuy nhiên, bệnh này hoàn toàn có thể phòng tránh được. Nhiều nước đã thành công trong việc đẩy lùi căn bệnh này với các chiến dịch quốc gia có quy mô lớn. Còn tại nước ta, hiện công tác tuyên truyền mới chỉ ở các thành phố lớn, số người nhận biết và tìm hiểu về căn bệnh này còn ít, thậm chí gần như bằng không ở các vùng núi, vùng dân tộc.

 

Ths Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Thalassemia khuyến cáo, để phòng bệnh thì các cặp vợ chồng trước khi kết hôn nên đi xét nghiệm sàng lọc máu sơ bộ (công thức máu cơ bản) với giá thành rất rẻ (dưới 100 nghìn đồng) ở các cơ sở y tế tuyến huyện trở lên. Nếu bác sĩ cho biết bạn có hồng cầu nhỏ nghĩa là đã mang gen bệnh Thalassemia.  Tuy nhiên, người mang gen bệnh khi kết hôn vẫn có thể sinh ra những đứa con khỏe mạnh nếu được tư vấn và sàng lọc đầy đủ. Trong trường hợp phụ nữ mang thai 3 tháng mới phát hiện mang gen bệnh Thalassemia thì cần phải làm xét nghiệm cho chồng. Nếu chồng cũng mang gen bệnh thì cần tiến hành làm chẩn đoán trước sinh cho thai nhi khi được 16-20 tuần tuổi.

Để hạn chế số lượng trẻ sinh ra bị bệnh và mang gen bệnh, vì tương lai của gia đình, dòng họ và giống nòi, thiết nghĩ cộng đồng cần tìm hiểu sâu sắc tới căn bệnh này để phòng ngừa. Đặc biệt, Bộ Y tế nên có các chiến dịch quốc gia như tuyên truyền, xét nghiệm tiền hôn nhân và tiền sinh sản, sàng lọc trước sinh…để cả cộng đồng cùng vào cuộc.

Viện HH&TMTW mỗi ngày tư vấn miễn phí cho hàng chục lượt người, đặc biệt là các cặp vợ chồng sắp cưới, mới cưới về căn bệnh Thalassemia. Hiện có Viện HH&TMTW, BV Nhi TƯ, BV Phụ sản TƯ và BV Từ Dũ làm chẩn đoán trước sinh về bệnh này. Các cặp vợ chồng sắp và mới cưới nên tìm hiểu để sinh ra những đứa con hoàn toàn khỏe mạnh.

http://cand.com.vn/Xa-hoi/Hang-chuc-nghin-benh-nhan-Thalassemia-o-Viet-Nam-va-nhung-nguy-co-duoc-bao-truoc-351603/

 

Tuyên dương 10 thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu

10 gương mặt vinh dự được T.Ư Hội LHTN Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam lựa chọn, tuyên dương Thầy thuốc trẻ Việt nam tiêu biểu 2015 là những nhà khoa học, quản lý, thầy thuốc có những đóng góp thiết thực trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa, một trong 10 gương mặt trẻ 2015, tâm sự: “Có thể không trực tiếp làm công tác chuyên môn nhưng việc nỗ lực hoàn thành công việc mà mình đảm nhiệm cũng sẽ đóng góp tốt hơn cho người bệnh và sự phát triển chung của ngành”.

Anh Nguyễn Trọng Khoa hiện là Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, là người có nhiều đóng góp trong xây dựng, triển khai các tiêu chí mới đánh giá chất lượng bệnh viện, nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh trong bệnh viện công.

Thạc sĩ, bác sĩ Hàn Viết Trung (công tác tại Phòng Lâm sàng các bệnh máu, Khoa Huyết học - Truyền máu của Bệnh viện Bạch Mai) không chỉ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ điều trị, mà còn thường xuyên cùng đồng nghiệp tham gia khám chữa bệnh tình nguyện tại các vùng xa và tích cực hiến máu tình nguyện.

Anh chia sẻ: “Máu là “thuốc” đặc biệt chưa thể sản xuất trong khi nhiều người bệnh rất cần để thoát khỏi tình trạng hiểm nghèo. Bởi vậy, tôi và nhiều đồng nghiệp hiến máu với mong muốn không bệnh nhân nào không được cứu chữa do không có máu điều trị”.

Thầy thuốc đi tìm người bệnh

Được tuyên dương lần này còn có các thầy thuốc làm việc tại các vùng sâu, vùng xa như Rơ Chăm Ly Va. Trước khi là bác sĩ điều trị Khoa khám và Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, chị Ly Va từng nhiều năm gắn bó với Trạm y tế xã Ia Tul thuộc vùng khó khăn của huyện Ia Pa, Gia Lai. Nhân lực thiếu, trang thiết bị y tế tạm bợ cùng với khí hậu khắc nghiệt, đa số người dân chưa ý thức thực hiện vệ sinh môi trường nhưng chị vẫn kiên trì bám cơ sở. “Mình là người đồng bào nên mình phải phục vụ đồng bào của mình. Niềm vui của tôi là chữa khỏi bệnh cho người dân”, chị tâm sự.

Bà con Buôn Drang Phok xã Krong Na, huyện Buôn Đôn của tỉnh Đắk Lắk luôn tin yêu y sĩ, trung úy Đặng Quang Bắc. Anh cùng đồng nghiệp công tác tại Phòng khám Quân dân y kết hợp tại buôn Drang Phok đã khám và điều trị an toàn cho trên 5.000 lượt người bệnh. Nhiều người dân nghèo bị mắc bệnh nhưng không đi khám chữa bệnh vì sợ không có tiền trả, các anh đã xuống tận buôn để khám, cấp thuốc miễn phí. Niều trường hợp người dân ở nước bạn Camphuchia khi đến trạm chữa bệnh, Phòng khám quân-dân y kết hợp cũng đã cấp thuốc miễn phí. Tin yêu các anh, người dân địa phương cho con em đi tiêm chủng rất đông, tỷ lệ lên đến 97%, do đó nhiều dịch bệnh được ngăn chặn.

Tìm “thuốc” từ thực phẩm

Các thầy thuốc trẻ được tuyên dương đều có những đóng góp hiệu quả chuyên môn, phục vụ cộng đồng. Chị Trương Tuyết Mai (40 tuổi) hiện là phó giáo sư, tiến sĩ, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng quốc gia, từng trúng tuyển thẳng vào khóa học tiến sĩ của Trường đại học Phụ nữ Nhật Bản với học bổng toàn phần của Chính phủ Nhật Bản. Chị đã bảo vệ thành công đề tài nghiên cứu sinh về nghiên cứu sử dụng các thực vật ăn được ở Việt Nam có hoạt tính sinh học cao trong hỗ trợ phòng chống bệnh đái tháo đường. Trở về nước, công trình tiếp tục được thử nghiệm lâm sàng và chứng minh được khả năng kiểm soát đường huyết của nụ vối, từ đó Viện Dinh dưỡng đã có thành phẩm đưa ra ứng dụng trong cộng đồng.

“Chúng tôi cảm phục những nỗ lực vô cùng của các thầy thuốc. Họ đang công tác trên mọi lĩnh vực: phòng bệnh, điều trị, công tác tại các tuyến y tế luôn hoàn thành công việc với nhiệt huyết của mình. Các gương mặt được tuyên dương là đại diện cho rất rất nhiều thầy thuốc giỏi, tâm huyết luôn nỗ lực vì người bệnh”, anh Nguyễn Phi Long, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam chia sẻ.

http://www.thanhnien.com.vn/the-gioi-tre/tuyen-duong-10-thay-thuoc-tre-viet-nam-tieu-bieu-563469.html

 

Thầy thuốc trẻ ra quân, khám chữa bệnh miễn phí hơn 100.00 người dân

Ngày hội thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng năm 2015 đã chính thức diễn ra từ sáng nay, ngày 17/5, và kéo dài tới 17 giờ chiều cùng ngày.

Ngày hội được tổ chức đồng loạt khắp 63 tỉnh thành trên cả nước với sự tham gia của khoảng 6.000 bác sỹ trẻ.

Tham gia lễ khai mạc chương trình tại Hà Nội sáng nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chính thức trao cờ xuất quân cho các bác sỹ trẻ, khởi động chiến dịch bác sỹ trẻ tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng.

Ngay sau lễ xuất quân, các bác sỹ trẻ đã chia thành nhiều tổ, nhóm để khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân.

Tại Hà Nội, Ngày hội thầy thuốc trẻ diễn ra tại triển lãm Vân Hồ, số 2, phố Hoa Lư. Tại đây, các thầy thuốc trẻ sẽ tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc, khám sáng lọc và tuyên truyền phòng chống ung thu vú, ung thư cổ tử cung cho khoảng 500 phụ nữ; tổ chức tập huấn sơ cứu cơ bản; tổ chức Ngày hội rửa tay bằng xà phòng…

Theo ban tổ chức, đối tượng được quan tâm đặc biệt là những người lao động nghèo nhập cư của Hà Nội như những người vô gia cư, người lao động nghèo nơi các chợ đầu mối Long Biên, Đồng Xuân…

Để thu hút được họ đến với Ngày hội, ban tổ chức đã cử các đội thanh niên đến những khu vực có nhiều lao động nghèo nhập cư để phát tờ rơi, giới thiệu về chương trình…

Ngay từ đầu giờ sáng, đã có rất nhiều người dân đang sinh sống tại Thủ đô tới khám bệnh. Lực lượng thanh niên tình nguyện trong màu áo xanh luôn túc trực, sẵn sàng chỉ dẫn người dân hoặc giúp đỡ những người già đến tận bàn bác sỹ.

Có mặt tại triển lãm Vân Hồ từ khá sớm, bác Nguyễn Văn Hoan, hành nghề xe ôm tại Hà Nội, cho biết: “Tôi nghĩ mình có bệnh trong người nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn, không dám đi khám, sợ tốn tiền. Nghe nói tới chương trình khám bệnh miễn phí, tôi cũng phân vân mãi, khám xong ra bệnh lại không có tiền chữa trị thì càng thêm lo lắng. Nhưng đến đây được các bác sỹ nhiệt tình tư vấn, tôi cũng đỡ lo phần nào.”

Theo anh Trần Văn Thuấn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, khám chữa bệnh cho người dân, đặc biệt là những người dân nghèo là hoạt động thiết thực của những thầy thuốc trẻ nhằm góp công sức của mình cho sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. “Đó cũng là những thành tích, những bông hoa rực rỡ nhất để các thầy thuốc trẻ kính dâng lên Bác Hồ trong dịp kỷ niệm 125 ngày sinh của Người."

Với sự ra quân của 6.000 thầy thuốc trẻ trên khắp mọi vùng miền Tổ quốc, riêng trong ngày hôm nay, dự kiến sẽ có khoảng 100.000 người dân được cấp phát thuốc miễn phí, 1.000 người cao tuổi được mổ mắt miễn phí, 700 giáo viên được tập huấn sơ cấp cứu, 50.000 trẻ em sẽ tham gia Ngày hội rửa tay bằng xà phòng để phòng chống dịch bệnh.

Bên cạnh việc khám chữa bệnh, các thầy thuốc trẻ, thanh niên tình nguyện cũng kêu gọi mọi người hiến máu để tiếp nhận khoảng 13.000 đơn vị máu phục vụ việc cứu chữa bệnh nhân./.

http://www.vietnamplus.vn/thay-thuoc-tre-ra-quan-kham-chua-benh-mien-phi-hon-10000-nguoi-dan/323020.vnp

http://vov.vn/xa-hoi/ngay-hoi-thay-thuoc-tre-lam-theo-loi-bac-kham-benh-cho-nhan-dan-401619.vov

http://www.thanhnien.com.vn/the-gioi-tre/kham-benh-cap-phat-thuoc-mien-phi-cho-nguoi-ngheo-563446.html

http://www.nhandan.org.vn/xahoi/tin-tuc/item/26365102-hon-100-nghin-nguoi-dan-duoc-kham-benh-cap-thuoc-mien-phi.html

 

Khám bệnh miễn phí cho hơn 300 trẻ em

Ngày 17/5, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế (BV ĐKQT) Vinmec đã tổ chức khám sức khỏe và tư vấn các bệnh liên quan đến u bướu miễn phí cho hơn 300 cháu thiếu nhi tại thôn Mẫn Xá (xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh).

Tại đây, các cháu thiếu nhi và phụ huynh đã được các bác sĩ chuyên khoa Nhi và Ung bướu - BV ĐKQT Vinmec kiểm tra, tư vấn các biện pháp chăm sóc, nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật - trong đó có các bệnh liên quan đến u bướu. Bác sĩ Nguyễn Hải Hà - Khoa Ung bướu, BV ĐKQT Vinmec cho biết, qua khám cho thấy tỷ lệ trẻ viêm đường hô hấp do ô nhiễm môi trường chiếm cao, khoảng 70%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng độ 1 và 2 chiếm hơn 20%...

Qua đây, các bác sĩ BV ĐKQT Vinmec khuyến cáo, thôn Mẫn Xá có nhiều hộ gia đình làm nghề tái chế, sản xuất, kinh doanh phế thải kim loại và sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ do đó các gia đình ở đây cần đặc biệt chú ý đến việc đảm bảo môi trường sống, đặc biệt đối với trẻ nhỏ để hạn chế tối đa các bệnh về đường hô hấp. Đồng thời, đối với các bà mẹ cần cho trẻ ăn với chế độ dinh dưỡng hợp lý, để đảm bảo trẻ nhỏ không bị suy dinh dưỡng, còi xương...

Được biết, việc khám sức khỏe và tư vấn cho các cháu thiếu nhi tại thôn Mẫn Xá là hoạt động mở đầu cho chuỗi các sự kiện cộng đồng “Nhịp cầu hy vọng” do BV ĐKQT Vinmec phối hợp cùng Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Bắc Ninh, Hội thầy thuốc trẻ tỉnh Bắc Ninh, Huyện đoàn huyện Yên Phong, UBND xã Văn Môn, Trạm Y tế xã Văn Môn, kênh truyền hình O2TV, Báo Kinh tế & Đô Thị và Báo Bắc Ninh tổ chức, nhằm góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức phòng tránh bệnh ung thư trong cộng đồng, dự kiến chương trình kéo dài đến hết tháng 12/2015.

Chương trình dành sự quan tâm đặc biệt đến 3 đối tượng: Trẻ em bị ung thư, phụ nữ bị ung thư vú và đàn ông mắc ung thư phổi, với thông điệp “Ung thư có thể tấn công bất kỳ ai”. Hiện chương trình “Nhịp cầu Hy vọng” bắt đầu triển khai ở giai đoạn I, tập trung vào đối tượng là các bệnh nhi. Trong quá trình khám sàng lọc các bệnh nhi ung thư và xem xét điều kiện kinh tế gia đình của các cháu, VB ĐKQT Vinmec sẽ phối hợp cùng Quỹ Thiện Tâm (thuộc Tập đoàn Vingroup) tài trợ chữa trị cho một số trường hợp bệnh nặng, có hoàn cảnh khó khăn. Các em nhỏ sẽ được điều trị tại BV ĐKQT Vinmec, bởi các bác sĩ có trình độ chuyên môn cao và trang thiết bị hiện đại.

Hiện nay, BV ĐKQT Vinmec là hệ thống y tế hàng đầu Việt Nam, luôn đặc biệt quan tâm đến những người phải đối mặt với căn bệnh ung thư. Bằng kĩ thuật điều trị cao cấp và phác đồ điều trị hợp lý, các chuyên gia, bác sĩ tại VB ĐKQT Vinmec sẽ đem lại cho người bệnh những giải pháp tốt nhất để người bệnh vững tin về tinh thần, mạnh mẽ về thể chất đối mặt với các nguy cơ của căn bệnh.

http://www.ktdt.vn/xa-hoi/y-te/2015/05/8102c2c9/kham-benh-mien-phi-cho-hon-300-tre-em/

 

Lần đầu tiên tổ chức trại hè đái tháo đường dành cho trẻ em

Trại hè tổ chức vào cuối tháng 6 tới đây sẽ có sự tham gia của 30-50 trẻ (6-15 tuổi) mắc bệnh đái tháo đường, được lựa chọn theo phương thức bốc thăm ngẫu nhiên từ danh sách trẻ mắc đái tháo đường của 1 số tỉnh thành trong cả nước.

Bệnh đái tháo đường (bao gồm tuýp 1 và 2) không từ chối ai. Cứ 6 giây có 1 người chết liên quan đến đái tháo đường; cứ 20 giây có 1 người bị đoạn chi vì đái tháo đường. Tại Việt Nam, mặc dù chưa có khảo sát chính thức nhưng từ các điều tra về Dân số quốc gia 2008 cho thấy tỉ lệ mắc đái tháo đường tuýp 1 chỉ chiếm khoảng 5-10% tổng số người mắc bệnh đái tháo đường nói chung và chỉ chiếm 0,5-0,7% dân số.

Đối tượng của bệnh này chủ yếu là trẻ em. Độ tuổi phát hiện thường là 5-6 tuổi (đã có trường hợp phát hiện lúc 3 tháng tuổi).

Khác với người lớn, phần lớn trẻ mắc đái tháo đường đều ở dạng tuýp 1, một dạng bệnh tự miễn, không có khả năng dự phòng, ngăn ngừa. Cùng với đó là tỉ lệ thấp nên ít được giới y khoa và xã hội quan tâm.

Giáo sư PGS.TS Tạ Văn Bình, Viện trưởng Viện Đái tháo đường và Chuyển hoá ĐH Y Hà Nội, Chủ tịch Trung ương Hội Giáo dục đái tháo đường Việt Nam, cho biết: “Chúng ta thường chỉ quan tâm đến bệnh nhân dạng tuýp 2 vì cho rằng bệnh có thể dự phòng, ngăn ngừa còn tuýp 1 đến lúc nào, đi lúc nào, hậu quả ra sao không ai ngăn cấm được và chưa có biện pháp dự phòng”.

Trong khi đó, nếu được chăm sóc đầy đủ, những người bệnh hoàn toàn có thể đóng góp cho xã hội như người bình thường. Trên thực tế, tại Mỹ đã có những trường hợp đái tháo đường tuýp 1 sống đến hơn 80 tuổi, có con đàn cháu đống… Và PGS.TS Bình cho biết hiện có 1 cặp vợ chồng người Anh (80 tuổi) mắc đái tháo đường luôn sẵn sàng sang Việt Nam để hỗ trợ các đối tượng mắc đái tháo đường tuýp 1.

Tuy nhiên, do trẻ mắc bệnh này dễ bị tổn thương, lại chưa biết cách sinh hoạt, luyện tập, tự chăm sóc bản thân… nên trẻ rất khó để có được 1 cuộc sống bình thường. GS Bình chia sẻ, trẻ Việt Nam chưa biết cách tự tiêm insulin, tự phục vụ bản thân, phụ thuộc nhiều vào người lớn.

Trong khi đó, tại Philipin, sau khi tham gia trại hè dành cho bệnh nhân đái tháo đường, trẻ có thể tự phục vụ bản thân, tự tiêm insulin cho mình ngay từ độ tuổi 6-8.

Dựa trên kinh nghiệm các trại hè này, Trung ương Hội Người giáo dục bệnh đái tháo đường Việt Nam phối hợp với Tổ chức Insulin For Life toàn cầu và Viện Đái tháo đường và rối loạn chuyển hoá quốc gia tổ chức Trại hè đái tháo đường quốc tế tại Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh, Thanh Thuỷ, Phú Thọ từ 26-28/6/2015 với mục tiêu: khuyến khích ý chí, nghị lực vươn lên, trẻ có thể tự kiểm soát bệnh tật duy trì cuộc sống bình thường dù có mắc bệnh đái tháo đường….

Tại cuộc họp báo ngày 16/5, PGS.TS Bình cho biết sẽ có 30-50 trẻ độ tuổi 6-15 tham gia trại hè này. Các cháu được các tỉnh, thành trong cả nước giới thiệu theo cơ chế bốc thăm ngẫu nhiên và được hoàn toàn miễn phí (bao gồm phí đăng ký tham dự trại hè, tiền ăn, ở, phương tiện đi lại, các chi phí xét nghiệm, điều trị trong thời gian diễn ra trại hè). Nếu người nhà đi theo sẽ phải tự túc kinh phí hoàn toàn.

Để đảm bảo an toàn cho các bệnh nhi, mỗi địa phương sẽ phải cử cán bộ y tế đi cùng. Và trong thời gian sinh hoạt tại trại hè, sẽ có các chuyên gia trong và ngoài nước cùng các tình nguyện viên trường y hỗ trợ trẻ trong mọi hoạt động từ vui chơi đến ăn ngủ.

http://dantri.com.vn/suc-khoe/lan-dau-tien-to-chuc-trai-he-dai-thao-duong-danh-cho-tre-em-1072854.htm

 

Bộ Y tế không “cấm hút thuốc” trong các đám ma, đám cưới

Những ngày qua, dư luận cả nước đã xôn xao trước thông tin Bộ Y tế có công văn đề nghị hạn chế hoặc không hút thuốc lá trong các đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư. Tuy nhiên, Bộ Y tế cho biết, đơn vị này không dùng từ "cấm".

Ngày 6.5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có Công văn số 2944/BYT-KCB gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo đưa quy định hạn chế hoặc không hút thuốc lá trong đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư vào hương ước.

Thông tin nêu trên ngay sau khi được báo chí đăng tải đã nhận được rất nhiều phản hồi từ dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng việc hút thuốc trong cơ quan nhà nước còn chưa cấm được thì sẽ rất khó có thể cấm trong đám ma đám cưới. Tuy nhiên, theo tin tức trên Tiền phong, chiều 13/5, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có thông tin gửi báo chí để nói rõ về nội dung Công văn số 2944/BYT-KCB.

Bộ Y tế không dùng từ “cấm” mà chỉ sử dụng từ “hạn chế hoặc không” hút thuốc lá trong đám cưới, lễ tang, lễ hội. Theo công văn, Cục Quản lý Khám chữa bệnh nói Bộ Y tế không dùng từ “cấm” mà chỉ sử dụng từ “hạn chế hoặc không” hút thuốc lá trong đám cưới, lễ tang, lễ hội.

Như vậy, việc một số báo đưa tin Bộ Y tế đề nghị cấm hút thuốc lá trong đám ma, đám cưới là không đúng.

Trước đó, như tin tức đã đưa, trong văn bản “Tăng cường thực thi luật Phòng chống tác hại thuốc lá và hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31.5”, Bộ trưởng Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị đưa quy định “Cấm hút thuốc lá” tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị.

Đồng thời tăng cường thanh tra việc tuân thủ các quy định không hút thuốc lá tại nơi làm việc, nhà hàng, phương tiện giao thông công cộng.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi, đột quỵ, mạch vành. Hiện tại, Việt Nam đang đối mặt với sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh nêu trên.

Bộ cũng đã thực hiện không bán thuốc lá trong các bệnh viện; đưa quy chế không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan. Nhờ vậy, tỷ lệ hút thuốc lá trong nhân viên y tế liên tục giảm trong các năm gần đây.

http://motthegioi.vn/suc-khoe/bo-y-te-khong-cam-hut-thuoc-trong-cac-dam-ma-dam-cuoi-189589.html

 

Cảnh báo ngộ độc từ thuốc Đông y

Nhiều người quan niệm thuốc đông y có nguồn gốc tự nhiên nên an toàn. Tuy nhiên đó là quan điểm sai lầm, thuốc đông y cũng có các tác dụng không mong muốn, gây tổn thương mãn tính, thậm chí tử vong.

Bà N. (65 tuổi, ngụ Q.12, TPHCM) đến điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM trong tình trạng ho nhiều, viêm loét niêm mạc họng, chán ăn, sụt cân, yếu liệt 2 chân… Xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị viêm phổi mô kẽ, nhưng đáp ứng điều trị rất kém.

Qua điều tra bệnh sử, bệnh nhân cho biết trước khi nhập viện một tháng có uống An cung ngưu hoàng (xuất xứ Trung Quốc) để điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới.

Theo bệnh nhân, bà đi châm cứu gần nhà và được giới thiệu uống An cung ngưu hoàng với liều lượng 1 viên/tuần. Sau khi uống được 2 tuần, bà bị ho, đau ngực nhẹ khi ho, lở miệng, ăn uống kém dần, chân cũng yếu dần, không thể tự đi đứng được. Nhưng bà vẫn tiếp tục uống thuốc. Một tháng sau, bà sụt 3 kg và các triệu chứng như đã nêu ngày càng nặng nên quyết định đến bệnh viện.

Bác sĩ Doãn Uyên Vy, chuyên về nhiễm độc, Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết, biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân phù hợp với tình trạng ngộ độc thủy ngân và arsenic. Đây là những kim loại nặng rất độc có trong thành phần của An cung ngưu hoàng (gồm 2 vị thuốc chu sa, hùng hoàng) mà bệnh nhân đã uống.

Sau 3 tuần điều trị tại bệnh viện, diễn tiến bệnh của bà N. nặng hơn, bắt đầu lơ mơ, tổn thương đa dây thần kinh chi dưới, tổn thương sợi trục, co giật. Xét nghiệm máu cho thấy dương tính với arsenic. Đến tuần thứ tư, bệnh nhân tử vong với kết luận ngộ độc thủy ngân và arsenic gây biến chứng suy tim mạch cấp.

Một trường hợp khác, chị G. (26 tuổi, ngụ Quảng Ngãi) nhập viện trong tình trạng liệt 2 chân không thể đi lại. Người nhà cho biết, trước đó chị G. bị bệnh lý tự miễn (lupus ban đỏ). Chị vừa uống thuốc tây y, vừa uống thuốc gia truyền do người xung quanh mách bảo. Mỗi ngày bệnh nhân uống 120 viên thuốc nén nhỏ cộng với một gói thuốc sắc.

Một tháng rưỡi sau, chị G. bị sụt 4kg do kém ăn, tóc rụng nhiều, trí nhớ giảm sút, mất tập trung, không nhớ được tên người thân, biểu hiện lơ ngơ như tâm thần, 2 chân yếu liệt dần và không còn tự đi lại được. Gia đình quyết định đưa chị đi bệnh viện.

Bác sĩ Vy cho biết, kết quả siêu âm cho thấy bệnh nhân viêm cơ tim, xuất hiện vết loét cùng cụt. Xét nghiệm mẫu tóc cho thấy có chứa thủy ngân và arsenic. Kết luận bệnh nhân bị biến chứng lupus nặng kèm với nhiễm độc thủy ngân, arsenic mãn tính.

Sau 2 tháng điều trị hỗ trợ, ngưng dùng thuốc gia truyền, bệnh nhân xuất viện với trí nhớ dần hồi phục. Tuy nhiên, 2 chân chị G. vẫn còn yếu liệt chưa cải thiện, phải tái khám mỗi tháng theo dõi.

Hiện bác sĩ Vy còn đang theo dõi điều trị cho một nam bệnh nhân 48 tuổi uống thuốc đông y và bị nhiễm độc mãn tính arsenic gây ung thư da.

“Người dân cần hết sức theo dõi các biểu hiện khi sử dụng thuốc đông y, nếu có bất cứ dấu hiệu nào bất thường phải ngưng thuốc ngay và đến bệnh viện”, bác sĩ Vy khuyên.

http://khoe360.tienphong.vn/gia-dinh-suc-khoe/canh-bao-ngo-doc-tu-thuoc-dong-y-859621.tpo

 

Bệnh vì… “nằm ổ”

Kiêng cữ một cách máy móc, thiếu khoa học có thể dẫn đến nhiều nguy cơ cho sản phụ và em bé mới sinh

Đến giờ, chị Ng.T.A.N (29 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) vẫn chưa hết cảm giác rùng mình khi nhớ lại thời kỳ hậu sản vào mùa hè năm ngoái. “Trước khi sinh con, tôi được người nhà ở quê “dọa” đủ điều rằng nếu đi lại, làm việc hay vệ sinh cá nhân tùy tiện sau sinh sẽ dẫn đến nhiều bệnh nên khi sinh con xong, tôi hầu như chỉ nằm” - chị kể. Hậu quả của hơn 3 tuần nằm lì trên giường là chị đau mỏi toàn thân, đi lại khó khăn và bị nhiễm trùng hậu sản do nằm nhiều khiến sản dịch ứ đọng trong cơ thể. Và cũng do chị kiêng vệ sinh cơ thể nên bé trai của chị bị rối loạn tiêu hóa vì bú mẹ.

BS Trần Ngọc Hải, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện (BV) Từ Dũ, cho rằng hầu hết các quan niệm kiêng cữ sau sinh vốn chỉ để bảo vệ người phụ nữ và em bé trong giai đoạn còn yếu sau cuộc “vượt cạn”, tránh các tác nhân gây hại từ bên ngoài; còn kiêng sao cho khoa học và phù hợp với hoàn cảnh sống hiện tại mới là vấn đề.

Đối với một sản phụ sinh thường, không biến chứng thì sau khi sinh họ được hướng dẫn nằm nghỉ trong vòng 4-6 giờ, sau đó bắt đầu ngồi dậy, vận động nhẹ nhàng, tập đi lại trong phòng... Với phụ nữ sinh mổ thì nên tập sau 24 giờ. Việc vận động sớm không những không gây yếu chân tay như nhiều người nghĩ mà còn giúp máu huyết lưu thông tốt hơn, các cơ chế tuần hoàn, bài tiết, tiêu hóa... được vận hành trơn tru trở lại, sản dịch dễ thoát ra, góp phần giúp người phụ nữ sớm phục hồi.

Sản phụ nên có chế độ vận động, dinh dưỡng, vệ sinh cơ thể, chăm sóc bé... theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Trong ảnh: Nữ hộ sinh của Bệnh viện Từ Dũ hướng dẫn sản phụ cách chăm sóc bé

Sản phụ nên có chế độ vận động, dinh dưỡng, vệ sinh cơ thể, chăm sóc bé... theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Trong ảnh: Nữ hộ sinh của Bệnh viện Từ Dũ hướng dẫn sản phụ cách chăm sóc bé

BS Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, cảnh báo rằng việc nằm quá lâu sau sinh có thể dẫn đến nhiều biến chứng như bế sản dịch gây nhiễm trùng, liệt bàng quang, liệt ruột... Vận động sớm và đúng cách còn giúp tử cung co hồi tốt, ngăn ngừa nguy cơ băng huyết.

Về vấn đề vệ sinh cơ thể, BS Thông nhấn mạnh việc kiêng ở đây chỉ là kiêng dầm nước lạnh quá lâu chứ không phải không được đụng vào nước. Việc đánh răng rất cần thiết và chẳng gây tác hại gì cả. Còn gội đầu, tắm rửa vẫn phải làm hằng ngày nhưng nên chú ý tắm trong phòng không bị gió lùa, sử dụng nước ấm và tắm nhanh, không ngâm mình trong bồn, lau khô sau tắm. Nên chú ý vệ sinh vùng kín và vết mổ (nếu sinh mổ) theo hướng dẫn của nhân viên y tế và vệ sinh vùng ngực khi cho bé bú. Trong ngày đầu sau sinh, nếu mệt quá không tắm thì phải lau mình sạch sẽ bằng nước ấm. Không vệ sinh cơ thể không chỉ gây khó chịu mà còn dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng cho cả mẹ và con.

Nhiều phụ nữ do kiêng vận động, kiêng nước nên cũng kiêng luôn nhiều bước trong việc chăm con, đặc biệt là khi gia đình có người chăm sóc khiến em bé không được gần mẹ, thậm chí ít khi được mẹ bế bồng vì mẹ kiêng vận động. Tuy nhiên, theo BS Hải, khi được xuất viện về nhà, tức mẹ và con đều đã ổn định, người phụ nữ có thể tắm gội cho mình và con, chăm sóc con và làm những việc lặt vặt trong nhà mà không cần kiêng gì, chỉ không được vận động quá mạnh như khuân vác nặng hay tham gia lao động ngoài xã hội trong thời kỳ hậu sản (6 tuần đầu). Chế độ dinh dưỡng nên đa dạng, đủ chất và dễ tiêu, ăn đủ no, không quá ít và cũng không cần thiết phải “ăn cho 2 người” mới có sữa.

BS Thông khuyên thân nhân nên giúp sản phụ trong công việc nhà để người mẹ có thời gian chăm con. Trẻ được mẹ hay bồng bế, săn sóc trong giai đoạn đầu đời sẽ nhạy cảm hơn với âm thanh, ánh sáng, nhiệt độ, mau ổn định nhịp sinh học, giúp 2 mẹ con có tình cảm gắn bó hơn và từ đó quá trình phát triển thần kinh, vận động sẽ tốt hơn. Đặc biệt sau khi sinh, nên tuân thủ hướng dẫn của cơ sở y tế để cho bé “da kề da” với mẹ và bú mẹ ngay trong giờ đầu sau sinh.

Không chỉ kiêng, dân gian cũng có vô số cách để giúp mẹ và bé khỏe nhưng không ít cách đã bị các BV dán thông báo “xin đừng làm” như việc nằm than và cho bé uống cam thảo, vốn đã gây không ít ca ngạt khí CO và hít sặc ở trẻ. Theo lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP HCM, ngày xưa khi chưa có điều kiện về y tế, những em bé sinh ra bị nghẹt đàm nhớt nhiều thường được cha mẹ dùng miệng hút ra hoặc nhỏ vài giọt nước sắc từ cam thảo lên khăn sạch và rơ lưỡi để giúp tống đàm nhớt ra. Ngày nay, em bé nào bị như thế thì các BV đã có dụng cụ hút sạch rồi nên thao tác rơ lưỡi này không còn tác dụng và tốt nhất là đừng nên làm. Việc nằm than cũng vậy. Hiện nay, nhất là ở những TP lớn như TP HCM, nhà cửa lúc nào cũng kín đáo, có phương tiện sưởi ấm khi trời lạnh thì nằm than không những không cần thiết mà còn có thể gây ngạt khí CO nguy hiểm cho tính mạng cả mẹ và con nếu nằm trong phòng kín.

http://nld.com.vn/suc-khoe/benh-vi-nam-o-20150517202354129.htm

 

Tăng cường sàng lọc bệnh nhân tăng huyết áp tại cộng đồng

Số liệu thống kê toàn cầu cho thấy rằng chỉ có 50% những người có huyết áp cao biết rằng mình có bệnh. Do đó, việc tăng cường sàng lọc tại cộng đồng sẽ giúp giảm 25% tăng huyết áp không kiểm soát.

 

Ngày Phòng chống tăng huyết áp thế giới (17/5) ra đời nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cao huyết áp. Và chủ đề của giai đoạn 2013-2018 là “Biết chỉ số huyết áp của bạn”.

Kể năm 2006, Liên đoàn Tăng huyết áp thế giới (WHL) phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Quốc tế về Tăng huyết áp (ISH) và các tổ chức khác, đã lấy ngày 17-5 là Ngày Phòng chống tăng huyết áp thế giới (WHD).

Và trong giai đoạn 5 năm (2013-2018), chủ đề của Ngày Phòng chống tăng huyết áp là “Biết chỉ số huyết áp của bạn” với mục tiêu nâng cao nhận thức cao huyết áp ở tất cả mọi đối tượng trên thế giới.

Quyết định này dựa trên số liệu thống kê toàn cầu cho thấy rằng chỉ có 50% những người có huyết áp cao biết rằng mình có bệnh. Trong đó, nếu 1 số nhóm tỉ lệ nhận thức về bệnh là hơn 75% thì 1 số nhóm lại chỉ có khoảng 10% nhận thức được bệnh.

Để nâng cao nhận thức của chẩn đoán cao huyết áp trong cộng đồng, Liên đoàn Tăng huyết áp thế giới cho rằng cần phải thực hiện đồng bộ 2 chương trình: thiết lập các chương trình sàng lọc cộng đồng ở những người có nguy cơ và đưa kiểm tra huyết áp vào mọi chương trình khám bệnh.

Trong năm 2014, các chiến dịch khuyến khích cộng đồng tham gia các chương trình sàng lọc đã giúp không chỉ hoàn thành mục tiêu của 2014 mà còn vượt hơn 300.000 người ở 30 quốc gia).

Với sự thành công của năm 2014, mục tiêu của năm 2015 là 1 triệu người có nhận thức về bệnh thông qua kiểm tra huyết áp thường xuyên và bệnh và lên kế hoạch cho 1 chương trình sàng lọc lớn hơn vào năm 2016.

Liên đoàn Tăng huyết áp thế giới khuyến khích mọi tổ chức đóng góp vào báo cáo về nhận thức của người bệnh trong thời điểm từ 17/4 – 17/5/2015 về tỉ lệ người mắc bệnh huyết áp cao, đang dùng thuốc chống tăng huyết áp; tỉ lệ người được chẩn đoán mắc huyết áp qua khám sức khoẻ….

Trong năm 2015, nguồn tài chính hỗ trợ kiểm tra huyết áp cộng đồng sẽ được chuyển đến các nước Cameroon, Cộng hòa Congo, Nigeria, Haiti, Brazil và Canada

Những việc làm này sẽ góp phần giúp đạt các mục tiêu giảm 25% tăng huyết áp không kiểm soát, cải thiện rõ rệt tỉ lệ người tăng huyết áp được chẩn đoán như mục tiêu 2025 của Liên Hợp Quốc.

http://dantri.com.vn/suc-khoe/tang-cuong-sang-loc-benh-nhan-tang-huyet-ap-tai-cong-dong-1072806.htm

 

Cảnh báo chất độc từ đồ dùng văn phòng

Kết quả phân tích của Viện Công nghệ hóa học (thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) cho thấy chất lỏng trong sản phẩm chặn giấy chứa một số kim loại nặng bao gồm chì, asen, Cd (cadmium) với hàm lượng khá cao.

Các nhà khoa học tại đây cảnh báo khi nuốt Cd (độc hại chẳng kém thủy ngân), asen và chì vào cơ thể với hàm lượng nhỏ cũng có thể gây ngộ độc cấp tính, dẫn đến tử vong.

Sau cái chết tức tưởi của một bé trai 17 tháng tuổi ở TP Vinh, Nghệ An vào ngày 9-5 vì uống nhầm dung dịch lỏng chảy ra từ hộp nhựa đựng tăm, PV Pháp Luật TP.HCM khảo sát và ghi nhận nhiều vật dụng tương tự có chứa chất lỏng độc hại bán đầy trên thị trường TP.HCM.

Đủ màu, đủ kiểu

Tại nhà sách trên đường Nguyễn Ảnh Thủ (huyện Hóc Môn, TP.HCM), các hộp cắm viết làm bằng nhựa có chứa chất lỏng trang trí đủ màu, đủ kiểu rất bắt mắt trưng đầy trên kệ với giá 30.000 đồng/cái. Người bán đưa PV xem một sản phẩm hình hai trái tim lồng nhau, trong có hai búp bê một nam một nữ đang tỏ tình rất đẹp. Bên trong sản phẩm có chứa chất lỏng sền sệt đầy kim tuyến, lóng lánh đẹp mắt. Tuy nhiên, sản phẩm chẳng một thông tin, chẳng một dòng chữ.

Khi chúng tôi hỏi sản phẩm được làm từ đâu, bà chủ nhà sách trả lời: “Tôi cũng không biết. Có người đến chào hàng, thấy đẹp nên tôi mua rồi bán lại. Mà sản phẩm đựng viết bán chạy lắm, học sinh rất thích”.

Ngoài hình trái tim lồng vào nhau, sản phẩm cắm viết còn có hình cái ấm nước, ngôi nhà, xe ô tô… đủ màu xanh, đỏ, vàng. Sản phẩm nào bên trong cũng có chứa chất lỏng màu bạc, lắc nhẹ sóng sánh rất đẹp.

Tại nhà sách trên đường Trường Chinh (quận Tân Bình, TP.HCM), cục chặn giấy làm bằng nhựa, trong có chất lỏng tương tự cũng được bán đầy trên kệ với giá dao động từ 20.000 đến 25.000 đồng/cái. Tất cả sản phẩm này cũng chẳng có một dòng thông tin.

Lớp nhựa trên sản phẩm khá mỏng, chất lỏng được pha trộn với các màu đỏ, xanh, vàng… bắt mắt. Nghe PV hỏi sản phẩm xuất xứ từ đâu, dễ bể khi rớt dưới đất không, nhân viên bán hàng trả lời nhát gừng: “Có lẽ từ Trung Quốc. Cái gì rớt mà chẳng bể”.

Toàn chất độc chết người

Chúng tôi mua một cục chặn giấy bằng nhựa, trong có chất lỏng sóng sánh đẹp mắt đem đến Viện Công nghệ hóa học (thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) nhờ phân tích. Kết quả cho thấy lớp dung dịch ở trên là chất hữu cơ trong suốt, không tan trong nước, mùi hydrocacbon gốc khoáng. Lớp dung dịch dưới có màu cam (nước pha với màu).

Kết quả còn cho thấy lớp dung dịch chất hữu cơ trong suốt chứa một số kim loại nặng bao gồm chì (hàm lượng 0,03 mg/lít), asen (hàm lượng 0,11 mg/lít). Điều đáng lưu ý hàm lượng Cd (cadmium) lên tới 1,21 mg/lít!

TS Nguyễn Thị Kim Phượng, Trưởng phòng Hóa lý phân tích Viện Công nghệ hóa học, cho biết: “Cd và các dung dịch, các hợp chất của nó độc hại chẳng kém thủy ngân (có thể dẫn đến chết người). Các hợp chất chứa Cd cũng dễ có nguy cơ gây ung thư. Cd vào cơ thể qua đường hô hấp sẽ gây đau ngực, khó thở, tím tái... Nhiễm Cd qua đường tiêu hóa sẽ gây buồn nôn, nôn, đau bụng... Trong một vài trường hợp, nuốt phải một lượng nhỏ Cd có nguy cơ gây ngộ độc cấp tính khiến gan và thận bị tổn thương nặng, thậm chí tử vong. Đến nay chưa có biện pháp giải độc Cd mang hiệu quả cao. Do đó, tốt nhất không cho trẻ tiếp xúc với những sản phẩm có chứa Cd”.

TS Phượng cho biết thêm asen và chì là kim loại nặng cũng rất độc. Trẻ nuốt asen và chì vào cơ thể với hàm lượng nhỏ sẽ gây ngộ độc cấp tính, dẫn đến tử vong.

http://dantri.com.vn/suc-khoe/canh-bao-chat-doc-tu-do-dung-van-phong-1073059.htm

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Lịch công tác UBND xã
Thứ hai ngày 11/11/2024
Chủ tịch UBND: Dương Anh Tuấn
14:30: Phối hợp tổ chức đối thoại với hộ gia đình, cá nhân để thông báo chủ trương đầu tư xây dựng Công trình trụ sở công an xã
Thứ ba ngày 12/11/2024
Chủ tịch UBND: Dương Anh Tuấn
08:00: Tham dự tiếp xúc cử tri của Tổ đại biểu số 6 HĐND tỉnh
14:00: Tham dự Kỳ họp chuyên đề lần thứ 12 HĐND thị xã khóa VII nhiệm kỳ 2021-2026
Phó Chủ tịch UBND: Nguyễn Đắc Mùi
08:30: Họp tháo dỡ các mái che, di chuyển các vật dụng đặt lấn chiếm lòng lề đường
Phó Chủ tịch UBND: Đặng Văn Hiệp
08:00: Dự Hội nghị phổ biến nội dung công việc kiểm kê di sản văn hóa
15:00: Họp liên quan tổ chức giải đua ghe tại HTX NN Thuỷ Thanh
Thứ tư ngày 13/11/2024
Chủ tịch UBND: Dương Anh Tuấn
09:00: Họp rà soát, củng cố hồ sơ liên quan đến Ngô Tá Tuấn (để báo cáo xin ý kiến giải quyết đơn của ông Ngô Tá Nguyên).
Phó Chủ tịch UBND: Nguyễn Đắc Mùi
09:00: Họp rà soát, củng cố hồ sơ liên quan đến Ngô Tá Tuấn (để báo cáo xin ý kiến giải quyết đơn của ông Ngô Tá Nguyên).
Phó Chủ tịch UBND: Đặng Văn Hiệp
14:00: Tập huấn chuyển đổi nền tảng số
Thứ năm ngày 14/11/2024
Chủ tịch UBND: Dương Anh Tuấn
08:00: Họp Hội đồng nghĩa vụ quân sự thị xã
15:00: Họp Hội đồng xác định mức độ khuyết tật
Phó Chủ tịch UBND: Nguyễn Đắc Mùi
09:00: Họp liên quan thu thuế đất phi nông nghiệp
14:00: Họp triển khai vụ Đông - Xuân 2024-2025 và triển khai chính sách của Nhà nước về đất trồng lúa năm 2025
Phó Chủ tịch UBND: Đặng Văn Hiệp
08:00: Họp nghe báo cáo các hồ sơ trễ hẹn trong lĩnh vực đất đai
Thứ sáu ngày 15/11/2024
Chủ tịch UBND: Dương Anh Tuấn
08:00: Họp giải quyết đơn của ông Ngô Tá Nguyên về hoạt động xây dựng của ông Ngô Tá Tuấn tại thôn Lang Xá Cồn
08:00 -17:30Tiếp công dân định kỳ UBND xã
Phó Chủ tịch UBND: Nguyễn Đắc Mùi
08:00: Họp giải quyết đơn của ông Ngô Tá Nguyên về hoạt động xây dựng của ông Ngô Tá Tuấn tại thôn Lang Xá Cồn
Phó Chủ tịch UBND: Đặng Văn Hiệp
08:00: Dự tập huấn công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng năm 2024
Thứ bảy ngày 16/11/2024
Chủ nhật ngày 17/11/2024
Chủ tịch UBND: Dương Anh Tuấn
07:30: Dự Ngày hội "Đại đoàn kết toàn dân tộc" tại thôn Thanh Tuyền
14:00: Dự Ngày hội "Đại đoàn kết toàn dân tộc" tại thôn Vân Thê Trung
Phó Chủ tịch UBND: Nguyễn Đắc Mùi
08:00: Dự Ngày hội "Đại đoàn kết toàn dân tộc" thôn Vân Thê Đập
14:00: Dự Ngày hội "Đại đoàn kết toàn dân tộc" thôn Vân Thê Thượng
Phó Chủ tịch UBND: Đặng Văn Hiệp
08:00: Dự Ngày hội "Đại đoàn kết toàn dân tộc" thôn Lang Xá Bàu
13:00: Dự Ngày hội "Đại đoàn kết toàn dân tộc" thôn Thanh Thủy
Truyền hình TRT
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 1.860.999
Đang truy cập 67